1. Khi thanh toán tại 1 trang web có địa chỉ không bắt đầu bằng "https://"
Nếu bạn không thấy năm chữ cái này trong thanh địa chỉ của trang web mà bạn đang muốn thanh toán thì tức là trang web đó không an toàn. Bởi "https://" chính là điều kiện tiên quyết để bạn xác thực trang web đã truy cập và bảo vệ quyền riêng tư cũng như dữ liệu đã nhập.
Lúc này hãy từ chối mua hàng trực tuyến bằng thẻ tín dụng và thử sử dụng hệ thống thanh toán của bên thứ 3 như các loại ví điện tử. Còn nếu vẫn thất bại, tốt nhất nên trả tiền trực tiếp nhé!
2. Khi trả lời email
So với việc cung cấp số thẻ tín dụng qua cuộc gọi hay tin nhắn, việc bạn nhập số thẻ vào email sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều. Nguyên nhân là bởi kẻ gian hoàn toàn có thể hack email của bạn hoặc đánh cắp số thẻ tín dụng từ email để mua hàng trái phép.
3. Khi những người gây quỹ từ thiện tìm cách tiếp cận bạn
Ở Việt Nam, tình huống này còn khá hiếm nhưng lại cực phổ biến ở các nước phương Tây, đặc biệt là các thành phố lớn. Lúc này, nếu bị yêu cầu đóng góp bằng thẻ tín dụng, hãy từ chối bởi đó có thể là 1 hình thức lừa đảo để lấy tiền hoặc đánh cắp thông tin thẻ tín dụng của bạn.
Còn nếu vẫn muốn đóng góp thì trước hết hãy tra cứu thông tin của họ trên Internet hoặc vào trang web để kiểm tra.
4. Khi nói chuyện điện thoại ở nơi công cộng
Cố gắng tránh cung cấp thông tin thẻ tín dụng của bạn qua điện thoại ở nơi công cộng vì bạn sẽ không thể nào biết được có ai đang nghe lén mình hay không.
Đó có thể là những người xung quanh bạn, người qua đường hay thậm chí là người ở phía bên kia cuộc gọi. Trong trường hợp bạn bị yêu cầu thông tin thẻ tín dụng, hãy từ chối và chuyển sang đặt hàng trực tuyến hoặc thanh toán bằng tiền mặt.
5. Khi giao dịch online với một đối tượng không có đánh giá nào trước đó
Khi mua sắm trên các trang thương mại điện tử, đôi lúc bạn sẽ không thể kiểm tra được sự tin cậy của người mà bạn muốn giao dịch.
Trước hết hãy đọc đánh giá từ những khách hàng trước đó và xem những người bán hàng này có tài khoản MXH nào không. Nếu họ không có đánh giá trực tuyến, không có tài khoản MXH, bạn nên suy nghĩ về việc có tiếp tục giao dịch hay không.
Ngoài ra bạn cũng có thể tra cứu thêm thông tin về người bán bằng công cụ tìm kiếm xem thông tin có khớp với những gì đã đăng tải không.
6. Khi mua hàng mà không đủ khả năng chi trả
Không thể phủ nhận sự tiện lợi của thẻ tín dụng nhưng chiếc thẻ này cũng đem lại không ít phiền phức. Bởi vì quá thuận tiện và có nhiều ưu đãi nên rất nhiều người thoải mái mua sắm bằng thẻ tín dụng mà không suy nghĩ.
Cuối cùng họ "ôm" về một đống nợ trong thẻ lúc nào không hay. Bên cạnh đó, bạn cũng cần cân nhắc và tính toán các khoản đã tiêu để thanh toán nợ thẻ tín dụng đúng hạn.
7. Khi người khác muốn đưa thẻ ra khỏi tầm nhìn để quẹt
Việc này rất dễ xảy ra khi bạn thanh toán tại các nhà hàng, cửa hàng, siêu thị,... Bởi cho phép bất kỳ người nào đưa thẻ của bạn ra khỏi tầm nhìn đồng nghĩa với việc số thẻ của bạn có thể bị ghi lại hoặc chụp ảnh để sử dụng phi pháp.
Vì vậy tốt nhất là không bao giờ để thẻ của bạn rời khỏi tầm mắt và yêu cầu nhân viên thanh toán ngay tại bàn.
8. Khi nhập thông tin cá nhân vào 1 trang web đang kết nối Internet công cộng
Khi nhập thông tin cá nhân vào 1 trang web (bất kể có an toàn hay không) bạn cũng đều có thể gặp rủi ro nếu kết nối Internet không an toàn (không có mật khẩu bảo vệ). Bởi người ta hoàn toàn có thể đột nhập vào kết nối của bạn để lấy đi thông tin cá nhân mà bạn đã nhập.
Vì vậy tốt nhất là đợi cho đến khi bạn kết nối an toàn trước khi nhập bất kỳ thông tin nhạy cảm nào, như mật khẩu hoặc số thẻ tín dụng. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên sử dụng các kết nối Wi-fi không được bảo mật.
9. Khi mua hàng trực tuyến bằng máy tính công cộng
Tương tự như với kết nối Internet công cộng, việc mua hàng trực tuyến bằng máy tính công cộng hoặc của người khác mà bạn không tin tưởng, hãy bảo vệ thông tin thẻ tín dụng của mình. Bởi các máy tính công cộng có thể được cài đặt phần mềm ghi lại tất cả các tổ hợp phím mà bạn đã gõ, được gọi là keylogger và thông tin của bạn sẽ bị đánh cắp từ đây.
Ngoài ra các máy tính công cộng cũng có thể chứa phần mềm độc hại, đánh cắp thông tin của bạn. Nếu bạn lỡ mua một cái gì đó bằng máy tính mà bạn không tin tưởng, hãy để ý những dấu hiệu bất thường sau đó nhé!
10. Khi thấy máy quẹt thẻ khác thường
Các thiết bị thanh toán như máy quẹt thẻ hoàn toàn có thể bị làm giả và rất khó bị phát hiện. Vì vậy nếu thấy nhân viên có vẻ khác lạ, xuất hiện các chi tiết thừa, dây điện lộ ra hay máy quẹt cồng kềnh hơn bình thường thì hãy hoãn việc thanh toán và báo lại với nhân viên hoặc cơ quan chức năng ngay lập tức.