Đi tìm nguyên nhân gây bệnh đau đầu

GD&TĐ - Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát, trong đó, đau đầu nguyên phát chiếm 90% và là cơn đau do bệnh lý cụ thể gây ra.

Đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm tuổi nào. Ảnh minh họa: INT
Đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm tuổi nào. Ảnh minh họa: INT

Tình trạng phổ biến

Đau đầu là một tình trạng cực kỳ phổ biến. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 50% người lớn có ít nhất một lần bị đau đầu trong năm. Mặc dù tỷ lệ cơn đau vùng đầu thay đổi theo từng vùng địa lý, nhưng nó vẫn luôn là một trong các vấn đề sức khỏe thường gặp nhất.

Theo BS.CKII Thân Thị Minh Trung – Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, phần lớn các cơn đau đầu không đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, có một số trường hợp bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng có triệu chứng đau đầu. Các nguyên nhân đau đầu nguy hiểm có thể gặp như xuất huyết khoang dưới nhện do vỡ phình động mạch não, huyết khối tĩnh mạch nội sọ, viêm màng não, viêm não, u não…

Chuyên gia này cho biết, đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm nào. Tình trạng đau thường xuất hiện ở vùng đầu và mặt. Thỉnh thoảng, đau ở vùng cổ trên cũng được xếp vào nhóm đau đầu.

Cơn đau có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên đầu, đau tại một vị trí nhất định hoặc tỏa ra khắp đầu. Đau nhức đầu có nhiều cường độ và tính chất khác nhau. Người bệnh có thể cảm thấy đau âm ỉ, đau dữ dội, đau nhói hoặc đau châm chích ở đầu. Cơn đau phát triển dần dần hoặc đột ngột, kéo dài từ vài phút đến vài ngày.

Bác sĩ Trung cho biết, đau đầu nguyên phát không do nguyên nhân thực thể, hay tổn thương cấu trúc não bộ. Nhóm này bao gồm nhiều loại, trong đó phổ biến nhất là đau nửa đầu Migraine; đau do căng cơ; đau từng cụm. Các loại khác có thể là đau khi gắng sức, khi ngủ, đau nửa đầu liên tục…

Hoạt động hóa học trong não, các dây thần kinh hoặc mạch máu xung quanh hộp sọ hoặc các cơ ở vùng đầu cổ có thể đóng vai trò trong chứng đau đầu nguyên phát.

Một số cơn đau nguyên phát có thể được kích hoạt bởi các yếu tố lối sống, bao gồm: Uống nhiều rượu, bia, đồ uống chứa caffein; có sự thay đổi trong việc ăn uống, ngủ nghỉ; có chuyện đau buồn, lo lắng.

Một số nguyên nhân khác có thể là do căng thẳng liên quan đến gia đình và bạn bè, công việc hoặc trường học. Đứng, ngồi sai tư thế ảnh hưởng lên mắt, cổ hoặc lưng Ánh sáng mạnh, tiếng ồn hoặc thời tiết thay đổi.

“Tình trạng đau đầu, đặc biệt là đau nửa đầu, chịu ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền. Hầu hết trẻ em và thanh thiếu niên mắc chứng đau nửa đầu đều có các thành viên khác trong gia đình mắc bệnh. Khi cả cha và mẹ đều có tiền sử mắc chứng đau nửa đầu, thì 70% khả năng con của họ cũng sẽ mắc chứng bệnh này”, chuyên gia cho biết.

Trong khi đó, đau đầu thứ phát do một bệnh lý cụ thể gây ra như chấn thương sọ não, u não, bệnh màng não – mạch máu não, hội chứng tăng áp lực nội sọ… Đau do bệnh toàn thân như say nóng, say nắng, nhiễm khuẩn toàn thân cấp tính, nhiễm độc… Đau do bệnh nội khoa gồm bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa, bệnh nội tiết, thiếu máu… Hoặc, đau do các bệnh chuyên khoa khác: Bệnh về mắt, tai mũi họng, cơ xương khớp, nha khoa…

Cần hạn chế uống rượu, bia, các thức uống chứa chất kích thích như caffeine… để tránh đau đầu. Ảnh minh họa: ITN

Cần hạn chế uống rượu, bia, các thức uống chứa chất kích thích như caffeine… để tránh đau đầu. Ảnh minh họa: ITN

Yếu tố có khả năng kích hoạt cơn đau

“Chìa khóa để ngăn ngừa chứng đau đầu là tìm ra các yếu tố có khả năng kích hoạt cơn đau. Chẳng hạn, một số người cảm thấy nhức đầu khi ngửi mùi nước hoa mạnh hoặc ăn một số loại thực phẩm nhất định (hạt điều, hành tây, chocolate…).

Các yếu tố kích hoạt đau đầu ở mỗi người là khác nhau. Khi đã xác định được, người bệnh có thể tránh hoặc giảm thiểu tiếp xúc với chúng để phòng ngừa đau đầu”, bác sĩ Minh Trung nêu.

Để phòng ngừa và hạn chế chứng đau đầu hiệu quả, người bệnh cần học cách quản lý căng thẳng. Hạn chế tối đa các tác nhân gây căng thẳng và sử dụng các phương pháp đối phó lành mạnh nếu gặp phải những căng thẳng không thể tránh khỏi.

Ngoài ra, cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đủ chất. Ăn điều độ, không bỏ bữa, chú ý duy trì lượng đường trong máu ổn định. Uống đủ nước. Cụ thể, người bệnh cần bổ sung đủ nước, đặc biệt là trong những ngày nóng bức. Tình trạng thiếu nước có thể khiến cơ thể choáng váng, mệt mỏi dẫn tới đau ở vùng đầu.

Thiếu ngủ cũng là nguyên nhân gây đau nhức đầu phổ biến. Do đó, việc ngủ đủ giấc (7 - 8 tiếng mỗi đêm) sẽ giúp nâng cao năng lượng vào buổi sáng, giảm mệt mỏi, đau đầu và căng thẳng.

Tập thể dục ít nhất ba lần một tuần trong 30 phút có thể giúp giảm căng thẳng, giảm đau đầu và nâng cao sức khỏe tổng thể. Đồng thời, cần hạn chế uống rượu, bia, các thức uống chứa chất kích thích như caffeine… Tạo khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn trong lúc làm việc để tránh đau đầu và chống mỏi mắt.

“Những cơn đau đầu thường diễn ra ở mức độ nhẹ và trong thời gian ngắn, có thể được kiểm soát bằng các phương pháp đơn giản. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các cơn đau đầu có mức độ rất dữ dội, khiến khó tập trung làm việc và ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày khác.

Do vậy, nếu gặp phải tình trạng đau đầu thường xuyên, kéo dài hoặc rất dữ dội, người bệnh nên đến các bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và kiểm tra”, bác sĩ Minh Trung khuyến cáo.

Theo các chuyên gia, trong một số trường hợp, người bệnh cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để thăm khám, đặc biệt là nếu cơn đau đầu dữ dội và kèm theo những biểu hiện nghiêm trọng khác như nôn, buồn nôn, mất thăng bằng, mất trí nhớ, mất thị lực, rối loạn ngôn ngữ,... Ngoài ra, người đau đầu sau chấn thương, đau đầu kèm theo sốt cao, đau đầu dữ dội và kéo dài cũng cần thăm khám và điều trị kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ