Di tích cầu Hiền Lương bị xuống cấp nghiêm trọng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, thuộc Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nối đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.

Cầu Hiền Lương là “nhân chứng lịch sử” suốt hơn 2 thập kỷ đất nước chia cắt.
Cầu Hiền Lương là “nhân chứng lịch sử” suốt hơn 2 thập kỷ đất nước chia cắt.

Do thời gian sử dụng đã lâu, cầu Hiền Lương (tỉnh Quảng Trị) đã bị xuống cấp nghiêm trọng, phần kết cấu thép bị hoen gỉ, mặt cầu bằng gỗ bị mục, không bảo đảm an toàn đi lại.

Cây cầu nối 2 nửa non sông

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, thuộc Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nối đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Cây cầu trở thành điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách khi đến tham quan Di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương, cũng như đến với mảnh đất Quảng Trị.

Cầu Hiền Lương được xem là “nhân chứng lịch sử” cùng dòng sông Bến Hải mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước thành 2 miền Nam - Bắc suốt hơn 20 năm.

Tháng 7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, đất nước tạm thời chia đôi thành 2 miền, lấy Vĩ tuyến 17 - dòng sông Bến Hải làm ranh giới tạm thời. Cầu Hiền Lương với vị trí bắc qua đôi bờ cũng trở thành “điểm nối” hai nửa non sông, chờ đến ngày tổng tuyển cử sẽ diễn ra sau đó chỉ 2 năm. Tuy nhiên, phải đợi đến 21 năm sau, đất nước mới thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà.

Cầu Hiền Lương được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1928. Chủ yếu phục vụ cho người đi bộ qua sông Bến Hải. Tháng 5/1952, Pháp xây dựng chiếc cầu sắt nối liền hai bờ sông Bến Hải, giữa huyện Vĩnh Linh và Gio Linh thay thế cây cầu trước đó.

Cầu có 7 nhịp, dài 178m, trụ bằng bê tông cốt thép, dầm bằng thép, mặt lát bằng gỗ thông, rộng 4m, hai bên có thành chắn cao 1,2m, tải trọng 18 tấn. Tháng 10/1967, cầu sắt bị bom Mỹ đánh sập.

Năm 2003, cầu Hiền Lương được phục dựng theo thiết kế cầu sắt của Pháp năm 1952 với 7 nhịp (nhịp đầu của bờ Bắc và bờ Nam được chuyển từ một chiếc cầu hỏng, đồng dạng từ miền Nam ra) tổng chiều dài 189m, rộng 11,5m. Tháng 3/2014, cầu Hiền Lương được sơn 2 màu, màu xanh hòa bình ở bờ Bắc và màu vàng ở bờ Nam giống màu sơn cầu trước năm 1960.

Tuy nhiên, do thời gian sử dụng đã lâu, cùng khí hậu khắc nghiệt khiến cầu Hiền Lương bị xuống cấp nghiêm trọng. Theo ghi nhận, phần kết cấu thép đã bị hoen gỉ, thậm chí nhiều chỗ còn bị mất cấu kiện. Phần mặt cầu ốp gỗ bị mục và co ngót, một số vị trí đã bị mất thanh gỗ mặt cầu.

Cây cầu thuộc Di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương, hàng năm diễn ra nhiều sự kiện, lễ hội lớn của Quảng Trị, cùng với việc đón tiếp du khách đến tham quan thường xuyên. Tuy nhiên, cầu bị xuống cấp khiến việc đi lại tham quan của du khách không bảo đảm an toàn.

Cầu Hiền Lương bị xuống cấp, mặt cầu bằng gỗ bị mục, xuất hiện lỗ thủng, các cấu kiện bằng sắt bị gỉ.

Cầu Hiền Lương bị xuống cấp, mặt cầu bằng gỗ bị mục, xuất hiện lỗ thủng, các cấu kiện bằng sắt bị gỉ.

Cần sửa chữa, đầu tư xây dựng kịp thời

Di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải là một trong bốn Di tích Quốc gia đặc biệt của tỉnh Quảng Trị, là tên gọi cho Cụm di tích ở hai bên bờ sông Bến Hải và cầu Hiền Lương. Di tích gồm các hạng mục: Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Cột cờ giới tuyến, Nhà liên hợp, Đồn Công an giới tuyến, Dàn loa phóng thanh ở bờ Bắc, Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” ở bờ Nam, Nhà bảo tàng Vĩ tuyến 17… Cụm di tích được Bộ VH,TT&DL xếp hạng quốc gia ngày 12/12/1986; Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt ngày 9/12/2013. Đây cũng là địa điểm tổ chức Lễ hội Thống nhất non sông hàng năm vào dịp 30/4 nhân kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 2022, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giao thông vận tải, Sở GTVT tỉnh Quảng Trị đã có văn bản báo cáo tình trạng kỹ thuật và khai thác cầu Hiền Lương.

Qua kiểm tra cho thấy, quá trình khai thác sử dụng, cầu Hiền Lương đã bị hư hỏng, xuống cấp. Hệ dầm dọc, dầm ngang xuất hiện bong tróc lớp sơn và gỉ sét rất nhiều vị trí, đặc biệt là hệ bu lông liên kết (bu lông liên kết giữa dầm ngang với giàn chủ, liên kết giữa thanh chống xiên và giằng đỉnh, liên kết các bệ kê gối) bị gỉ sét nặng, mất khả năng chịu lực.

Để kéo dài tuổi thọ, bảo đảm an toàn cho công trình và người dân, du khách tham quan, Sở GTVT đề nghị Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Trị (đơn vị quản lý cầu Hiền Lương) hạn chế cho người qua lại.

Bên cạnh đó, cần lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm để khảo sát chi tiết các hư hỏng, đánh giá mức độ an toàn khai thác công trình; đề xuất phương án bảo trì, sửa chữa hoặc đầu tư xây dựng mới thay thế cầu hiện trạng.

Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Trị đã có đề xuất lên cấp trên. Cuối năm 2022, HĐND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt chủ trương đầu tư Công viên Thống nhất - Khu di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải với tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng. Trong đó, có hạng mục tu bổ công trình di tích cầu Hiền Lương bị xuống cấp.

Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Trị, cho biết, hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị đang hoàn tất các thủ tục liên quan đến dự án nói trên.

Dự kiến, sẽ thay thế một phần khung kết cấu sắt, thép cấu tạo cầu đã rỉ sét hư hỏng; thay thế phần gỗ bề mặt cầu theo nguyên bản; sửa chữa mố cầu... Dự kiến, trong năm 2023 này, việc tu bổ cầu Hiền Lương sẽ được tiến hành.

Hiện, cầu Hiền Lương đang được Ban Quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải khai thác du lịch. Tuy nhiên, vì tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của cầu, đối với các đoàn du khách đông, sẽ phải chia thành từng nhóm nhỏ và yêu cầu du khách không chạy nhảy khi đi lên cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ