Chỉ là một người nông dân bình thường như hàng trăm nông dân miệt vườn khác, nhưng nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Chiến, thường gọi ông Tám Nhơn (92 tuổi) ở xã Đông Hòa (huyện Châu Thành, Tiền Giang) lại được rất nhiều người biết đến.
Tất cả bởi mái tóc dài tới gần 4 mét trên đầu có hình như một con rồng uốn lượn vẫn vũ của ông.
Đặc biệt hơn nữa, suốt hơn 70 năm qua, mái tóc rồng ấy của ông cũng chưa một lần cắt tỉa. Thậm chí, ông còn không bao giờ gội đầu hay để mưa làm ướt tóc, bởi nếu tóc bị ướt là ông bị bệnh.
Con rồng trên đỉnh đầu
Tìm tới gặp gia đình ông Tám Nhơn vào một buổi chiều cuối tuần, chúng tôi được biết từ lâu ông sống một mình trong một chiếc am nhỏ rộng chỉ khoảng 20 mét vuông gần nhà, sát con rạch nhỏ mang tên Ông Hổ.
Ông bảo hiện nay tuổi đã cao, ông chỉ quanh quẩn ở cái am này để tụng kinh, đọc sách, thờ cúng theo đạo Tứ ân hiếu nghĩa.
Nói về mái tóc đặc biệt của mình, ông cười cười bảo ngày nhỏ ông để tóc 3 chỏm, cũng có cắt có gội đầu như người bình thường. Tuy nhiên, tới năm 17 tuổi, khi thấy tóc dài ông đi cắt thì bị bệnh nặng, nằm bệt mấy ngày đêm mà bác sĩ khám không biết bệnh gì.
Sau dần rồi người khỏe lại, khi tóc cũng dài ra. Từ ấy, không chỉ cắt mà hễ cứ đụng vào mái tóc, như gội đầu, chạm nước là người bị bệnh.
Ông Tám Nhơn với mái tóc kỳ dị. |
“Thế nên, tôi phải may một chiếc túi vải để buộc mái tóc lại trên đỉnh đầu. Khi trời mưa hay đi tắm, đều cố gắng làm sao để nước không chạm đầu là người khỏe mạnh.
Dần dà cũng quen, nhiều năm sau mình cũng không bao giờ chạm vào mái tóc nữa. Cứ để chúng dài ra một cách tự nhiên. Mà kỳ lạ là tóc cứ bện tết vào nhau từng sợi chặt như dây thừng vậy chứ không có tác động bên ngoài gì.
Hơn nữa, mái tóc cũng là “chỉ số” sức khỏe của con người mình. Nếu lâu lâu thấy có vài sợi tóc bị rụng, là biết ngay sắp bị đau bệnh vài ngày. Còn tóc khỏe mạnh, bền chặt là người cũng khỏe mạnh theo”, ông Tám Nhơn tâm sự.
Khi được hỏi với mái tóc dài mấy mét và nặng hơn 3 ký lô đó trên đỉnh đầu bao năm qua, ông có gặp khó khăn bất tiện gì trong đời sống thường nhật không thì ông chỉ cười bảo, mọi sinh hoạt với ông đều bình thường.
Thậm chí, dù hơn 70 năm không cắt tỉa, gội đầu nhưng không hề có chấy rận hay những sinh vật nhỏ sống ký sinh trên tóc.
Theo ông Tám Nhơn, không chỉ có một mình ông có mái tóc kỳ lạ như vậy mà nhiều thành viên khác trong gia đình ông cũng có mái tóc như thế.
“Nhà tôi có 3 anh em, ngoài tôi là anh ba (thứ 2) thì anh hai (anh cả) và cậu út cũng có mái tóc dài bện chặt như vậy. Năm rồi, anh hai trước khi mất ít tháng thì tóc cứ rụng dần, từng sợi rồi từng chùm nên gia đình biết là điềm xấu. Khi tóc rụng hết thì anh cũng ra đi. Lúc đó anh tròn 90 tuổi. Bây giờ, ngoài tôi thì tóc của cậu út (90 tuổi) cũng khá dài, tới gần một mét”.
Ông Tám Nhơn vẫn đọc sách ngày ngày.. |
Được biết, trong số mấy người con của ông Tám Nhơn thì có hai người cũng có mái tóc dài quấn lại như ông. Đó là người con gái thứ hai và người con trai thứ tư.
Mặc dù vậy, hầu hết người trong gia đình ông đều cảm thấy thoải mái, dễ chịu và không bị vướng víu gì khi có mái tóc như vậy. Tất cả đều được bó lại trong chiếc túi vải đội trên đầu nên nếu không bỏ túi ra, người lạ khó mà biết được.
Theo nhiều người dân trong vùng, ông Tám Nhơn là người địa phương, từ lâu do có mái tóc rất đặc biệt nên được mọi người chú ý và xem ông như dị nhân.
Trong sinh hoạt bình thường, ông cũng không có gì đặc biệt ngoài mái tóc. Hồi còn trẻ ông cũng làm vườn, đánh bắt thủy sản sinh sống như nhiều gia đình nông dân khác. Nếu bỏ chiếc mũ vải trên đầu ra thì mái tóc ông buông dài kéo xuống đất. Nhìn xa như một con rồng vẫn vũ trên đỉnh đầu vậy.
Tuy nhiên, nếu chỉ để tóc dài thì cũng không quá đặc biệt mà tóc ông Tám Nhơn tự bện tết vào nhau bồng bềnh. Hơn nữa, nếu cắt đi, dù chỉ chút ít thì ngay lập tức cơ thể sẽ phản ứng lại, bị đau ốm ngay. Đó chính là lý do khiến mái tóc của ông mãi “đi cùng năm tháng”.
Ý kiến trái chiều
Trong khi đó, theo ông Lê Văn Vân - nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Hòa, cũng là hàng xóm sinh sống cạnh gia đình ông Tám Nhơn, thì gia đình ông theo đạo Tứ ân hiếu nghĩa, với truyền thống thờ cha mẹ, tổ tiên.
Người theo đạo này đều ăn chay trường, và quan niệm da thịt, râu tóc là do cha mẹ ban cho nên không được cắt bỏ đi, sẽ là bất hiếu. Tuy nhiên, việc cắt tóc, gội đầu mà bị bệnh, bị đau ốm như ông Tám Nhơn kể là điều hiếm thấy.
Những người anh em hay các con của ông Tám Nhơn đều có thói quen không cắt tóc nhưng họ vẫn gội đầu, chăm sóc tóc. Tuy nhiên, không ai bị đau ốm hay bệnh tật khi cắt chút tóc như ông Tám Nhơn cả.
Còn ông Nguyễn Đức Đảm, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Tiền Giang, cho biết ông có nghe chuyện về gia đình ông Tám Nhơn theo đạo Tứ ân hiếu nghĩa. Đây là một tín ngưỡng của người dân và không trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc cũng như ảnh hưởng tới người khác.
Ở miền Tây, không riêng gì Tiền Giang mà nhiều tỉnh thành khác, rất đông người dân cũng theo đạo này. Đó đơn giản là đạo tục, thờ cúng cha mẹ, tổ tiên mà thôi. Riêng về chuyện khi cắt tóc, gội đầu mà xảy ra chuyện đau ốm bệnh tật thì chưa được chính quyền hay bác sĩ nào kiểm chứng, chứng minh cả!
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Ngô Hữu Lộc, chuyên gia nghiên cứu các căn bệnh lạ ở TP Hồ Chí Minh, cho biết nếu quả thực ông Tám Nhơn có mái tóc dị thường và căn bệnh như vậy thì cần nhanh chóng đi khám bác sĩ.
“Theo như lời kể thì có thể đó là người có tâm lý sợ cắt tóc và để lâu ngày, tâm lý này thành bệnh lý nên hễ ai chạm vào mái tóc của mình thì nghĩ và sinh bệnh chứ bình thường, tóc râu hay móng tay... là bộ phận tách biệt với cơ thể. Việc cắt bỏ hay không các phần biểu bì này đều không có ảnh hưởng gì tới sức khỏe cả. Thậm chí ngay cả bệnh lý sợ cắt tóc cũng là lần đầu tôi nghe thấy chứ chưa có gặp bệnh nhân nào như vậy cả”, bác sĩ Lộc chia sẻ.
Được biết, ngoài mái tóc kỳ lạ, hiện nay sinh hoạt của ông Tám Nhơn cũng khá dị thường.
Mỗi ngày, ông chỉ ăn chay đúng 1 bữa duy nhất, vào lúc 12 giờ trưa nhưng cơ thể vẫn khỏe mạnh bình thường. Thậm chí, so với nhiều người nông dân ở tuổi hơn 90, ông còn là người khỏe mạnh, minh mẫn khi vẫn đọc sách, xem báo bình thường.