Với bề dày hơn 60 năm đào tạo, Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) đã có nhiều đóng góp đáng kể trong lĩnh vực này cũng như một số ngành nghề liên quan. Thế mạnh nổi bật của Khoa là khả năng đào tạo đa dạng như tư duy hệ thống, tư duy phân tích tổng hợp, tư duy phân tích không gian và làm việc với dữ liệu không gian,... giúp sinh viên dễ dàng thích nghi với nhu cầu của xã hội hiện nay. Theo thống kê năm 2022, hơn 90% sinh viên ngành Địa lý có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội
TS. Ngô Thị Thu Trang, Trưởng khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cho biết: “Đây là là một ngành học mang tính liên ngành cao, sinh viên, học viên, NCS học Địa Lý học được trang bị kiến thức chuyên ngành Địa lý và tư duy hệ thống, tư duy phân tích tổng hợp, tư duy phân tích không gian. Chính vì vậy mà cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng vô cùng đa dạng”. Khoa thiết kế chương trình đào tạo sinh viên ở 4 lĩnh vực: Bản đồ, Viễn thám và GIS, Địa lý môi trường, Địa lý dân số – xã hội, Địa lý kinh tế – phát triển vùng. Theo đó, các sinh viên cũng được định hướng có thể làm ở các lĩnh vực đa dạng.
Trong thời đại số ngày nay, cử nhân ngành Địa lý học có tiềm năng trở thành lực lượng lao động chuyên môn ở mảng lĩnh vực môi trường, kinh tế phát triển vùng, dân số xã hội và bản đồ GIS – Viễn thám. Trong 3 năm gần đây, tỷ lệ cử nhân Địa lý học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM có việc làm chỉ sau 3 tháng tốt nghiệp tăng từ 60 đến hơn 90%.
Trong quá trình đào tạo, Khoa đặc biệt chú trọng đến việc thiết kế các học phần thực hành và tích hợp các hoạt động thực hành và rèn luyện kỹ năng cho sinh viên thông qua các hoạt động. Ví dụ như thực tập thực tế, thực tập môn học, thực tập tốt nghiệp; hoạt động ngoại khoá thông qua việc tham quan học tập thực tế; nghiên cứu khoa học; hoạt động seminar cùng các diễn giả khách mời theo chuyên ngành phù hợp;…
Đồng thời, để tạo cơ hội cho sinh viên gặp gỡ với các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực và các nhà tuyển dụng có nhu cầu, Khoa cũng thường xuyên hợp tác và gửi sinh viên đi thực tập tại các cơ quan, doanh nghiệp để tạo điều kiện tiếp cận kiến thức thực tế cho sinh viên.
Cơ hội nghề nghiệp rộng mở, tiềm năng ở mọi lĩnh vực
Được trang bị đầy đủ kiến thức nền tảng về tự nhiên, kinh tế xã hội, chính sách phát triển kinh tế xã hội, TS. Ngô Thị Thu Trang khẳng định sinh viên Địa lý học có thể dễ dàng tìm việc liên ngành.
Từng là sinh viên khóa 2005-2009, anh Nguyễn Minh Khoa hiện đang làm việc tại Trung tâm Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật TP Thủ Đức bày tỏ: “Trong quá trình học tập tại trường, tôi luôn nhận được sự hỗ trợ của các thầy cô trong chuyên ngành và những giúp đỡ từ thực tế công việc hiện tại. Cơ hội nghề nghiệp của ngành luôn có, và sự chủ động nắm bắt chính là cơ hội lớn”.
Anh Nguyễn Dương Đăng Khoa - Cựu sinh viên Khoa Địa lý khoá 2019-2023, hiện đang làm Nhân viên phòng Khách hàng (Account Executive) tại một công ty truyền thông chia sẻ: “Vì làm trái ngành nên tôi có hạn chế về việc áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Tuy nhiên, nhờ những kiến thức về tư duy phân tích logic, khả năng giao tiếp và quản lý thời gian - dự án học được từ Khoa mà tôi đã có thể áp dụng vào công việc hiện tại”. Anh cũng bày tỏ: “Từ những quan sát và mối quan hệ của tôi, sinh viên Địa lý làm trái ngành đa phần đều được đánh giá có năng lực và phát triển như những sinh viên chuyên ngành khác”.
Cử nhân ngành Địa lý học được các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng đánh giá cao kiến thức chuyên ngành, có nắm bắt những xu hướng mới trong ngành. Đại diện phòng Dữ liệu - Công ty VLAB nhận xét: “Từ năm 2022-2024, cơ quan đã tiếp nhận khoảng 10 sinh viên thực tập từ Khoa Địa lý. Trung bình, sinh viên thực tập mất 2-3 tháng học việc thì có thể trở thành chuyên viên bản đồ tại bộ phận Dữ liệu (Junior)”.
Bên cạnh đó, sinh viên Địa lý học cũng được đánh giá tốt về năng lực cũng như tiềm năng phát triển ở những ngành nghề khác như báo chí, truyền thông, sự kiện,... Điều đó không chỉ nhờ vào hệ thống kiến thức và bộ kỹ năng mềm (giao tiếp, thuyết trình,...) đào tạo tại Khoa, mà còn nhờ vào những hoạt động chia sẻ kiến thức, kỹ năng mà Nhà trường nói chung và Khoa Địa lý nói riêng tổ chức để tạo điều kiện cho sinh viên phát triển toàn diện, rộng mở tương lai.
Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM đào tạo nghiên cứu về các vùng đất, địa hình, dân cư và các hiện tượng trên Trái đất. Khoa gồm 2 nhóm ngành chính là Địa lý tự nhiên và Địa lý kinh tế - xã hội. Cử nhân ngành Địa lý học được trang bị kiến thức liên quan đến các lĩnh vực môi trường, kinh tế phát triển vùng, dân số xã hội và bản đồ GIS - Viễn thám.
Cử nhân Địa lý học có thể giảng dạy, nghiên cứu địa lý và các vấn đề về địa lý kinh tế; làm việc trong các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan phụ trách các vấn đề kinh tế, dân số, phát triển xã hội, cơ quan đo đạc bản đồ, tài nguyên môi trường hoặc làm việc ở các công ty du lịch, các đơn vị tư vấn phát triển, công nghệ viễn thám,...