Dịch vụ biến tro cốt thành kim cương: Giải pháp mai táng “xanh”

GD&TĐ - Nếu phân tích đến tận nguyên tử, thân thể con người bao gồm 4 nguyên tố: Oxy, hydro, nitơ và carbon. Với công nghệ ngày nay, chỉ cần có carbon là luyện được kim cương nhân tạo.

Công nghệ trồng kim cương nhân tạo cho phép biến tro cốt thành kim cương.
Công nghệ trồng kim cương nhân tạo cho phép biến tro cốt thành kim cương.

Kim cương tử nhân

Điều kiện để luyện carbon thành kim cương nhân tạo là môi trường áp suất 1,5 triệu pound/inch2 và mức nhiệt 1.500 độ C. Từ năm 1954, Tập đoàn General Electric (Mỹ) đã thành công lắp đặt buồng nén cấy kim cương nhân tạo.

Bắt đầu từ thập niên 1980, trang sức kim cương nhân tạo xuất hiện trên thị trường. Những năm gần đây, nhờ Lắng hơi Hóa học (Chemical Vapor Deposition-CVD), người ta còn tạo ra được sản phẩm kim cương nhân tạo sáng đẹp sánh ngang với kim cương tự nhiên. 

Tại Mỹ, một số công ty hỏa táng kết hợp công nghệ luyện kim cương nhân tạo. Họ giới thiệu dịch vụ biến tro cốt người chết thành kim cương. 

Kim cương tử nhân là kim cương nhân tạo được luyện trong buồng nén bằng tro cốt hỏa táng. Sau khi hỏa táng thi thể người đã khuất, nhà hỏa táng đem tro cốt trích xuất carbon. Họ đưa chỗ carbon này vào buồng cấy kim cương, luyện hóa thành viên đá quý. 

Đa sắc và đa hình

Kim cương tử nhân đáp ứng mọi kiểu dáng, màu sắc.
Kim cương tử nhân đáp ứng mọi kiểu dáng, màu sắc.

Trên phương diện sinh thái, biến thi thể người chết thành kim cương là một giải pháp an táng “xanh”. Bởi vì, nó góp phần giảm thiểu CO2. “Carbon từ thân thể người đã khuất chỉ đáp ứng được 10% lượng
carbon cần thiết”, Adelle Archer – đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Eterneva, công ty hỏa táng có trụ sở tại Texas cho biết. Nhà hỏa táng cần đem 90% còn lại từ bên ngoài vào. 

CO2 là một trong các nguồn carbon dồi dào nhất. Khoa học hiện đại cũng đã thành công trong việc tách carbon từ loại khí thải này. 

Quan sát quá trình luyện kim cương tử nhân cho thấy, carbon tro cốt đóng vai trò như hạt cát trong cơ thể con sò. Nó liên tục hấp thụ carbon được tiếp thêm, cuối cùng hình thành viên đá quý, giống hệt như cách ra đời của ngọc trai. 

Các nhà hỏa táng còn cung cấp dịch vụ lựa chọn màu sắc cho kim cương tử nhân. Bất kể thân nhân người đã khuất yêu cầu màu gì, họ cũng đáp ứng được, bằng cách bổ sung nguyên tố tương ứng, ví dụ như nitơ (cho ra kim cương màu vàng), boron (cho ra kim cương màu xanh)…

Sau màu sắc, họ cho phép thân nhân người mất lựa chọn hình dáng kim cương tử nhân, thiết kế trang sức tưởng niệm để cất giữ hoặc đeo trên người. Kim cương tử nhân có giá trị tương đương với kim cương nhân tạo. Hiện tại, giá thành kim cương nhân tạo khoảng 3.000 USD/carat (khoảng 70 triệu đồng). 

Tương lai của an táng?

Trang sức kim cương tử nhân xoa dịu nỗi đau mất thân nhân.
Trang sức kim cương tử nhân xoa dịu nỗi đau mất thân nhân.

Kim cương tử nhân đóng vai trò như hiện thân của người đã khuất. “Nó an ủi người ở lại, xoa dịu nỗi đau và vực dậy tinh thần bằng suy nghĩ, người quá cố vẫn còn ở bên mình”, Archer chia sẻ. 

Đầu năm 2021, nhà sinh thái Tessie Offner (Florida) đột ngột mất cha. Trong bối cảnh đại dịch, cô buộc lòng phải lựa chọn an táng cho ông bằng hỏa táng. Ngay khi biết, nhà hỏa táng có dịch vụ biến tro cốt thành kim cương, Offner lập tức tìm hiểu.

Cô được biết, thời gian luyện kim cương từ tro cốt có thể kéo dài từ 3 tuần đến 2 tháng (tùy vào lựa chọn màu sắc). Trong khoảng thời gian này, Offner được quyền dõi từng bước của quá trình. Cô cũng có thêm thì giờ gom góp tiền bạc, thanh toán hóa đơn. 

Trong vai trò là một nhà sinh thái, Offner đánh giá cao giải pháp “kim cương an táng”. Cô cũng hài lòng về tính gọn nhẹ, di động, bền cứng của viên kim cương. 

Có điều, không phải tất cả mọi người đều đồng ý với Offner. Giáo sư Tim Cupery (Fresno) nói rằng, ông không có thói quen gắn bó với đồ vật. Mặc dù gần đây, phu nhân của Cupery đã vô tình làm rơi mất chiếc nhẫn gia truyền, nhưng ông không trách móc hay buồn bã. Cupery không có suy nghĩ biến tro cốt của thân nhân thành viên kim cương, gìn giữ bên mình. 

Vũ công Barbara McAlister (Texas) thì không thích việc nhà hỏa táng đưa thêm quá nhiều carbon từ bên ngoài vào. Cô cảm thấy, viên kim cương tử nhân chỉ có 10% là di thể không trọn vẹn vai trò vật thay thế. “Nếu nó có thể là từ 50% trở lên, tôi sẽ suy nghĩ”, McAlister nói. 

Bên cạnh đó, các nhà hỏa táng cũng không giới hạn số lượng kim cương tử nhân. Dựa vào nguồn carbon sẵn có, họ đáp ứng bất kỳ yêu cầu số lượng nào. Nhiều người lo ngại, đây chỉ là cách buôn bán kim cương nhân tạo trá hình. 

Tuy chưa phổ biến, kim cương tro cốt được kỳ vọng sẽ trở thành hình thức an táng xanh và thẩm mỹ. Các nhà hỏa táng ở Mỹ rất minh bạch trong hoạt động này. Họ công khai bảng giá chi tiết, cho phép tang khách lựa chọn dịch vụ hợp điều kiện tài chính. 

Theo Discovermagazine

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.