Địa phương tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Xã hội cùng giám sát

Thí sinh tham dự Kỳ thi THPT Quốc gia 2018.
Thí sinh tham dự Kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Xu thế tất yếu

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng: Việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT là xu hướng tất yếu. Các địa phương sẽ phải chủ trì và chịu trách nhiệm đối với kỳ thi này; còn cơ sở giáo dục đại học sẽ chủ động phương án tuyển sinh theo cơ chế tự chủ đại học đã được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật này.

Trước băn khoăn của nhiều người về tính công bằng và chất lượng của kỳ thi, đại biểu Hoàng Văn Cường chia sẻ: Không nên nặng nề, nâng cao quan điểm. Kỳ thi được giao về cho địa phương tổ chức, vì thế, địa phương sẽ có trách nhiệm tổ chức tốt trên mọi phương diện. Xã hội sẽ giám sát việc này. Hơn nữa, chúng ta đã có bài học đắt giá từ vụ gian lận điểm thi tại Kỳ thi THPT quốc gia năm trước ở một số địa phương. Theo đó, nhiều cán bộ giáo dục vướng vào lao lý, gia đình, con cái mất uy tín, danh dự và chịu nhiều sức ép của búa rìu dư luận.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, địa phương nào chủ quan, thiếu trách nhiệm hoặc chạy theo thành tích sẽ tác động trở lại quá trình dạy học sau này. Theo đó, các trường dạy – học không thực chất. Từ đó, chất lượng giáo dục không cao. Còn với địa phương tổ chức tốt, khách quan, công bằng sẽ là động lực để các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng giáo dục. “Tôi muốn nói đến công bằng, trách nhiệm và công khai minh bạch từ quá trình học tập của thí sinh cho đến tổ chức thi tốt nghiệp và công bố kết quả quả thi. Nếu không công bằng, các trường sẽ coi thường việc dạy - học. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giảng dạy của các trường phổ thông nói riêng và của giáo dục địa phương nói chung. Mặt khác, khi các trường đại học tuyển sinh, chất lượng thí sinh không thực chất, địa phương đó cũng mất uy tín” – đại biểu Hoàng Văn Cường trao đổi.

Địa phương tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Xã hội cùng giám sát ảnh 1
Cán bộ chấm thi tỉnh Bắc Kạn tại Kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: TG

Khẳng định chất lượng

Khẳng định Kỳ thi tốt nghiệp THPT là xu thế tất yếu, GS.TS Đào Trọng Thi nhấn mạnh: Học thật, thi thật mới là cách để khẳng định với xã hội. Khác với Kỳ thi THPT quốc gia, mục đích chính của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay để xét tốt nghiệp cho học sinh. Nhiều trường đại học cũng có thể căn cứ vào kết quả thi của thí sinh để tuyển sinh. Đó là quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.

Đặt vấn đề về việc có nên công khai kết quả học tập của thí sinh, GS Đào Trọng Thi cho rằng: Cần cân nhắc và xem có vi phạm quyền riêng tư hay không. Hơn nữa, cũng không đáng quan ngại, vì kết quả học tập đã được thầy cô, bạn bè giám sát. Giả sử nếu kết quả học tập của thí sinh thuộc diện yếu nhưng điểm các môn thi tốt nghiệp THPT lại cao lên đến 9 - 10 điểm, điều đó là bất thường. Lúc đó, thầy cô, bạn bè cùng lớp sẽ nhìn nhận, đánh giá thí sinh đó như thế nào. “Ý tôi muốn nói là dư luận sẽ giám sát và những người tham gia phục vụ kỳ thi sẽ phải làm việc bằng tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng nghề nghiệp của mình” - GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhận xét: So với năm ngoái, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được chuẩn bị khá chu đáo. Nhiều người băn khoăn khi kỳ thi được giao cho địa phương tổ chức và chịu trách nhiệm hoàn toàn. Tuy nhiên, điều này không đáng lo ngại vì các địa phương đã có kinh nghiệm tổ chức. Chẳng hạn: Năm ngoái, Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức thành công trên mọi phương diện, trong đó có sự đóng góp rất lớn của địa phương. Cũng không lo vấn đề tiêu cực xảy ra, bởi chúng ta đã có bài học rất đắt, thậm chí là đau đớn ở Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Vì thế, không ai dại gì mà đánh đổi danh dự, sự nghiệp để làm những việc khuất tất.

Năm nay, Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu các địa phương. Thêm yếu tố nữa, sẽ có giám sát xã hội; trong đó có giám sát nội bộ như: Thầy cô giám sát và chính các bạn học sinh giám sát lẫn nhau. Tuy nhiên, để tăng cường và phát huy hiệu quả giám sát xã hội, TS Lê Viết Khuyến đề nghị: Năm nay, ngoài việc công bố phổ điểm thi tốt nghiệp THPT trên toàn quốc, Bộ nên tiếp tục công bố phổ điểm của từng địa phương. “Cũng từ công bố phổ điểm nên Kỳ thi THPT quốc gia 2018 chúng ta mới phát hiện những tiêu cực ở một số địa phương. Kết quả, nhiều cán bộ đã vướng vào vòng lao lý và đối diện với hình phạt tù” - TS Lê Viết khuyến nhắc lại, đồng thời nhấn mạnh: Giám sát xã hội có vai trò quan trọng, góp phần tạo nên thành công của kỳ thi.

Theo TS Lê Viết Khuyến, công khai, minh bạch, an toàn, nghiêm túc và chất lượng là những yếu tố cần thiết đối với Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều đó sẽ nhân lên niềm tin của xã hội đối với giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ