Diego Armando Maradona: Bí ẩn về một thần tượng bất diệt

GD&TĐ - Bất chấp điều gì Diego Maradona đã làm trong và ngoài sân cỏ, thì huyền thoại bóng đá người Argentina vẫn luôn luôn là thần tượng bất khả xâm phạm của hàng triệu tín đồ túc cầu giáo.

Maradona cùng đội tuyển Argentina vô địch World Cup 1986 và ông còn đoạt giải Cầu thủ xuất sắc nhất.
Maradona cùng đội tuyển Argentina vô địch World Cup 1986 và ông còn đoạt giải Cầu thủ xuất sắc nhất.

Điều đó có lẽ được minh chứng rõ hơn vào cái ngày ông rời bỏ cõi tạm để về với chúa.

Lời tiên tri định mệnh

Khoảnh khắc Maradona ghi bàn bằng tay vào lưới đội tuyển Anh ở World Cup 1986.
Khoảnh khắc Maradona ghi bàn bằng tay vào lưới đội tuyển Anh ở World Cup 1986.

Vào những năm 1920, Argentina là một quốc gia với lượng dân nhập cư bùng nổ và luôn trăn trở đi tìm thứ gọi là “bản sắc”. Bóng đá là một trong số ít những yếu tố có khả năng kết nối người dân với xuất xứ khác nhau trở nên đoàn kết.

Từ đó, các cuộc tranh luận nổ ra khắp nơi để rồi người ta đi đến sự thống nhất rằng thứ bóng đá mà người Argentina chơi đối lập với người Anh, cường quốc bóng đá lúc đó. Trên những sân cỏ rộng lớn thuộc khuôn viên trường học, người Anh đào tạo cách đá bóng thiên về sức mạnh, với việc phải chạy liên tục và luôn tràn đầy năng lượng.

Ngược lại, người Argentina học đá bóng ở những khu nhà ổ chuột, những bãi đất trống, những mảnh sân nhỏ, cứng và đông đúc. Họ chơi thứ bóng đá đường phố, thiên về kĩ thuật và ưa thích những pha xử lý tinh ranh.

Biên tập viên Borocoto của El Grafico vào năm 1928 có viết rằng: “Nếu một bức tượng được dựng lên để mô tả “linh hồn” của môn bóng đá tại Argentina, nó sẽ mang hình hài của một con nhím với khuôn mặt bẩn thỉu, tóc lởm chởm, đôi mắt thông minh, ranh mãnh cùng ánh mắt lấp lánh, nụ cười không hé miệng và những chiếc răng nhỏ còn dính vụn bánh mỳ ăn từ ngày hôm qua.

Quần của nó có một miếng vá được may thô, áo có sọc đặc trưng Argentina, cổ thấp và có nhiều lỗ như bị chuột gặm. Đầu gối của nó phủ đầy những vết thương đóng vảy, đi chân trần hoặc giày có lỗ ở ngón chân. Nó còn cần có đặc trưng là như thể đang lừa một quả bóng làm bằng giẻ rách”.

32 năm sau “lời tiên tri” của Borocoto – theo cách gọi của tờ The Guardian, năm 1960 một con người bằng xương bằng thịt với những nét tương đồng được sinh ra tại Bệnh viện Evita Peron ở Lanus, một khu công nghiệp phía Nam thủ đô Buenos Aires.

Đó là Diego Maradona, là con của ông Diego “Chitoro” Maradona và vợ, Dalma “Tota” Salvadora, đều đến từ Esquina ở Corrientes phía Đông Bắc Argentina, gần biên giới Paraguay. Gia đình nhà Maradona đã có 3 người con gái khi Tota mang thai lần thứ 4.

Có rất nhiều lời đồn về sự ra đời của đứa trẻ này, như thể đó là sự sắp xếp của số phận. Câu chuyện phổ biến nhất là Tota trở dạ khi đang nhảy múa và vài giờ sau, cô hạ sinh một đứa bé khỏe mạnh. Điều đầu tiên nó làm khi ra đời là dùng chân đá vào không khí.

Diego - cậu bé được đặt tên giống bố và lớn lên trong một căn lều ở khu ổ chuột Villa Fiorito. Vào sinh nhật 3 tuổi, Diego được người anh họ Beto tặng cho một quả bóng. Cậu bé ôm nó đi ngủ và từ đó về sau trở thành “người bạn đồng hành” thường xuyên.

Lớn lên trong cảnh thiếu thốn mọi bề, Maradona kiếm tiền bằng mọi cách, từ mở cửa xe taxi, bán phế liệu tới thu gom giấy bạc ở các bao thuốc lá. Trên đường tới trường, cậu có thú vui là tâng bóng. Quả bóng đôi khi là một quả cam, một tờ báo nhàu nát vo tròn hoặc một bó vải vụn.

Cậu cố không để bóng chạm đất ngay cả khi đi qua đoạn đường ray xe lửa. Trong bức ảnh hiếm hoi về Maradona năm 4 hay 5 tuổi, người ta có thể thấy một cậu bé đứng trước hàng rào dây thép đã đổ xuống vì bị sút bóng liên tục vào.

Ngay từ lúc còn là một cậu bé mới chơi bóng, Maradona đã trở thành hiện tượng. Trong giờ nghỉ giữa hiệp của một trận đấu, cậu thể hiện kĩ thuật, “làm xiếc” với quả bóng và khiến đám đông hoàn toàn bị thu hút.

Đến năm 11 tuổi, Maradona đã được báo chí cả nước nhắc đến. Sự kì vọng dành cho Diego Maradona tới từ rất sớm. Đi kèm với đó là sự chiều chuộng và dường như chẳng luật lệ thông thường nào được áp dụng với một thiên tài như Maradona. 

“Nửa thiên thần, nửa ác quỷ”

Những người thân thiết đưa Maradona về với đất mẹ.
Những người thân thiết đưa Maradona về với đất mẹ.

Ngày 25/11/2020, bóng đá thế giới rúng động trước thông tin “cậu bé vàng” Diego Maradona qua đời ở tuổi 60. Và nếu để định nghĩa rõ nhất về con người/cầu thủ Maradona, đó là 2 khoảnh khắc trong trận đấu giữa Argentina và Anh ở tứ kết World Cup 1986.

Một bàn thắng đại diện cho sự phản diện, cho nửa bóng tối cuộc đời, một bàn thắng biểu trưng cho tất cả những gì tinh túy, chói lọi nhất của sự nghiệp. “Nửa thiên thần, nửa ác quỷ”, đó là cách mà tờ L’Equipe nói về El Diego sau trận đấu đó. Còn với Diego Maradona, ông cho rằng bàn thắng có được nhờ “một chút là cái đầu của Maradona và một chút là bàn tay của Chúa”.

Nhưng Maradona trở thành nhân vật bị căm ghét nhất tại Anh. CĐV nguyền rủa “cậu bé vàng”. “Chẳng có bàn tay của Chúa nào cả, đó là bàn tay của gã khốn lừa gạt”, Peter Reid nhấn mạnh với Mirror, 32 năm sau bàn thắng của huyền thoại này.

Thủ thành Peter Shilton khẳng định không bao giờ bắt tay Maradona sau pha bóng đấy nữa. Trọng tài biên Bogdan Dotchev là người căm ghét Maradona hơn cả. Cuộc sống của ông thay đổi hoàn toàn sau khi công nhận bàn thắng cho Argentina.

Khi còn đi học, Maradona từng được thiên vị đến độ hiệu trưởng cho cậu qua môn dù thực tế kết quả bài thi là “trượt”. Vì lẽ đó mà Maradona mãi bị coi là một kẻ thất bại, luôn tìm người khác để đổ lỗi. Đó là một người chưa trưởng thành, thiếu trách nhiệm và luôn bị đè nén bởi áp lực tới từ kì vọng của người hâm mộ, truyền thông cũng như CLB.

Maradona bắt đầu việc lạm dụng cocaine ở Barcelona, đội bóng anh không bao giờ có thể hòa nhập được. Cầu thủ người Argentina hạnh phúc hơn tại Napoli, nơi anh là tâm điểm và truyền cảm hứng đưa một CLB chỉ được xếp vào “ứng viên hạng ba” đến 2 chức vô địch Serie A và 1 cúp UEFA. Dù vậy, quãng thời gian vui vẻ ấy cũng gắn liền với những tin đồn về việc Maradona sử dụng ma túy và giao du với tay mafia khét tiếng tại Napoli, Camorra.

Với Maradona, dường như chẳng luật lệ nào có tác dụng, cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Đó là 3 lần chơi bóng bằng tay nổi tiếng, bao gồm “Bàn tay của Chúa” vào lưới đội tuyển Anh tại World Cup 1986, một quả phạt đền được mang về bằng tay ở trận chung kết UEFA Cup 1989 cùng pha phá bóng trên vạch vôi cũng bằng tay trước Liên Xô tại World Cup 1990.

“Cậu bé vàng” còn trốn tránh việc kiểm tra ma túy bằng cách sử dụng dương vật bằng nhựa và bàng quang giả chứa nước tiểu của người khác. Các vấn đề liên quan đến thuế của Maradona gây tranh cãi suốt nhiều thập kỉ sau khi ông rời Italia.

Vào tháng 3/1991, Maradona có kết quả dương tính với cocaine, bị cấm thi đấu trong 15 tháng, tăng cân vùn vụt và trôi dạt khắp nơi, trải qua những quãng thời gian không thành công với Sevilla rồi Newell’s Old Boys. Khi cánh phóng viên “cắm trại” bên ngoài nhà riêng, Maradona cùng bạn bè đã bắn họ bằng súng hơi. Thế nhưng khi Maradona tuyên bố sẽ góp mặt ở World Cup 1994, anh vẫn được chào đón.

Vào đầu những năm 1990, tuyên bố của Maradona về một loạt chủ đề được chào đón với sự tôn kính đặc biệt. Với khả năng diễn thuyết của mình, ông được so sánh với cố Tổng thống Argentina - Juan Domingo Peron. Maradona có thứ “sức mạnh” vượt xa mọi người phàm.

Đó là lý do tại sao dù không có chút kinh nghiệm nào, ông vẫn được giao nhiệm vụ dẫn dắt đội tuyển quốc gia tại World Cup 2010. Đó là lý do tại sao có nhà thờ mang tên Maradona tại Buenos Aires; dương vật giả của ông từng được trưng bày tại một bảo tàng ở Buenos Aires trước khi bị đánh cắp.

Tại World Cup 1994, Maradona đã giảm cân, lấy lại thể lực và ghi bàn ở trận ra quân của Argentina trước Hy Lạp. Thế nhưng sau trận đấu thứ 2 gặp Nigeria, Maradona được chọn để kiểm tra ma túy ngẫu nhiên. Kết quả là dương tính và ông ngay lập tức bị đuổi về nước.

Tại thủ đô Buenos Aires, người ta đau buồn vì sự kiện ấy như lúc để tang Tổng thống Peron. Sau đó, ông cố gắng trở lại nhưng không tạo được mấy dấu ấn. Kì World Cup ấy là dấu chấm hết thực sự với Maradona, cả trên tư cách một cầu thủ vĩ đại lẫn biểu tượng của Argentina.

Năm 2001, trong bài phát biểu chia tay trước các cổ động viên trên sân La Bombonera, Maradona thừa nhận mình phạm phải nhiều sai lầm và đã phải trả giá, nhưng câu nói cuối cùng là những gì thực sự trong sâu thẳm trái tim ông và từ đó trở thành câu cách ngôn của người Argentina.

“Trái bóng không thể bị vấy bẩn!”. Maradona là thế! Một người với lối sống buông thả, đầy rẫy scandal, liên quan đến súng đạn, mafia và những gì xấu xa nhất lại song hành với bóng đá đẹp, thuần khiết, nghệ thuật.

Chưa bao giờ Maradona bào chữa cho những sai lầm của mình mà chỉ tìm kiếm sự cứu rỗi, giải thoát. Không gì khác ngoài bóng đá và trái bóng. “Cảm ơn bóng đá”, đó là câu trả lời của Maradona cách đây 15 năm khi được hỏi ông muốn viết gì trên bia mộ mình, “Đó là môn thể thao mang lại cho tôi niềm vui lớn nhất, sự tự do lớn nhất. Nó giống như đôi tay bạn được chạm vào bầu trời. Cảm ơn trái bóng”.

Vậy nên, với Maradona, cho dù ông có sa ngã ra sao, bóng đá được ông chiếu sáng, được nâng lên tầm nghệ thuật và không bao giờ để hoen ố. Đó là tình yêu bất diệt của một con người sinh ra từ khu ổ chuột ở Buenos Aires, vươn lên trong gian khó.

Maradona dành tất cả cho bóng đá và với bóng đá, ông thoát khỏi cảnh nghèo khó, trở thành một siêu sao, một huyền thoại là minh chứng cho điều thiên tài quân sự Napoleon Bonaparte đã nói - “chiều cao của người đàn ông tính từ đầu cho đến trời xanh”.

Năm 1986, trên bầu trời Mexico, Chúa đã gửi xuống thế giới một bàn tay. 34 năm sau, bàn tay ấy đã trở về với Chúa trong vị thế của một huyền thoại bất tử!

Maradona, được mệnh danh là “Cậu bé vàng”, người duy nhất trong thế giới bóng đá ngang tầm với “Vua bóng đá” Pele. Đỉnh cao sự nghiệp của Maradona là chức vô địch World Cup năm 1986 - giải đấu ông kiến tạo 5 lần và ghi 5 bàn, trong đó có những di sản còn được nhắc đến tận bây giờ là bàn thắng được ví với “Bàn tay của Chúa” và pha độc diễn từ giữa sân trong trận đấu với Anh.
Ở cấp CLB, Maradona chơi tổng cộng 259 trận, ghi 115 bàn và 29 lần kiến tạo trong màu áo Boca Juniors, Barca và Napoli. Ông được nhắc đến nhiều nhất trong thời kỳ ở Napoli, vì giúp CLB tầm trung của Italy khi đó đoạt Scudetto các năm 1987 và 1990, vô địch UEFA Cup năm 1989.
Theo The Guardian, Vice và WSC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.