Thành lập bởi cựu kỹ sư Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Thomas Civeit năm 2013, Elysium đã hợp nhất hai lĩnh vực vũ trụ và tổ chức tang lễ thành một dịch vụ độc nhất vô nhị.
Công ty này nhấn mạnh rằng các gia đình hiện đã có thể tưởng nhớ người thân đã qua đời hàng đêm bằng cách ngắm nhìn Mặt trăng, hành tinh sáng lộng lẫy gần với Trái đất nhất.
Dịch vụ mai táng này vừa được đề xuất vào tháng 8 năm nay, sau khi Elysium ký hợp đồng hợp tác cùng công ty vận tải hàng không vũ trụ Astrobotic Technology. Chuyến bay chở tro cốt đầu tiên trên tàu vũ trụ Griffin Lander của công ty Astrobotic sẽ được tiến hành vào năm 2017.
Ông Civeit cho hay các gia đình đăng ký dịch vụ chôn cất này đều có một mối liên quan đặc biệt với vũ trụ hay bầu trời đêm. Thực tế, đó cũng là ý tưởng khởi nguồn nên loại dịch vụ này. Kế hoạch ban đầu của Elysium có tên “Sao băng”, vốn định đưa tro cốt người quá cố lên quỹ đạo rồi quay trở lại Trái đất như một vệt sáng lấp lánh bay ngang bầu trời. Nhưng sau đó họ nhận được một yêu cầu đặc biệt từ binh sĩ Steven Jenks (sống tại bang Tennessee, Mỹ) nên đã quyết định thay đổi kế hoạch.
Mẹ của Jenks vừa qua đời vì căn bệnh ung thư phổi và anh muốn đem tro cốt của bà lên Mặt trăng bởi nó luôn là một biểu tượng ý nghĩa đối với họ. Mẹ Jenks thường viết trong thư: “Bất kể con đang cô đơn và ở nơi xa xôi đến dường nào, hãy nhìn lên Mặt trăng và nhớ rằng mẹ luôn ở bên con. Mẹ yêu con tới Mặt trăng và ngược lại”.
50 đơn đặt hàng đầu tiên sẽ được áp dụng mức giá khuyến mại là 9.950 USD (hơn 223 triệu đồng). Sau đó, chi phí sẽ nâng lên 11.950 USD (gần 270 triệu đồng). Các gia đình đăng ký dịch vụ sẽ nhận được một hộp kim loại đủ chứa 1 gram tro cốt của người đã khuất. Ngoài ra, công ty Elysium còn cung cấp lựa chọn hộp đựng tro 7 gram nhưng với mức giá đắt gấp 3 lần. Theo kế hoạch, trong nửa cuối năm 2017, Elysium sẽ đưa gần 100 bộ hài cốt lên Mặt trăng.
Hộp đựng tro loại 1 gram. |
Hay với gói dịch vụ “Sao băng” giá rẻ chỉ khoảng 1.990 USD, các hộp đựng tro cốt sẽ bay quanh quỹ đạo trong vài tháng và cuối cùng sẽ bốc cháy khi bay vào khí quyển Trái đất như một ngôi sao băng.
Một khi dịch vụ mai táng này “cất cánh”, công ty Elysium sẽ mở rộng khai thác ra toàn Dải ngân hà. "Mọi người thường nghĩ tới công nghệ khi họ nghĩ về không gian", ông Civeit nói, "Tuy nhiên, không gian còn có giá trị vốn có khác, giống như vẻ đẹp của bầu trời đêm, có thể sử dụng để tạo ra các dịch vụ tưởng niệm thơ mộng. Ý tưởng nhìn lên mặt trăng để tưởng nhớ tổ tiên có lẽ cũng đã tồn tại lâu đời cùng với nền văn hóa nhân loại".
Người đầu tiên được an táng trên Mặt trăng là Tiến sĩ địa chất Eugene Shoemaker làm việc tại Đại học Arizona (Mỹ). Ông là người phát hiện ra sao chổi Shoemaker–Levy 9, đồng thời là một trong số các nhà sáng lập ra lĩnh vực khoa học hành tinh.
Ảnh minh họa. |
Ngày 31/7/1999, NASA đã phóng hộp tro cốt của ông Shoemaker lên Mặt trăng cùng với một miếng đồng mỏng khắc hình sao chổi Hale-Bopp và hố thiên thạch Barringer cùng với một trích đoạn trong tác phẩm Romeo và Juliet của đại thi hào William Shakespeare. Tới nay, ông Shoemaker là người duy nhất được chôn cất trên Mặt trăng.