Đi ngủ thuê

GD&TĐ - Người đi ngủ thuê quan niệm, cũng là thời gian ngủ, mà lại là làm thêm, kiếm được đồng ra đồng vào, lại cũng giúp ích được cho người khác.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bà Hòa vừa đi tới chợ Cổ Ngựa ở làng Nha, thì con mẹ Teo đã xán lại gần, toang toang hỏi:

- Bà ơi, khi nào bà cần thuê người ngủ, thì bà bảo cháu nhá.

- Ta làm gì mà đã phải thuê người ngủ! – Bà Hòa gắt.

- Vâng, bây giờ bà chưa cần, nhưng nhà cháu cứ đặt chỗ trước. – Con mẹ Teo vẫn cố nài.

Bà Hòa ngoảy ra khỏi con mẹ Teo, đi vào chợ, hơi bực mình. Nhưng rồi bà chợt thần người ra, nghĩ, đời người biết thế nào được, hôm nay còn khỏe, đi chợ ngoay ngoảy thế này, ngày mai nhỡ đâu ngã một cái, thế là tèo.

Bà Hòa là giáo viên về hưu, ngoài bảy mươi tuổi, lại sống một mình trong căn nhà rộng, con cái đi làm xa, chồng bà mất lâu rồi.

Nếu có mệnh hệ gì mà bà phải nằm bệt, thì phương án thuê người ngủ là tất nhiên rồi, còn phải suy tính gì nữa. Các con bà dẫu có thương yêu bà cỡ mấy, thì cũng chỉ trông nom bà dăm bữa rồi chúng nó lại phải lên thành phố làm ăn.

Dịch vụ ngủ thuê ở các làng quê cận thị như làng Thanh, hay làng Nha (Hưng Yên) này đã phát triển vài năm nay. Lý do là vì lớp thanh niên, trung niên đang tuổi lao động thì đã đi xuất khẩu lao động, hoặc lên thành phố làm việc, nên ở lại làng chỉ còn các ông bà già.

Thêm nữa, một số ông bà già khi xưa sống ở thành phố, lúc về nghỉ hưu cũng xây nhà dựng cửa ở vùng quê này để hưởng cuộc sống thanh bình thôn dã. Không sống cùng con cháu, nên khi ốm đau nặng, ban đêm cần người trông nom nâng giấc, thì con cái hoặc chính các ông bà già phải bỏ tiền ra thuê người ngủ.

Ban đêm, các cụ cần uống nước, đi tiểu, hoặc đau người cần có người xoa bóp, thì việc đó dành cho người đi ngủ thuê. Người ngủ thuê cần tỉnh ngủ để khi các cụ trở mình là phải hỏi han, xem có cần giúp đỡ gì không?

Cũng có cụ già ở chung với con cháu nhưng chúng chỉ trông nom cụ ban ngày, ban đêm phải ngủ để lấy lại sức, cho nên vẫn cần thuê người ngủ.

Mức phí trả cho người ngủ thuê cũng dao động tùy theo từng khu vực, theo giá sinh hoạt khu vực đó, và theo mức độ nặng, nhẹ của người ốm, người nằm liệt giường.

Ví dụ ở làng Thanh và làng Nha, mức giá của người ngủ thuê là 2 - 3 triệu đồng/tháng. Còn ở làng Đình Dù, cách làng Thanh 7km, có giá sinh hoạt cao hơn, thì mức giá của người ngủ thuê cũng tăng lên tới 5 triệu đồng/tháng.

Sau bữa tối, khoảng 19 giờ 30 phút là người ngủ thuê đến nhà chủ, làm một số việc lặt vặt như giúp người nằm liệt giường vệ sinh cá nhân, uống thuốc, xoa bóp, sau đó cho người ấy đi ngủ và mình thì nằm giường, võng, hoặc ghế gấp bên cạnh. Người ngủ thuê cần thính ngủ để biết được nhất cử nhất động của người bệnh.

Buổi sáng, tùy theo yêu cầu của gia chủ mà người ngủ thuê có cho người bệnh ăn hay chỉ rửa mặt mũi, dìu đi vào nhà vệ sinh, rồi bàn giao lại người bệnh cho người nhà họ và đi về, thường vào lúc 7 giờ sáng. Sau đó, người đi ngủ thuê lại có thể đến nhà máy, công trường, cửa hàng… làm việc ban ngày của họ.

Người đi ngủ thuê quan niệm, cũng là thời gian ngủ, mà lại là làm thêm, kiếm được đồng ra đồng vào, lại cũng giúp ích được cho người khác. Điều quan trọng là người ngủ thuê cần có sức khỏe, bởi giấc ngủ của họ thường chập chờn, không sâu, do luôn canh cánh lo lắng cho người bệnh.

Và họ tạo nên một nghề mới cho xã hội ở Việt Nam, nghề đi ngủ thuê.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ