Dịch vụ rút tiền, đáo nợ thẻ tín dụng 'chui' và những hệ lụy khôn lường

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hiện nay, dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng, rút tiền mặt từ thẻ tín dụng được quảng cáo, mời chào rầm rộ trên Internet.

Nhiều rủi ro tiềm ẩn từ dịch vụ rút tiền, đáo nợ thẻ tín dụng. Ảnh minh họa
Nhiều rủi ro tiềm ẩn từ dịch vụ rút tiền, đáo nợ thẻ tín dụng. Ảnh minh họa

Đáng lưu ý, đây là một dịch vụ biến tướng nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro về lâu dài.

Nhanh có tiền, lãi ít

Dịch vụ đáo nợ thẻ tín dụng nghĩa là các công ty dịch vụ sẽ nạp tiền vào tài khoản của chủ thẻ để ngân hàng tính toán và cắt nợ. Ngay sau khi ngân hàng cấp lại hạn mức cho chủ thẻ, bên làm dịch vụ sẽ cà thẻ qua máy POS (máy quẹt thẻ thanh toán) để thu nợ và thu luôn phí. Việc thu nợ được thực hiện dưới hình thức mua hàng hóa (nhưng thực chất không mua hàng).

Xuất phát điểm của dịch vụ này từ một số tiệm vàng lớn, có máy POS cho khách cà thẻ rút tiền mặt dưới hình thức mua vàng với mức phí khoảng 3% trên số tiền rút. Thấy nhu cầu nhiều, nên một số cửa hàng kinh doanh các dịch vụ khác có lắp máy POS đã nhập cuộc để hưởng phí, đẩy doanh số thanh toán tại cửa hàng lên cao.

Về bản chất, đây là dịch vụ “khống” vì khách hàng không mua hàng hay sử dụng dịch vụ, nhưng các cửa hàng vẫn cà thẻ thanh toán, sau đó chi tiền mặt cho khách hàng để hưởng phí với mức 1,8 - 2,5% trên số tiền rút.

Anh Trần Hoà (Đống Đa, Hà Nội), chia sẻ, đang vay trả góp mua nhà tại ngân hàng, mỗi tháng trả góp gần 15 triệu đồng từ tiền lương. Bình thường anh Hòa có thể xoay xở để trả, nhưng mấy tháng trước gia đình có việc phải chi tiêu gấp khiến anh bị hụt tiền.

“Trong lúc đang khó khăn, tôi thấy mẩu quảng cáo trên Zalo về dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng nên đã tìm đến. Do chưa xoay được tiền nên cứ gần đến ngày ngân hàng tính lãi tôi lại làm thủ tục đảo nợ thẻ”, anh Hoà bật mí.

Tương tự, chị Lê Linh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, tháng trước sửa nhà, do thiếu tiền nên chị sử dụng thẻ tín dụng mua thiết bị nội thất. Hiện tại đã đến hạn trả tiền mà chưa đến kỳ nhận lương.

“Trong lúc chưa biết xoay xở ra sao để trả, tôi thấy quảng cáo trên webssite về dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng nên đã tìm đến. Do chưa xoay được tiền nên gần đến ngày ngân hàng tính lãi, tôi đã làm thủ tục đảo nợ thẻ”, chị Linh chia sẻ.

Rủi ro trực chờ

Nắm bắt nhu cầu của người sử dụng thẻ tín dụng rất cần rút tiền mặt như một khoản vay, nên dịch vụ này nở rộ. Ngay cả các nhân viên thực hiện dịch vụ mở thẻ tín dụng cho khách hàng hiện nay cũng ngang nhiên quảng cáo dịch vụ hỗ trợ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, thậm chí là đáo nợ khi đến thời hạn.

Nếu như trước đây, các giao dịch còn hoạt động kín đáo, bí mật thì nay được quảng cáo rầm rộ, công khai trên các website, Facebook, Zalo.

Anh Đức Cường (Tây Hồ, Hà Nội), cho biết, anh vừa đăng ký mở thẻ tín dụng của một ngân hàng thương mại tại Hà Nội. Sau đó, có rất nhiều số điện thoại gọi đến xưng là nhân viên ngân hàng “nhiệt tình” quảng cáo dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ thông qua hình thức mua hàng “khống”. Khách chỉ mất phí 2-2,5% số tiền rút, có thể rút 100% hạn mức, không mất lãi suất trong 45 ngày.

Muốn rút tiền mặt, thì mức phí phải trả là 1,5%, nếu là thẻ tín dụng nước ngoài thì mức phí là 2,2%. Hạn mức được rút là toàn bộ số tiền có trong thẻ và khách hàng có thể được chuyển qua trả góp hàng tháng với nhiều kỳ hạn khác nhau.

Vì cần tiền, anh Cường đã nhờ rút khoản tiền 15 triệu đồng trong thẻ và đã được làm thủ tục dưới hình thức mua hàng qua một ví điện tử. Tuy nhiên, số tiền thực tế bị trừ trong thẻ lên đến gần 20 triệu.

Thắc mắc hỏi lại nhân viên tư vấn dịch vụ thì anh Cường được giải thích là bên cạnh phí thì có khoản tiền ban đầu “giữ chân” để xác nhận cho dịch vụ trả góp. Số tiền này khi anh Cường trả góp xong sẽ được hoàn lại đầy đủ. Tuy nhiên, khi hỏi lên tổng đài tư vấn của ngân hàng phát hành thẻ thì anh Cường mới biết là không có quy định nào như vậy.

Đại diện của một ngân hàng cho biết, phía ngân hàng chắc chắn không cung cấp bất kỳ dịch vụ đăng ký rút tiền mặt từ thẻ tín dụng hay dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng lấy phí qua kênh nhân viên tư vấn mở thẻ hoặc nhân viên chăm sóc khách hàng. Khách hàng chỉ có thể rút tiền mặt từ thẻ tín dụng tại ATM và có sử dụng mã PIN.

Về việc các điểm thanh toán thẻ bắt tay làm dịch vụ thì phía ngân hàng cũng biết thực trạng, nhưng rất khó xử lý do các điểm này vẫn thể hiện được chứng từ giao dịch, hóa đơn, doanh số bán hàng.

Luật sư Trần Hậu, Công ty Luật FDVN nhìn nhận, về bản chất, đáo hạn thẻ tín dụng là một hình thức vay nóng, được thực hiện bởi các cá nhân, tổ chức không chính thống. Khi sử dụng dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng, bên cung cấp dịch vụ sẽ giữ lại thẻ tín dụng cho tới khi cà thẻ rút tiền và thu phí.

“Điều này tiềm ẩn nguy cơ lộ, mất thông tin thẻ tín dụng, dễ khiến thẻ bị hack và phát sinh những rủi ro không đáng có. Bên cạnh đó, việc rút tiền sau khi được cấp lại hạn mức là cung cấp hóa đơn dịch vụ khống cho ngân hàng, bởi khách hàng không mua đồ mà chỉ sử dụng dịch vụ rút tiền mặt. Đây là những giao dịch không hợp lệ và bị ngân hàng cấm”, luật sư Trần Hậu cảnh báo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ