(GD&TĐ) - Các nay gần 2 tháng, Cơ quan y tế Đài Loan thông báo vụ bê bối chưa từng có trong lịch sử ngành công nghệ thực phẩm của lãnh thổ này: một công ty phụ gia thực phẩm đã giả mạo, đưa chất DEHP (có thể gây dậy thì sớm ở trẻ) vốn là chất phụ gia công nghiệp vào trong phụ gia tạo đục nhằm gian lận, giảm giá thành.
Kể từ đó, cơn bão DEHP từ Đài Loan đã hoành hành đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các doanh nghiệp mất tiền tỉ để tiêu hủy, bảo vệ người tiêu dùng và giữ uy tín cho mình khá nhanh và tốt. Nhưng bão DEHP có đã qua, khi ngày ngày chúng ta phải đối diện với công nghiệp chất dẻo, thực phẩm có thể bị nhiễm DEHP từ bao bì tiếp xúc, từ quá trình sản xuất, từ môi trường xung quanh?
Dập bão thần tốc
Từ cảnh báo của INFOSAN (Mạng lưới quản lý an toàn thực phẩm Quốc tế) và Cơ quan Y tế Đài Loan, Việt Nam đã phát hiện một số sản phẩm thực phẩm (thạch, nước giải khát...) bị nhiễm DEHP do sử dụng chất tạo đục có xuất xứ từ Đài Loan.
Một trong những doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực sản xuất rau cau- công ty TNHH New Choice Foods (NCF) ở Bình Dương là đơn vị chịu nhiều thiệt hại từ bão DEHP tại Việt Nam. Ngay khi nghi ngờ chất phụ gia này có trong sản phẩm rau câu hương vị khoai môn Taro, NCF đã chủ động thông qua hệ thống phân phối của mình là công ty Phú Toàn Thắng, huy động 250 nhân viên làm việc với 307 siêu thị, 70 nhà phân phối bán lẻ ở 63 tỉnh thành thu hồi sản phẩm này. Tổng cộng 9984 thùng (loại 9kg) sản phẩm rau câu khoai môn Taro (sản phẩm chiếm 25% thị trường của NCF) đã và đang lên lịch thiêu hủy! Thiệt hại không kém NCF là công ty TNHH Thực phẩm YngShin, ở Cụm công nghiệp Bích Hoà - Thanh Oai - Hà Nội. Công ty có 12 sản phẩm có sử dụng phụ gia chất tạo đục CLOUDY AGENT nguồn gốc từ Đài Loan như: Nước Cam ép, Nước Cam xơ ép, Nước Cam Cà rốt ép, Nước Ổi đào ép, Nước Chanh ép, Nước Chanh Dây ép, Nước Xoài ép, Nước hoa quả hỗn hợp, Nước Quất ép, Nước Mãng cầu ép, Nước Mơ, Nước Táo ép. Hàng chục ngàn lít nước giải khát buộc phải thu hồi và tiêu hủy.
Thu hồi sản phẩm có chứa DEHP trên thị trường |
Với phương châm an toàn cho người tiêu dùng và uy tín thương hiệu là trên hết, ông Chen Huang Ming (Giám đốc công ty NCF) chia sẻ: Bất kể thiệt hại về nhân lực và tài lực, chúng tôi nhanh chóng, triệt để thu hồi toàn bộ sản phẩm để tránh ảnh hưởng đến người tiêu dùng”. Giám đốc nhà phân phối NCF, ông Trần Xuân Định (Công ty Phú Toàn Thắng) cho biết thiệt hại vì bão DEHP của công ty ước tính khoảng 2 tỉ đồng. Nhưng thiệt hại lớn nhất là cuộc sống, công ăn việc làm của hơn 300 nhân viên Phú Toàn Thắng và hơn 100 nhân viên của NCF.
Với sự tích cực của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm và tinh thần trách nhiệm của các doanh nghiệp, cho đến nay, 38 sản phẩm nhiễm DEHP có nguồn gốc dùng chất tạo đục là sản phẩm gian dối theo danh sách của Cơ quan Y tế Đài Loan và INFOSAN đã được thu hồi nhanh chóng. Phải nói, so với các nước trong khu vực, Việt Nam khá thần tốc trong việc dẹp bão trên các thực phẩm nhiễm: chỉ mất 3 tuần. Mới đây, công ty NFC đã tự tin họp báo công bố dòng sản phẩm mới gồm 18 sản phẩm không có DEHP và được cấp giấy chứng nhận Vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nỗi lo “thảm họa dịu dàng”
Nhưng xem ra, sau khi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm và các doanh nghiệp thần tốc dẹp bão trên thực phẩm vừa tạm yên lòng, thì mối lo ngại vẫn chưa dứt. Thảm họa dịu dàng - GS-BS Nguyễn Chấn Hùng đã gọi tên như thế khi nói về chất DEHP- là một chất lỏng được dùng để làm các chất plastic dẻo hơn. DEHP được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp nhựa để tạo độ dẻo, các loại nhựa, chất dẻo để sản xuất đồ dùng giả da, áo mưa, giày dép, bao bì nhựa. Ngoài ra, DEHP còn được dùng như chất lỏng thủy lực và chất cách điện.
Plastic có thể chứa từ 1-40% DEHP trong các hàng tiêu dùng như giả da, áo mưa, sàn nhà, bao bì thức ăn, đồ chơi đồ dùng trẻ em và các vật dụng y tế (các ống truyền dịch, các bịch chứa máu...) và dược phẩm... Theo Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, do công nghiệp chất dẻo phát triển nhanh chóng và phổ biến, các đồ dùng xung quanh ta được làm từ chất dẻo công nghiệp ngày càng nhiều. Do đó, trên thực tế, chất DEHP có mặt trong môi trường, vật dụng và thực phẩm có thể bị nhiễm DEHP từ bao bì tiếp xúc, từ quá trình sản xuất, từ môi trường xung quanh!
Hiện chưa có nghiên cứu sâu về tác hại của DEHP trên sức khoẻ con người nhưng Bộ Y tế Hoa Kỳ cho là cần đề phòng vì DEHP gây ung thư, làm tổn thương lá gan và hệ sinh dục nam, ảnh hưởng việc sinh sản, gây khuyết tật ở loài vật trong labô. Phơi nhiễm có thể từ các thức ăn thông qua việc chế biến, chuyên chở và đóng gói. DEHP dễ hoà tan trong mỡ hoặc thức ăn béo, nhất là trong sữa và phômai. Có sự phơi nhiễm liều cao khi DEHP bị nhả ra từ các vật dụng y tế làm bằng chất dẻo dùng truyền dịch, truyền máu. Trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh nam điều trị cấp cứu có thể nhiễm liều độc hại. Đồ chơi plastic dẻo chứa lượng DEHP cao.
Rau câu New Choice Foods đã qua cơn bão DEHP |
Theo báo Focus Taiwan, đăng tải thông tin từ viện Nghiên cứu sức khoẻ quốc gia liên quan đến DEHP, trẻ em dùng thức uống có DEHP lâu dài có thể bị rối loạn chức năng sinh dục. Trẻ em dùng 350ml thức uống chứa 12ppm (parts per millon) DEHP mỗi ngày trong 12 tháng liên tục có thể tăng 6 - 8 lần nguy cơ xáo trộn hệ sinh dục khi trưởng thành: teo nhỏ dương vật và các tinh hoàn, dẫn đến nguy cơ vô sinh. Một nghiên cứu khác của Chou YY và cộng sự thực hiện tại khoa Y, Đại học quốc gia Chen Kung (Đài Loan) vào năm 2009 cho thấy: khi nghiên cứu trên 30 bé gái dậy thì sớm, so với 33 bé gái bình thường, trong nước tiểu bé gái dậy thì sớm chứa lượng monomethyl phtalat cao hơn nhiều so với bé gái bình thường. Từ đây họ kết luận chất này có thể là một nguyên nhân môi trường gây dậy thì sớm ở bé gái Đài Loan!
Tự cứu mình trước
Như vậy, khả năng phơi nhiễm DEHP trong thực phẩm từ nhiễm DEHP ở bao bì, môi trường xung quanh là có thật. Và đây là cơn bão xoáy âm thầm, nguy hại, mỗi ngày, mỗi giờ, có khi còn nguy hiểm hơn ăn vài ba cái rau câu hay uống 1-2 ly nước có nhiễm phụ gia tạo đục DHEP! Chính bởi thế, ở các bệnh viện, FDA Hoa Kỳ khuyến cáo dùng các vật dụng thay thế (như là ethylene vinyl (EVA), polyethylene hoặc polyurethane...) khi các phương thức nguy cơ cao được dùng cho trẻ sơ sinh nam, thai phụ mang thai phôi nam hay trẻ trai gần tuổi dậy thì. Từ năm 1999, Uỷ ban châu Âu đã cấm dùng phthalate để làm đồ chơi trẻ em. DEHP thuộc trong 6 loại phthalate bị cấm. Năm 2005, lệnh cấm này nới rộng: luôn các vật dụng chăm sóc trẻ con (dụng cụ giúp ngủ, giữ vệ sinh, nuôi ăn, núm vú…).
Trong khi chờ danh mục các bao bì, sản phẩm chứa DEHP có thể lây nhiễm sang thực phẩm, tốt hơn hết, người tiêu dùng phải có ý thức trong sử dụng các sản phẩm nhựa dẻo; tự cứu mình trước khi… ngành y tế cứu. Dược sĩ Nguyễn Hữu Đức; giảng viên chính bộ môn Dược, Đại học Y Dược TP.HCM, lưu ý: Cảnh giác, không sử dụng các loại thực phẩm chứa DEHP là rất cần thiết. Nhưng bên cạnh đó cũng nên cẩn thận khi dùng các sản phẩm nhựa dẻo như PVC vì có thể chứa các dẫn chất phtalat. Không nên chế biến thức ăn quá nóng trong các tô chén, bao bì bằng nhựa mà thay bằng vật đựng bằng sứ. Dùng lá chuối hoặc giấy làm bao bì thay vì dùng bao bì nhựa…
Hoa Cát