Đi qua giá rét mùa đông

GD&TĐ - Ở vùng rẻo cao xứ Nghệ, mỗi mùa đông về, các thầy cô lại bộn bề lo lắng về những khó khăn, thiếu thốn của HS. Nghĩ cách chống rét cho trò mỗi buổi học, kết nối sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng… Các nhà trường còn tự nhen lên ngọn lửa yêu thương, trách nhiệm để các em HS luôn có một mái ấm thứ hai của mình. 

Đi qua giá rét mùa đông

Kiếm củi sưởi ấm cho trò

Năm học 2018 - 2019, Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (huyện Quế Phong) nhận tin vui khi được nhà tài trợ đầu tư xây dựng mới 5 phòng học và 2 phòng công vụ giáo viên tại điểm trường Mường Lống. Để chuẩn bị mặt bằng, các phòng học bằng gỗ được tháo dỡ.

Trong thời gian chờ đợi trường lớp mới hoàn thành, để đảm bảo an toàn cho HS, toàn bộ thầy trò ở điểm trường Mường Lống sơ tán vào bản để dạy và học. Lớp có HS bé nhất được học ở nhà văn hóa, còn lại chia ra nhà dân. Nhiều em phải đi xa hơn để đến lớp, nhưng không em nào bỏ học. Sự gian khó về đường xá đã quá quen thuộc với trẻ vùng cao; trong khi đến lớp lại được gặp thầy cô, bạn bè…

Trở ngại lớn nhất của các lớp học “sơ tán” là thời tiết, đặc biệt khi mùa đông về. Ngoài nhà văn hóa, các lớp học nhờ nhà dân đều dưới chân nhà sàn, tứ bề trống trơn, chỉ cơn mưa nhỏ cũng là cả một vấn đề, nói gì cái giá rét của vùng cao. “Nhiệt độ xuống thấp, trời rét cắt da thịt, sương mù dày đặc. Ở vùng cao này, mùa đông là như vậy. Mỗi sáng nhìn các em ngồi vào lớp học mà mặt mũi tím tái vì rét, thương lắm nhưng cũng không thể làm gì nhiều hơn cho các em. Chỉ biết nhắc các em phải mặc áo khoác đầy đủ, thật ấm và tránh để ướt” - thầy Lang Mạnh Hùng, giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ 4 chia sẻ.

Giờ học vào mùa đông ở nơi cổng trời này cũng không thể đúng giờ giấc như những ngôi trường vùng thuận lợi khác. Buổi sáng, các thầy phải đợi sương tan bớt để có đủ ánh sáng, lau khô bàn ghế cho HS. Để xua bớt cái lạnh, các thầy đi kiếm củi khô và đốt lên sưởi ấm cho các em.

Hình ảnh trước giờ vào học thầy cô đốt lửa sưởi ấm cho học trò cũng đã trở nên nên quen thuộc đối với các trường vùng rẻo cao Nghệ An mỗi mùa đông. Tại nhiều điểm lẻ trường Tiểu học Hữu Khuông (huyện Tương Dương), ngày giá rét, các thầy cô cũng đốt lửa ở góc lớp học, vừa để lấy hơi ấm, chống ẩm ướt do sương giá, vừa để lấy thêm ánh sáng dạy học. Giờ ra chơi, thầy trò lại cùng tham gia trò chơi vận động tập thể để làm nóng người, trước khi tiếp tục buổi học…

Để trò lớn lên trong yêu thương và tự tin

Đối với các trường vùng cao Nghệ An, những khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất còn rất nhiều. Để chia sẻ với HS, các nhà trường và thầy cô giáo còn trở thành chiếc cầu nối, kêu gọi sự quan tâm hỗ trợ của cộng đồng. Vừa qua, các cháu mầm non bản Cốc và bản Tạt, 2 bản xa nhất của xã Yên Thắng (huyện Tương Dương) được đón nhận quần áo ấm mới do nhà hảo tâm trao tặng. Trước đó hai tuần, quà về tới điểm trường chính, nhưng do trời mưa, đường trơn trượt không thể đi lại được nên “mắc kẹt” lại. Khi thời tiết khô ráo hơn, cô giáo đã nhanh chóng vượt rừng, mang quà về cho các cháu, vừa kịp đợt rét đậm đầu mùa tràn về.

Các em HS Trường Tiểu học Diên Lãm (huyện Quỳ Châu) cũng vừa đón nhận quà tặng là áo, chăn ấm, dép của Hội chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An trao tặng. Trường có 235 HS đều là người dân tộc Thái, trong đó, có đến hơn 50% em thuộc diện hộ nghèo. Bên cạnh kết nối sự giúp đỡ từ các đơn vị, tổ chức xã hội, nhà trường còn lập quỹ “Mái ấm công đoàn” do cán bộ giáo viên trích lương đóng góp để tặng cho, HS có hoàn cảnh khó khăn.

Thầy Lê Văn Hùng - Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trên địa bàn vẫn đang tồn tại tệ nạn xã hội, ma túy. Một số HS có bố hoặc mẹ đang phải thụ án trong trại giam hoặc đi cai nghiện, sống với ông bà. Vì thế, chúng tôi cố gắng chắt chiu để dành sự chia sẻ đặc biệt hơn đến những HS đó, giúp các em yên tâm đi học”.

Sự hỗ trợ về vật chất có ý nghĩa ở một thời điểm nhất định, nhưng quan trọng nhất, giáo dục là quá trình thường xuyên, liên tục từ thầy cô, để trong nhà trường các em được bình đẳng, yêu thương, tự tin lớn lên. Sự hỗ trợ, sẻ chia có nhiều cách thức, miễn là phù hợp và huy động được sự tham gia của xã hội. Một trong những dẫn chứng điển hình là việc xã biên giới Nhôn Mai (huyện Tương Dương) vừa tổ chức thành công Hội chợ hàng địa phương lần thứ nhất. Sẽ không có gì đáng nói nếu tại hội chợ không có một gian hàng đặc biệt của cô, trò và phụ huynh Trường Mầm non Nhôn Mai.

Trước đó, các cô đã tự tay làm nhiều sản phẩm thủ công, đồ dùng, đồ chơi để bày bán ở hội chợ. Phụ huynh cũng góp sức bằng việc mang góp gạo, rau, măng, bí hay các loại nông sản trồng được cho nhà trường. Ngày diễn ra hội chợ, các cháu nhỏ cũng tham gia bán hàng, giới thiệu các sản phẩm của trường. Kết thúc hội chợ, nhà trường đã thu được gần 15 triệu đồng từ bán hàng và ủng hộ từ các nhà hảo tâm. Toàn bộ số tiền trên sẽ được dùng để mua chăn ấm cho trẻ. Với cách làm này, vừa cho trẻ được giao lưu, tăng kỹ năng giao tiếp, nói tiếng Việt, vừa huy động được sự tham gia, ủng hộ nhiệt tình từ các bậc phụ huynh.

“Dịp cuối năm, nhiều đơn vị tổ chức trao áo ấm, quà tết, đồ dùng sinh hoạt, thiết bị dạy học, sách vở cho HS… Đó là sự hỗ trợ, động viên rất lớn cho thầy và trò vùng cao. Về phía Phòng GD&ĐT, chúng tôi cũng khuyến khích các trường tùy vào điều kiện thực tế để tổ chức các hoạt động GD, ngoại khóa, huy động sức dân, nguồn lực tại chỗ để chăm lo cho HS một cách vững bền, ý nghĩa” - lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.