Dịch giả Phạm Viêm Phương giới thiệu sách “Vô vị lợi”

GD&TĐ - Chiều 25/3 tại Trường ĐH Hoa Sen, dịch giả Phạm Viêm Phương đã có buổi tọa đàm giới thiệu ấn phẩm Vô vị lợi – Vì sao nền dân chủ cần các môn học nhân văn.

Dịch giả Phạm Viêm Phương đang giới thiệu sách
Dịch giả Phạm Viêm Phương đang giới thiệu sách

 Cuốn sách có nguyên tác: Not for profit - Why democracy needs the Humanities của triết gia Martha C. Nussbaum do dịch giả Bùi Thanh Châu chuyển ngữ (NXB Hồng Đức và Trường ĐH Hoa Sen liên kết xuất bản) với CBVC, SV nhà trường.

Sách gồm 8 chương, 220 trang. Đặc biệt, dịch giả Phạm Viêm Phương - người dẫn chuyện, nhấn mạnh đến chương 2 “Giáo dục vì lợi ích, giáo dục vì dân chủ” mô tả những nguyên lý xã hội ở những nước như Mỹ, Ấn Độ đi ngược hay mâu thuẫn thế nào với mục tiêu tăng trưởng kinh tế vốn phổ biến ở rất nhiều nước hiện nay. 

“Tác giả Martha C. Nussbaum chỉ rõ ‘các nhà giáo dục vì tăng trưởng không thích cách nghiên cứu lịch sử tập trung vào những bất công giai cấp, đẳng cấp, giới tính, khác biệt sắc tộc và tôn giáo, vì điều này sẽ thúc đẩy tư duy phê phán đối với hiện tại’. 

Bà còn đi xa hơn khi cho rằng những nhà giáo dục kiểu này sợ hãi các môn học khai phóng, "vì sự cảm thông được bồi dưỡng tốt thì rất nguy hại cho sự vô cảm, mà thói vô cảm về đạo đức lại cần thiết cho những chương trinh phát triển kinh tế không quan tâm tới bất bình đẳng. Đây cũng là chương chủ yếu trong việc biện minh cho nền giáo dục nhân văn”- dịch giả Phạm Viêm Phương nhấn mạnh.

“Trong quyển sách ngắn gọn và mạnh mẽ này, triết gia nổi tiếng Martha Nussbaum đã cất cao tiếng nói ủng hộ tầm quan trọng của các môn khai phóng trong tất cả bậc học. 

Bìa sách Vô vị lợi – Vì sao nền dân chủ cần các môn học nhân văn
 Bìa sách Vô vị lợi – Vì sao nền dân chủ cần các môn học nhân văn

Về phương diện lịch sử, các môn học nhân văn đã và đang là trung tâm của giáo dục vì chúng được xem là thiết yếu để tạo ra những công dân dân chủ có năng lực. 

Nhưng gần đây, Nussbaum cho rằng những mục tiêu của giáo dục đã đi chệch hướng tại Hoa Kỳ và ở nước ngoài. Chúng ta ngày càng xem giáo dục như thể mục tiêu chủ yếu của nó là dạy dỗ học sinh trở thành người có hiệu quả về kinh tế thay vì những công dân có khả năng tư duy biện luận, hiểu biết rộng và đồng cảm. 

Sự tập trung thiển cận vào những kĩ năng mang lại lợi nhuận này đã bào mòn khả năng phê phán uy quyền, làm giảm sự xót thương trước những kẻ ngoài lề và khác biệt, cũng như hủy hoại khả năng đối phó với những vấn đề toàn cầu phức tạp của chúng ta”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ