Điều này khiến nhiều người lo lắng về việc các trường liệu có được điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh để phù hợp với tình hình thực tế. Một số ngành liệu có giảm độ “hot” trong tương lai và cơ hội xin việc sẽ thế nào?
Người làm không hết việc, kẻ chẳng có việc làm
Thời điểm này, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, nhưng ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội nhận định: Ngành này vẫn có tiềm năng và cơ hội rất lớn ở phía trước.
“Có thể một số người phải làm công việc khác để mưu sinh, nhưng cũng là điều bình thường, dịch bệnh không thể kéo dài mãi. Trong khi đó, học ngành du lịch phải mất từ 2 – 4 năm mới ra trường, vì thế thí sinh nếu yêu ngành không nên lo lắng, bởi cơ hội công việc sau này rất nhiều, quan trọng là cần học tập và đào tạo có chất lượng để ra trường có thể làm việc được ngay”- ông Thắng nói.
Dịch bệnh bùng phát, nhiều tỉnh thành cử nhân lực tới hỗ trợ tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Sinh viên học y - dược các trường cũng được huy động để hỗ trợ tâm dịch. Truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị… là công việc lực lượng này đảm nhiệm suốt thời gian qua. Mặc dù, số lượng y, bác sĩ và sinh viên tình nguyện đến tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh nhiều nhưng cường độ làm việc của họ dường như liên tục không kể nắng - mưa.
Từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, liệu nguồn nhân lực y tế dự phòng đang thiếu? PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nêu quan điểm: Ngành y tế dự phòng hiện nay đang rơi vào tình trạng vừa thừa vừa thiếu, có thể đủ số lượng nhưng lại thiếu chất lượng.
Mặc dù, Nhà nước có nhiều chính đãi ngộ cho ngành y tế dự phòng, nhưng vẫn còn khó khăn. Nhiều người do phải làm việc vất vả nhưng thu nhập không tương xứng nên đã chuyển nghề.
Cũng theo ông Phu, việc bùng phát dịch mạnh ở nhiều địa phương cùng lúc, sẽ dẫn đến thiếu nhân lực là khó tránh khỏi, ngay cả ở nước ngoài cũng xảy ra tình trạng trên. “Không bàn đến chỉ tiêu tuyển sinh, vấn đề nằm ở chất lượng đào tạo, nhiều trường hiện nay đào tạo chưa hiệu quả, sinh viên sau khi ra trường chưa đáp ứng công việc được ngay”- ông Phu khẳng định.
Nghề “an toàn” trong mùa dịch
PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Thủy lợi (Hà Nội) chia sẻ: Thời điểm này có nhiều ngành nghề ít chịu tác động bởi dịch bệnh như: Nghiên cứu, văn phòng, tư vấn, công nghệ thông tin… bởi nhân sự thường ngồi một chỗ, ít di chuyển, tiếp xúc với bên ngoài.
Với Trường ĐH Thủy lợi, do ảnh hưởng của dịch bệnh, trường đã điều chỉnh cách thức tư vấn tuyển sinh và đào tạo trực tuyến, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vẫn được giữ nguyên.
“Năm nay, tuyển sinh nhưng 4 năm sau sinh viên mới ra trường. Trong khi đó, theo các chuyên gia, rất có thể năm tới dịch bệnh sẽ được kiểm soát, như vậy việc đào tạo một số ngành nghề không bị ảnh hưởng”- PGS. TS Nguyễn Tuấn Anh nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Văn Tớp – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng: Yếu tố dịch bệnh làm ảnh hưởng đến kết quả thi của thí sinh và thời điểm xét tuyển của các trường, nhưng ngành nghề sẽ không bị ảnh hưởng.
Theo PGS Tớp, việc dự đoán nguồn nhân lực rất quan trọng, tất nhiên điều này không hề dễ dàng. Trong quá khứ, một số ngành nghề liên quan đến công nghiệp từng thay đổi lớn, thậm chí sa sút, có ý kiến cho rằng nếu tiếp tục theo học những ngành này sẽ khó xin được việc sau khi ra trường. Tuy nhiên, cần phải có tầm nhìn chiến lược, không thể nhìn vào thời điểm này đang gặp khó khăn và giảm chỉ tiêu tuyển sinh.
“Ví dụ: Có thời gian ngành Điện cho rằng, năng suất lao động kém, thừa nhân lực nên họ tinh giảm biên chế và không tuyển dụng. Nhưng vài năm sau, ngành này có nhu cầu tuyển dụng trở lại thì nguồn nhân lực không đáp ứng được do các trường giảm chỉ tiêu tuyển sinh.
Điều này cho thấy, ngành nghề có thể giảm nhu cầu nhân lực trước mắt, nhưng nếu không đào tạo, thời gian sau sẽ thiếu nguồn nhân lực. Ngược lại, nếu đào tạo nhân lực ồ ạt, sẽ dẫn đến cung vượt cầu”, PGS Tớp cho hay.