Ngược lại, chương trình tiêm chủng quốc gia chỉ “nhích từng bước một” do việc giao vắc-xin bị chậm trễ và nguồn cung hạn chế. Vì vậy, từ tháng 3, quốc gia này cho phép tư nhân nhập khẩu và bán vắc-xin ngừa Covid-19.
AGP Pharma, Công ty dược phẩm tư nhân Pakistan, đã nhập khẩu khoảng 50.000 liều vắc-xin Sputnik V trong khi nhiều công ty, bệnh viện tư nhân khác đang trong quá trình nộp đơn đặt hàng.
Giá của vắc-xin Sputnik V cho hai liều là 80 USD (khoảng 1,8 triệu đồng). Cơ quan Quản lý thuốc Pakistan (DRAP) ước tính mức giá này caogấp 4 lần giá thị trường quốc tế, vốn ở mức dưới 20 USD (khoảng 460.000 đồng).
Bất chấp chi phí đắt đỏ, tính đến ngày 11/4, doanh số bán lẻ loại vắc-xin này vẫn tăng chóng mặt. Một số trung tâm tiêm chủng chứng kiến cảnh người dân xếp hàng dài, chờ đợi gần 3 giờ tới lượt tiêm. Hầu hết, khách hàng là thanh niên, những người chưa đủ điều kiện được chính phủ tiêm chủng miễn phí.
Ban đầu, Pakistan miễn trừ quy định giá trần nhập khẩu vắc-xin khiến cho giá thành của sản phẩm này khi đến tay người dân bị đẩy lên cao. Chính phủ hiện đã hủy bỏ quy định miễn trừ và cho biết sẽ đặt ra mức giá cụ thể trong thời gian tới.
Không đồng ý với quyết định này, AGP đã đưa đơn kiến nghị ra toà và được cho phép tạm thời giữ nguyên mức giá 80 USD đến khi chính phủ thống nhất mức giá.
Dù vậy, quyết định này không nhận được sự đồng tình của nhiều đơn vị tư nhân đang và chờ nhập khẩu vắc-xin. Tranh cãi nảy ra trong tình huống dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng, thời gian của Pakistan không còn nhiều.
Quốc gia này dự kiến cuối tháng sẽ nhập thêm 3 triệu liều vắc-xin CanSinoBio từ Trung Quốc và khoảng 150.000 liều vắc-xin Sputnik V của Nga.
Đến nay, chỉ có một vài quốc gia trên thế giới cho phép tư nhân nhập khẩu và bán vắc-xin. Colombia cho phép tư nhân nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19 nhưng phải tiêm miễn phí. Quốc gia này có kế hoạch tiêm chủng cho khoảng 70% trong số 50 triệu dân. Từ tháng 2, khoảng 2,4 triệu liều vắc-xin đã được tiến hành.
Các công ty dược, bệnh viện tư nhân tại Ấn Độ cũng được phép nhập khẩu vắc-xin Covid-19 nhưng giá thành do chính phủ quy định. Kenya cũng có kế hoạch tương tự nhưng phải tạm dừng vì lo ngại vắc-xin giả tràn lan trên thị trường.
Như vậy, hầu hết các quốc gia đều can thiệp vào giá thành vắc-xin do đơn vị tư nhân nhập khẩu. Mục đích là tránh gây ra những bất bình đẳng xã hội trong việc tiếp cận vắc-xin nhưng vẫn khuyến khích phục hồi kinh tế.
Tại Pakistan, nơi giá thành chưa được niêm yết, tư nhân chỉ bán và tiêm chủng vắc-xin trong các thành phố lớn như Karachi, Islambad. Mức giá 80 USD cũng nằm ngoài khả năng của đại bộ phận người dân quốc gia này.
Tình trạng này dường như đang đi vào vết xe đổ của hộ chiếu vắc-xin. Khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng và quản lý số lượng người đã tiêm chủng, hộ chiếu vắc-xin cho phép người sở hữu tự do di chuyển trong và ngoài nước.
Tấm vé này cũng có thể ngăn cản những người chưa tiêm vắc-xin được đi du lịch hay tiếp cận các dịch vụ công cộng. Nhưng các nước có thể giải quyết tình trạng bất bình đẳng nếu tăng cường chiến dịch tiêm chủng toàn quốc.
Ngược lại, nếu tư nhân hoá vắc-xin nhưng không niêm yết giá thành, vấn đề bất bình đẳng sẽ khó được giải quyết.
Nhu cầu tiêm chủng quốc gia là rất lớn nhưng giá thành, khả năng tiếp cận của vắc-xin AGP tại Pakistan mới chỉ dành cho người dân thu nhập trung bình, thu nhập cao tại các thành phố lớn. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, Pakistan có thể không đạt miễn dịch cộng đồng ngay cả khi đã “vẽ đường” cho tư nhân.