Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, bệnh nhân là anh L.A.T. (21 tuổi, trú tại huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) đến bệnh viện khám trong tình trạng đau tức ngực.
Các kết quả xét nghiệm và chụp CT-Scanner phát hiện bệnh nhân có một khối u tương đối lớn nằm ở trung thất giữa, bên trong rốn phổi, xen giữa các mạch máu rốn phổi và phế quản, có kích thước 2.5x2.0 cm.
Điều đặc biệt ở bệnh nhân này là khối u nằm ở trung thất giữa hay còn gọi là u Castleman (Castleman Disease – CD) hiếm gặp, rất dễ bị nhầm lẫn với u lympho.
Bên cạnh đó khối u tăng sinh mạch rất nhiều, dính vào các mạch máu lớn, dính vào tĩnh mạch chủ trên và các mạch máu ở vùng rốn phải.
Vì vậy, quá trình phẫu thuật cho bệnh nhân phải hết sức cẩn thận, tỉ mỉ mới bóc tách được được khối u ra khỏi các mạch máu lớn. Nếu phẫu thuật viên có một chút bất cẩn sẽ làm rách các tĩnh mạch chủ trên và rách mạch máu vùng rốn gây chảy máu ồ ạt, bệnh nhân có thể tử vong ngay trên bàn mổ.
Bằng kỹ thuật phẫu thuật nội soi, sau 2 giờ đồng hồ ê kíp phẫu thuật do ThS. BS Nguyễn Tô Hoàng – Phó trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực làm Trưởng kíp đã cắt bỏ hoàn toàn khối u thành công.
Đây là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn trong điều trị u trung thất đã được các Bệnh viện tuyến Trung ương ưu tiên chọn lựa.
Hình ảnh khối u sau khi được phẫu thuật. Ảnh: BV. |
Khi tiến hành kỹ thuật này, người bệnh sẽ ít đau sau phẫu thuật hơn, thời gian nằm viện ngắn hơn, phục hồi nhanh hơn và sớm trở lại sinh hoạt thường ngày. Đặc biệt, sẹo mổ nội soi khá nhỏ nên tính thẩm mỹ cao hơn nhiều so với phương pháp truyền thống.
Sau 3 ngày phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân tiến triển rất tốt, các chỉ số sinh tồn trong giới hạn bình thường. Bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực.
ThS. BS Nguyễn Tô Hoàng chia sẻ, khối u trung thất chủ yếu được tạo ra từ các tế bào mầm hoặc tế bào tăng sinh trưởng trong mô tuyến ức, mô thần kinh, mô bạch huyết có thể là lành tính hoặc ác tính, nhưng chủ yếu là lành tính, giai đoạn sớm bệnh nhân gần như không có triệu chứng.
Người dân lưu ý nên đi khám sức khỏe định kỳ (kể cả người trẻ tuổi) để phát hiện sớm các bệnh lý đặc biệt là u trong lồng ngực, thường có diễn tiến âm thầm, để được phát hiện và xử trí kịp thời.
Nếu không được phát hiện, phẫu thuật loại bỏ kịp thời, khối u càng lớn sẽ đè vào mạch máu, xâm lấn vào những cơ quan lân cận, chèn ép vào tim, phổi... quá trình can thiệp sẽ khó khăn và có thể gây tử vong.