Điểm chuẩn vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ biến động như thế nào?

GD&TĐ - Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, năm nay số lượng đăng ký vào ngành này tăng cao. Dự  báo, điểm chuẩn vào ngành sư phạm có thể tăng hơn so với năm ngoái.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn (ngoài cùng bên phải) trong một chương trình tư vấn tuyển sinh 2021 bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: NVCC
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn (ngoài cùng bên phải) trong một chương trình tư vấn tuyển sinh 2021 bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: NVCC

Dự kiến điểm chuẩn tăng

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã nghiên cứu và xây dựng phương án cụ thể để tạo điều kiện tối đa cho các bạn thí sinh; trong đó có phương thức xét tuyển đối với thí sinh đủ điều kiện dự thi nhưng không tham dự kì thi tốt nghiệp THPT đợt 2 do dịch bệnh Covid-19 và được xét đặc cách tốt nghiệp năm 2021.  

Rất nhiều thí sinh quan tâm đến điểm chuẩn vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn trao đổi: Tổng chỉ tiêu xét tuyển của trường là 5.700. Trong đó, chỉ tiêu sư phạm là 4.263 sinh viên, còn lại gần 1.500 chỉ tiêu cho các ngành ngoài sư phạm.

Vì các trường còn chờ các đợt đăng ký và thay đổi nguyện vọng của thí sinh nên chưa có dữ liệu cuối cùng và chưa thể nói chính xác điểm chuẩn là bao nhiêu. Tuy vậy, từ “điểm sàn” mà Bộ GD&ĐT đã công bố đối với ngành Sư phạm cao hơn sơ với năm ngoái, có thể thấy sẽ có sự tăng nhất định về điểm chuẩn.

Với ngành Sư phạm, khi em đạt từ “điểm sàn” (ngưỡng đảm bảo chất lượng) của trường đối với các ngành thì thí sinh đều có quyền đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Riêng với ngành Sư phạm Toán và Sư phạm Toán dạy Toán bằng tiếng Anh của trường, “ điểm sàn” là 21 điểm. Nhưng để đánh giá cơ hội trúng tuyển thì thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn các năm trước và xu hướng điểm chuẩn năm nay. Đây cũng là những ngành có nhiều cơ hội việc làm không chỉ trong các trường công lập, mà còn trong các trường có yếu tố nước ngoài.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, điểm chuẩn xét tuyển của một ngành cao hay thấp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: số lượng thí sinh đăng ký vào ngành đó nhiều hay ít.

Vì thế, chưa thể nói năm nay điểm chuẩn ngành A, ngành B chính xác là bao nhiêu. Phải đợi sau đợt điều chỉnh nguyện vọng tới đây thì mới có số liệu chính xác.

Thí sinh có thể tham khảo điểm chuẩn năm 2020 của các ngành Sư phạm; đồng thời nên cân nhắc thêm xu hướng điểm của năm nay để có lựa chọn đúng và trúng!

Hội thi Nghiệp vụ sư phạm của trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC
Hội thi Nghiệp vụ sư phạm của trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC

Sinh viên sư phạm được miễn học phí và hỗ trợ hằng tháng

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cho hay: Nếu em đỗ và trở thành sinh viên ngành Sư phạm học tại Trường ĐH Sư phạm HN, thì theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP hỗ trợ sinh hoạt cho sinh viên sư phạm: Từ năm học 2021-2022, không những tiếp tục được miễn học phí, sinh viên sư phạm còn nhận được hỗ trợ 3,63 triệu đồng sinh hoạt phí/tháng. Đây là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác đào tạo giáo viên hiện nay.

Khi em trở thành sinh viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhà trường có trách nhiệm tư vấn và hướng dẫn cụ thể để các em được miễn học phí và hưởng hỗ trợ hàng tháng theo các quy định của Nhà nước.

Tuy nhiên, các em lưu ý: tại Khoản 4 Điều 85 Luật Giáo dục năm 2019 quy định: Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.

Tại điểm a, Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định: Sinh viên sư phạm được hưởng chính sách, sau 2 năm khi tốt nghiệp mà không công tác trong ngành giáo dục thì phải bồi hoàn kinh phí.

Nhằm giúp sinh viên nắm bắt được các cơ hội việc làm, Bộ GD&ĐT cũng đã có hướng dẫn số 1891/ BDGĐT- GDĐH ngày 11/5/2021 triển khai Nghị định 116. Theo đó các địa phương và nhà trường sẽ phối hợp để cung cấp thông tin về cơ hội việc làm cho sinh viên. Để hiểu chi tiết hơn, em có thể tìm đọc Hướng dẫn nêu trên.

Nếu không đỗ vào ngành sư phạm, sau khi tốt nghiệp cử nhân, em có thể đăng ký học chương trình nghiệp vụ sư phạm dành cho những người đã có bằng cử nhân có nguyện vọng trở thành giáo viên để được giảng dạy trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ