Đi tìm “cái duyên” trong văn chương Nguyễn Nhược Pháp

GD&TĐ - Kỷ niệm 80 năm ngày mất (1938-2018) của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, sáng 9/11, Nhà xuất bản Phụ nữ phối hợp với khoa Viết văn- Báo chí - Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm “Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp” nhân dịp ra mắt cuốn sách “Hoa một mùa” của ông.

Bìa cuốn sách “Hoa một mùa” của Nguyễn Nhược Pháp
Bìa cuốn sách “Hoa một mùa” của Nguyễn Nhược Pháp

Từ trước đến nay, Nguyễn Nhược Pháp - con trai của học giả Nguyễn Văn Vĩnh nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam là một nhà thơ trữ tình với áng thơ bất hủ nổi tiếng Chùa Hương. Ít ai biết rằng, ngoài sáng tác thơ, ông còn viết truyện ngắn, kịch và là tác giả của nhiều bài phê bình văn học thể hiện một nhãn quan tinh tường, mẫn cảm.

Nguyễn Nhược Pháp viết văn, làm thơ, kịch, và cả viết phê bình nữa bằng một cái duyên bút mực hết sức nhã nhặn, đằm thắm mà không hề kém phần hài hước kín đáo. Có cảm tưởng đằng sau mỗi con chữ lại là một nụ cười mỉm của chàng thanh niên cứ lặng lẽ quan sát và cảm nhận cuộc sống theo cách riêng của mình. 

Tuy chỉ có một cuộc đời ngắn ngủi, mới hai mươi bốn tuổi, Nguyễn Nhược Pháp đã phải rời cõi tạm, song khối lượng những sáng tác ông để lại sẽ khiến chúng ta phải kinh ngạc và thán phục một tài năng đã chớm nở từ rất sớm và đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Tọa đàm "Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp" sẽ một lần nữa tập trung đọc lại và đánh giá đầy đủ, đa chiều hơn về sự nghiệp văn chương Nguyễn Nhược Pháp, tác giả lâu nay được biết chủ yếu với tư cách nhà thơ. Các sáng tác này đã được tập hợp trọn vẹn trong "Hoa một mùa", cuốn sách do gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh, gia đình thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp và Nhà xuất bản Phụ nữ biên soạn, xuất bản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ