“Không có gì ngoài chất chồng khó khăn”
Sử dụng lại những mảnh gỗ vụn, suốt 3 năm qua, Hoàng Hùng đã ngày đêm mày mò, biến chúng thành những sản phẩm đồ chơi độc đáo, an toàn, không chỉ có giá trị về mặt sức khỏe cho trẻ mà còn hướng đến những giá trị nhân văn sâu sắc, lan tỏa tình yêu thương trong cộng đồng.
“Không có gì ngoài chất chồng khó khăn”. Đó là lời chia sẻ của Hùng khi được hỏi suốt 3 năm khởi nghiệp qua, Hùng đã có được những gì. Dù đi lên từ con số không và giờ đã là chủ của một doanh nghiệp trẻ với số vốn trên 7 tỷ đồng nhưng chàng trai 24 tuổi nước da đen sạm vẫn luôn khiêm tốn nói rằng, đến giờ mình không có gì ngoài tình yêu đối với gỗ, trái tim hướng đến con trẻ và những khó khăn luôn hiện hữu.
Để đến được với gỗ, sống được với gỗ, với Hùng là cả một hành trình không mấy dễ dàng. Ban đầu đó là món nợ “khổng lồ” từ khoản vay sinh viên treo lơ lửng trên đầu với một sinh viên con nhà nghèo mới ra trường.
Gia đình, bố mẹ choáng váng với con đường đi của chính con trai mình, hàng xóm bàn tán xôn xao rằng thằng đó học hành đâu đến nỗi mà phải đi làm mộc. “Còn bạn bè, vì mình đi con đường không giống ai nên cũng không dám tiếp xúc. Thành ra cuối cùng mình thành người đơn độc. Đơn thương độc mã trên con đường mình chọn”- Hùng thành thật.
Hùng nói, mình bắt đầu bén duyên với gỗ từ công việc làm thêm thời năm nhất đại học. Đó là khi Hùng làm việc tại một xưởng mộc, chứng kiến những thanh gỗ vụn bị quẳng đi không thương tiếc, Hùng đã giữ lại, mày mò làm ra những chiếc xe đồ chơi. “Thời gian đầu, phải mất gần hai tháng mình mới tạo ra một sản phẩm đồ chơi, lúc đầu chỉ một bé thích, về sau nhiều bé hơn, các mẹ đến đặt mình làm. Mẹ này giới thiệu cho mẹ kia, nhiều đại lý bàn ghế, cửa hàng thời trang còn đặt hàng mình để bán kèm và trưng bày”.
Việc nhiều, Hùng rủ thêm anh trai làm, mướn xưởng, thuê sinh viên. Thế nhưng, đó chỉ là bước khởi đầu suôn sẻ. Một thời gian ngắn sau, khó khăn mới rủ nhau dồn dập đến. “Đó là khoảng thời gian rệu rã, từ năm 2015 đến 2016, khi mình chỉ biết sản xuất, chỉ tập trung vào việc làm sao tạo ra thật nhiều sản phẩm, mẫu mã mà quên đi khâu quan trọng là đầu ra cho sản phẩm. Đơn hàng không có, sản phẩm bị chững lại, tiền không có trả cho nhân công và tiền mướn xưởng. Nguyên cả một năm, mình thoi thóp sống. Ngày nào cũng làm đến thâu đêm suốt sáng…”- Hùng trải lòng.
Rồi bắt đầu những tháng ngày lê la đi bán hàng ở lề đường, chọn những khu vực dân cư sầm uất. Thế nhưng, sản phẩm cũng chỉ bán được nhỏ giọt. “Người mua chê sản phẩm của mình đắt, chỉ một sản phẩm nhỏ xíu, không màu sắc bắt mắt mà cũng có giá đến cả vài chục ngàn. Bởi vì người dân mình chưa hiểu hết được giá trị của đồ thủ công mỹ nghệ, những sản phẩm đồ chơi hiền lành, an toàn cho con em mình nên mới nghĩ vậy”- ông chủ trẻ chia sẻ.
Những đồ chơi từ gỗ do G. Happy sản xuất |
G.Happy và khát khao “Liên minh đồ chơi gỗ”
G. Happy - thương hiệu đồ chơi gỗ của Hùng, đã không còn quá xa lạ trong giới sản xuất đồ chơi gỗ. Bất chấp, đạp trên khó khăn, đến nay, mỗi tháng G.Happy (với 45 nhân công) cho ra thị trường khoảng 2.000 sản phẩm, và phân bố trên 16 tỉnh thành, mỗi tỉnh thành có từ 5-7 đại lý. Có những người còn bay từ Úc, từ Singapore qua gặp trực tiếp Hùng để mua sản phẩm.
“Liên minh đồ chơi gỗ” là khát khao lớn nhất của Hùng. “Đó là việc những doanh nghiệp, nhà sản xuất nhỏ lẻ sản xuất đồ chơi gỗ sẽ liên kết với nhau, tạo ra quyền lợi cho người tiêu dùng về những sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý, đồng thời bảo vệ lẫn nhau, hướng tới những giá trị cộng đồng. Và đặc biệt là tạo ra nguồn USD cho nước nhà, chứ không chỉ kiếm tiền của người Việt mình”- Hùng giải thích.
Dù mới chỉ nhen nhóm thành lập thế nhưng liên minh đã có 2 đối tác lớn tham gia và theo Hùng, sắp tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ chơi gỗ cùng hoạt động, hứa hẹn những quả ngọt cho sản phẩm đồ chơi gỗ Việt Nam.
Từ khi đi theo gỗ, Hùng luôn quan niệm rằng mỗi món đồ chơi gỗ không chỉ là đồ chơi mà còn là sự kết nỗi giữa con cái và cha mẹ, gia đình và xã hội. Bởi vậy, với sản phẩm đồ chơi gỗ của mình, Hùng luôn hướng tới giá trị trí tuệ và cảm xúc.
“Trong mỗi một sản phẩm thủ công mỹ nghệ đều có cái hồn của người tạo ra. Mình tâm huyết tạo ra những sản phẩm đồ chơi an toàn, trí tuệ thì tin rằng, khi trẻ chơi, trẻ sẽ cảm nhận được tình cảm của cha mẹ, từ đó hình thành nên giá trị về mặt đạo đức, tạo nên sự gắn kết với mỗi thành viên trong gia đình. Đó là điều mà Hùng mong muốn người tiêu dùng nhớ đến G.Happy”, Hùng nói.
“Biết sống để làm gì”
Đó là điều mà Hùng muốn gửi đến những bạn trẻ đang có ước mơ khởi nghiệp. Theo Hùng, khi mình trẻ, mình không có gì ngoài tuổi trẻ và chính tuổi trẻ lại là thứ có thể cho mình tất cả. “Khi bạn biết bạn sống để làm gì thì bạn sẽ biết mình làm gì để sống, mình không khuyên bạn đánh đổi điều gì nhưng nếu được dám sống với đam mê thì hãy cứ sống. Và đừng sợ thất bại, khó khăn” - Hùng nói.
Đối với bản thân, cho đến tận bây giờ, đôi khi, Hùng vẫn không hiểu, mình đã vượt qua những tháng ngày “đen tối” khó khăn nhất như thế nào. “Nhiều lúc muốn bỏ nghề. Khó khăn dồn dập đến nuốt không trôi, dai dẳng, ăn mòn tinh thần của mình, khiến mình không tỉnh táo được. Nhiều đêm mình nghĩ đến bố mẹ kỳ vọng, nghĩ đến viễn cảnh gia đình sum vầy. Và đặc biệt, những người bạn đồng hành cùng mình”.
Theo Hùng, trong chính khó khăn lại là lúc để mình hiểu mình mạnh mẽ đến đâu và sẽ đi đến đâu.