Dịch vụ đưa người say về nhà: Hay nhưng khó thực hiện

“Đưa người say rượu, bia về nhà” là dịch vụ mới xuất hiện ở một số thành phố lớn nhưng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Tuy vậy, xung quanh dịch vụ này còn nhiều ý kiến trái chiều.

Dịch vụ đưa người say rượu, bia về nhà trên Facebook
Dịch vụ đưa người say rượu, bia về nhà trên Facebook

Người khen…

Dịch vụ này không chỉ là ý tưởng kinh doanh nhạy bén của một vài cá nhân mà còn nằm trong kế hoạch phối hợp giữa một số đơn vị liên quan nhằm hạn chế tai nạn do người uống rượu, bia lái xe gây ra trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. 

Theo đó, các quán ăn uống ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM … sẽ nhận giữ xe qua đêm và phân công người đưa khách bị say rượu, bia về tận nhà. 

Tuy mới chỉ là đề xuất song đã có không ít người tỏ ra lạc quan về tính khả thi của nó, đặc biệt là những bà vợ thường xuyên có chồng trong tình trạng “say quên trời, quên đất”. 

Hiện dịch vụ này cũng đã xuất hiện trên mạng xã hội facebook với tên gọi “Dịch vụ đưa người say rượu, bia về tận nhà” với khá đông người quan tâm, theo dõi.

Chị Đào Thanh Nhàn ở nhà CT4 khu đô thị Xa La (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, chồng chị là trưởng phòng thương mại của một công ty xây dựng nên thường xuyên phải đi cùng “sếp” tiếp khách tại các nhà hàng, quán bia, quán rượu. 

Hậu quả là một số lần anh về nhà khi không còn tỉnh táo, ví, điện thoại mỗi thứ một nơi, xe máy cũng vứt ngay cửa quên rút chìa khóa, thậm chí có lần còn bị ngã xe, mặt mũi sưng vù, chân tay rớm máu. 

“Mỗi khi chồng tôi đi ăn uống bên ngoài, tôi ở nhà lo lắng, thấp thỏm không yên, sợ nhất là lúc chồng tôi uống say không làm chủ được tay lái. 

Do vậy, nếu tại các điểm bán bia, rượu có dịch vụ đưa người say về nhà tôi rất yên tâm. Điều đó không chỉ đảm bảo an toàn về người và tài sản cho khách mà còn làm giảm nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông” - Chị Nhàn cho biết.

Là người không ít lần phải “bò” về nhà do quá chén, anh Lương Văn Sáng ở ngõ 495 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng khá quan tâm tới dịch vụ đưa người say về tận nhà. 

Anh Sáng cho biết, mặc dù bản thân đã cố gắng kiềm chế nhưng đôi khi do nể bạn bè nên anh đã uống quá chén. Có lần do quá say, anh Sáng “gục” tại quán bia, tỉnh dậy mới biết đã có xe taxi đưa về nhưng số tiền trong ví đã bay hơi mất vài triệu đồng. 

“Có lẽ trong lúc quá say khi trả tiền taxi tôi đã rút nhầm. Còn chiếc xe máy của tôi để trên vỉa hè của quán cũng bị đưa về phường do đỗ xe sai quy định. Nếu khi đó có nhân viên của quán đưa tôi về nhà thì tốt” - Anh Sáng thở dài.

Mặc dù đây là dịch vụ mới xuất hiện ở Việt Nam song nó đã trở nên khá phổ biến ở một số nước. Tại một số thành phố lớn ở Trung Quốc, từ năm 2011 dịch vụ đưa người say về tận nhà đã xuất hiện và ngày càng nở rộ, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và giải quyết việc làm cho nhiều người.

Dịch vụ đưa người say về nhà: Hay nhưng khó thực hiện ảnh 1Để hạn chế tai nạn, mỗi người cần hạn chế uống rượu, bia khi lái xe

Kẻ chê…

Thực tế cho thấy không ít trường hợp sau khi uống rượu, bia say không nhận mình say. Khi bị cơ quan chức năng kiểm tra xử phạt họ thường có hành vi chống đối. 

Trong khi đó, chỉ có kết quả đo nồng độ cồn mới có thể xác định chính xác người đó có bị say hay không. Do vậy, việc khẳng định đối tượng bị say để đưa về nhà là không đơn giản.

Ông Nguyễn Văn Xuân - Chủ một quán bia trên đường Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: Trong trường hợp khách đã say nhưng vẫn đòi uống tiếp, nếu nhân viên của quán kiên quyết yêu cầu họ gửi xe máy lại, gọi taxi cho họ về thì xung đột chắc chắn sẽ xảy ra. 

Hơn nữa, có rất ít người đồng ý bỏ xe lại để về bằng phương tiện khác. Chưa kể đến những rắc rối có thể phát sinh như ai sẽ là người trả tiền xe, đồ đạc, tiền bạc của khách quản lý như thế nào, chỗ trông giữ xe bố trí ra sao vì việc tìm địa điểm để khách gửi xe máy, ô tô qua đêm không phải là điều đơn giản. 

Bên cạnh đó, các nhà hàng, quán bia còn phải tính toán đến việc tuyển thêm nhiều nhân viên biết lái xe để đưa khách về... Chỉ e rằng khi thực hiện dịch vụ này, quán không những không nhận được lời cảm ơn mà còn mất khách.

Liên quan đến ý tưởng trên, luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, dù dịch vụ đưa người say về nhà nhằm đảm bảo an toàn cho chính họ và những người tham gia giao thông khác nhưng nó chẳng khác nào khuyến khích mọi người uống bia, rượu. 

Hiện nay, việc kinh doanh và sử dụng bia, rượu đã được pháp luật quy định khá rõ ràng. Do đó, cơ quan chức năng cần căn cứ vào các quy định này để có biện pháp xử lý nghiêm đối tượng vi phạm. 

Trong thực tế, người say vẫn có thể gọi taxi hoặc được bạn bè, những người đi cùng đưa về an toàn. Ngoài ra, nếu người say đột ngột gặp sự cố về sức khỏe, không nhớ địa chỉ nhà, trường hợp nhân viên của quán làm hư hỏng hay mất xe của khách. 

Vì vậy, để hạn chế tai nạn giao thông, điều quan trọng là phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng rượu, bia cũng như đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Theo anninhthudo.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ