Nhà văn Di Li
Chiều 18/1, tọa đàm “Văn học trinh thám Việt Nam và Tiếu thuyết trinh thám của nhà văn Di Li” do Công ty sách Bách Việt tổ chức đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp (L’éspace) nhân dịp ra mắt cuốn tiểu thuyết trinh thám mới của nhà văn Di Li “Câu lạc bộ số 7” và tái bản lần thứ tư tiểu thuyết trinh thám “Trại hoa đỏ”
Với cuốn tiểu thuyết “Câu lạc bộ số 7” dày 540 trang, như thường lệ, Di Li thách đố độc giả đi tìm lời giải “Ai là thủ phạm?”. Tác phẩm mở ra bằng cái chết của bảy cô gái xinh đẹp. Họ bị hại trong một vụ giết người cướp của, bị tai nạn giao thông, ngã xuống vực sâu... Các vụ án xảy ra tại địa điểm, thời gian, tình huống khác nhau khiến không ai nghĩ về mối liên hệ giữa chúng.
Cảnh sát điều tra dần tiếp cận với một hội kín gồm những thành viên tự xưng theo tên của người nổi tiếng như Đức Phật, Chúa Jesus, Isaac Newton, Chopin, Immanuel Kant... Thực chất đây là một giáo phái của những người không bị hấp dẫn về mặt tình dục. Họ không cần đàn ông cũng chẳng cần đàn bà mà hạnh phúc với sự đơn độc của mình…
Trong buổi tọa đàm, nhà văn Di Li và các nhà chuyên môn như Nguyễn Quang Thiều, Võ Thị Xuân Hà, Văn Giá, Quốc Trọng, Phạm Xuân Nguyên đã trao đổi về vai trò của trinh thám đối với văn học, cũng như tập trung vào tính hiện đại trong nội dung, đề tài và văn phong trong tiểu thuyết trinh thám của nhà văn Di Li.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng “Di Li có một phẩm chất vô cùng quan trọng trong sáng tạo thể loại trinh thám, đó là sự kiên nhẫn hay khả năng mai phục. Kiên nhẫn gieo những chi tiết quan trọng một cách tưởng vô tình và rải rác trong từng trang sách nhưng với một ý đồ rõ ràng và thông minh”.
Đạo diễn Quốc Trọng bình luận: “Câu chuyện khiến người đọc bị cuốn theo một cách mê mụ bởi các chi tiết và tình huống. Chính sự đan cài khéo léo các tình tiết tưởng chừng như vô nghĩa đã khiến độc giả luôn bị nhầm lẫn trong việc đoán định câu chuyện. Căng thẳng. Hồi hộp. Trộn lẫn không khí đôi phần ma mị dường như vẫn là phong cách mang đậm chất Di Li trong Câu lạc bộ số 7”.