Đau nửa đầu hay bệnh Migraine

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mỗi người có một cái... đầu. Và đau đầu hay nhức đầu là một biểu hiện bệnh lý khá phổ biến. 

Đau nửa đầu hay bệnh Migraine

Trên thế gian này, hình như không ai mà không trải qua nhiều lần bị đau đầu. Với nhiều người thì đau cả cái đầu, nhưng với một số người thì chỉ đau một phần đầu hay nói khác là đau nửa đầu. Đau nửa đau là một bệnh lý riêng của não bộ mà các nhà chuyên môn quen gọi là Migraine.

Bệnh Migraine hay đau nửa đầu, còn được gọi là bệnh đau đầu vận mạch có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nhưng độ tuổi tập trung nhiều nhất là ở người trưởng thành. Tỉ lệ mắc bệnh đau nửa đầu có sự thay đổi theo giới và độ tuổi.

Nhìn chung, theo sự ước tính của các chuyên gia, bệnh đau nửa đầu làm “bất ổn” khoảng 12 - 28% dân số toàn cầu ở bất cứ một giai đoạn nào đó. Bệnh xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau, từ một đến nhiều cơn đau hành hạ trong năm.

Tỉ lệ mắc bệnh ở người trưởng thành, nam giới là 6 - 15%, nữ giới là 14 - 35% và ở trẻ dưới 12 tuổi là 4 - 5%. Ở tuổi dưới 12, bệnh đau nửa đầu không có sự khác biệt nhiều giữa các teen nam và teen nữ.

Tuy nhiên, sau tuổi dậy thì các teen nữ có khuynh hướng gia tăng số mới mắc “vượt qua” các teen nam. Sự “ưu thế” bất đắc dĩ này tiếp tục cho đến tuổi trưởng thành. Như vậy, bệnh đau nửa đầu cỏ vẻ là bệnh thiên về phái yếu hơn là phái mạnh!

1. Nguồn gốc tên gọi và lịch sử Migraine

Bệnh đau nửa đầu, thường được các nhà chuyên môn gọi là nhức đầu Migraine hay nói gọn là Migraine. Đây là từ tiếng Anh vay mượn của tiếng Pháp cổ (chữ Migrim - bắt nguồn từ tiếng Latin nghĩa là “sọ” và một nửa ).

Theo các ghi chép trong Y văn, Thủy tổ nền Y học thế giới là Hippocrates cũng đã từng mô tả các yếu tố liên quan đến bệnh đau nửa đầu vào năm 400 trước Công nguyên.

Nhưng, từ thế kỷ thứ 2, một thầy thuốc Hy Lạp cổ đại là Aretaeus được xem như là người “phát hiện” ra bệnh đau nửa đầu, với những mô tả chi tiết về biểu hiện đau một bên đầu, kèm theo sự nôn mửa, xen kẽ với những giai đoạn “nghĩ” giữa các cơn đau dữ dội.

Thời thượng cổ, nhiều phương pháp “rất lạ” đã được đề xuất thực hiện để chữa bệnh đau nửa đầu như đặt một miếng kim loại nóng lên đầu, đặt một miếng tỏi vào vết cắt ở vùng thái dương và thậm chí là một lỗ khoan trên hộp sọ….

2. Nguyên nhân và biểu hiện Migraine

Về bản chất, bệnh đau nửa đầu xảy ra do hiện tượng rối loạn vận mạch não. Cho đến nay nguyên nhân thực sự nào gây ra sự rối loạn đó vẫn còn hoàn toàn nằm trong vòng bí ẩn. Migraine gặp chủ yếu ở giới nữ.

Bệnh cũng có liên quan đến yếu tố di truyền, do thấy có khuynh hướng xảy ra mang tính gia đình - nghĩa là nhiều người trong cùng một gia đình hay dòng họ cùng mắc bệnh này.

Gần đây các nhà chuyên môn thấy bệnh Migraine có liên quan đến một chất hóa học có tên là Serotonin. Đây là chất đảm nhận vai trò dẫn truyền thần kinh. Nhiều nghiên cứu cùng đi đến kết luận, khi Serotonin trong máu thấp thì khả năng đáp ứng của cơ thể đối với tác nhân kích thích kém. Do vậy gây ra sự rối loạn vận mạch trong não bộ và biểu hiện bằng những cơn đau nửa đầu.

Bệnh có thể được báo trước bằng sự mệt mỏi, trầm cảm hay rối loạn thị giác, có thể nôn hoặc buồn nôn. Đau có thể ảnh hưởng cả đầu nhưng nổi trội vẫn là một nửa đầu bị đau. Cơn đau điển hình được mô tả là giần giật, cảm giác như có “mạch đập trong đầu”. Do đó nhức đầu Migraine còn được gọi là bệnh đau đầu vận mạch.

Người mắc Migraine thường xảy ra các cơn đau về buổi sáng. Cường độ cơn đau gia tăng dần sau 1 giờ. Cơn đau thường diễn ra trong vài giờ, hiếm khi kéo dài cả ngày. Và cơn đau sẽ tái xuất hiện sau đó vài ngày hoặc vài tuần. Việc dùng thuốc kịp thời và thích hợp sớm giúp cho người bệnh nhanh chóng thoát ra khỏi sự hành hạ của những cơn đau, mà nhiều khi được mô tả là rất khủng khiếp.

Các bệnh lý ở các cơ quan như tai, mũi, họng cũng gây nhức nửa đầu cần được thăm khám chuyên khoa một cách kỹ lưỡng để phân biệt với nhức đầu do rối loạn vận mạch gây ra.

Sự chẩn đoán phân biệt này rất là quan trọng vì cách thức điều trị các bệnh lý ở khu vực tai mũi họng và Migraine hoàn toàn khác nhau. Việc khám chuyên khoa Tai - Mũi - Họng và chụp film các xoang là điều cần thiết để chẩn đoán bệnh Migraine.

3. Hướng điều trị nhức đầu Migraine

Cho đến ngày nay, do chưa tìm ra được nguyên nhân cụ thể gây bệnh nên việc điều trị chỉ nhằm giúp người bệnh thoát khỏi những cơn đau mà thôi. Bên cạnh các thuốc giảm đau thông thường có thể mua được ở tất cả các nhà thuốc như Aspirine, Paracetamol, Ibuprofene…

Các thuốc tác dụng lên hệ thống mạch máu não qua cơ chế co mạch có gốc Ergotamine như Ikaran, Tamik, Seglor... được chú trọng để “khống chế” cơn đau một cách có hiệu quả hơn. Cần tham vấn bác sĩ để dùng thuốc đúng chỉ định, an toàn và tránh sự lạm dụng

* Lời kết của niềm hy vọng: Có một điều thật may mắn ở nhiều người là vào một ngày đẹp trời không hẹn trước nào đó, bệnh nhức nửa đầu đột nhiên... ra đi không một lời từ biệt trong một thời gian dài, có khi là suốt cả đời, mà ngẩn ngơ không hiểu vì sao mình lại được ưu ái đến như vậy. Bệnh Migraine nghĩ cũng... kỳ cục phải không?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ