Còn duyên
Những năm 80 của thế kỷ trước, giáo dục nước nhà tưởng như “vỡ trận” khi mà đời sống quá khó khăn, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, nhiều giáo viên đã phải ngậm ngùi ra khỏi ngành, hoặc vì giảm biên chế, hoặc vì tự bỏ nghề để tìm kế khác sinh nhai.
Họ nhận chế độ 176, hay còn gọi nôm na là “về một cục” để đến bây giờ “trắng tay” – không có một đồng tiền hưu trí nào, dù là rất “hẻo”, để ghi nhận những năm tháng làm thầy).
Năm 1988, tôi cũng sa cơ như vậy do chính sách giải thể các trường văn hóa trong quân đội. Và cũng hưởng chế độ “thôi việc”, nhận “một cục” là khoảng 5 chỉ vàng thời giá lúc bấy giờ.
Không thể đi buôn, càng không thể đi xuất khẩu lao động ra nước ngoài, tôi đưa con nhỏ vào Nam để học nghề may của cô em họ. Nhưng rồi, nghề ngỗng chưa học được bao năm, chồng tôi nhắn quay ra Hà Nội để xin việc mới ở Báo Người giáo viên nhân dân. Mừng quá, mẹ con lại khăn gói quả mướp lên tàu Thống Nhất.
Tôi được nhận về làm việc ở báo. Báo của ngành giáo dục. Thế là số tôi vẫn được gắn với giáo dục rồi. Còn duyên với nghề, với người rồi. Dù sao thì đó vẫn là một môi trường trong trẻo.
Chân ướt chân ráo, năm 1989, tôi đã được dự lễ Kỷ niệm 30 năm ra số đầu tiên báo Người giáo viên nhân dân – tiền thân của báo Giáo dục và Thời đại bây giờ. Được gặp nhiều thế hệ làm báo, và các cộng tác viên ở địa phương về, tôi thấy rất vui, mặc dù lúc đó tôi mới chỉ làm cái chân loong toong, gọi một cách sang trọng là “người gián tiếp làm báo”.
Cũng đến ngày tôi chuyển sang trực tiếp làm báo: trở thành phóng viên. Thú thật, chỉ đến giai đoạn này, tôi mới được thỏa niềm ao ước của mình khi về báo: đi, đầm mình trong môi trường giáo dục, và viết.
Cuộc đời là những chuyến đi
Tôi bắt đầu nghề viết từ những mẩu chuyện nho nhỏ cho các chuyên mục hàng tuần, từ những “Suy ngẫm” về các vấn đề khác nhau của cuộc sống…Nhưng những chuyến đi công tác địa phương mới thực sự để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, về người, về nghề và về những vùng đất mà tôi đã qua.
Chuyến đi xa nhất đầu tiên của tôi là đến Mù Cang Chải, năm 2000. Đi bằng tàu hỏa, cùng với anh Mô, anh Hạnh, cô Bình…ở Văn phòng Bộ. Từ thị xã Yên Bái lên huyện vùng cao heo hút này thì đi bằng ô tô U-oát của Sở giáo dục.
Nghe anh Cường - Phó giám đốc Sở nói là “có người Yên Bái hẳn hoi mà cả đời không một lần được lên đến Mù Cang Chải”, tôi tự nhủ: thế là mình may mắn rồi. Đêm đầu tiên ở nhà văn hóa huyện, hai chị em tôi mất ngủ vì rệp. Sáng ra mới thấy toàn thân đầy những nốt mẩn đỏ do rệp đốt. Hôm sau xuống đến điểm trường thì quên hết vì bị cuốn vào những câu chuyện của bọn trẻ, của những cô giáo cắm bản.
Cũng trong năm ấy còn có chuyến đi xa thứ hai, lên tận Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang). Nâng lên đặt xuống chén rượu ngô, ăn vài miếng cơm cho “phải phép” với đồng bào, chúng tôi hăm hở đi lên núi cao Lũng Chỉn, nơi đó có một điểm trường.
Dốc ngược, khe núi hẹp, gió hút lồng lộng, giữa trưa nắng, tôi bị một cơn tụt huyết áp đột ngột, ngừng tim. May mà có Ngọc Kỳ ở Thông tấn xã đi cùng, có mang theo thuốc trợ tim và biết cách hồi tim, nên một phút sau thì tôi tỉnh. Hú vía.
Đó là những chuyến đi do cơ quan Bộ tổ chức, thành phần đoàn đa dạng với thành viên từ những cơ quan khác nhau, nhờ đó tôi có thêm các mối quan hệ trong công việc, có được những nhóm phóng viên giáo dục tâm đầu ý hợp với nhau, trong đó phải kể đến những “tổ tam tam” thú vị. Có lần, 3 chị em gồm tôi và 2 em trẻ, đẹp nữa là Bích Ngọc TTX và Thu Thủy VNN rủ nhau đi xe khách lên Vĩnh Phúc.
Chuyến đi nhiều thành công, đến mức sau này, một lãnh đạo Sở thỉnh thoảng lại gọi cho chúng tôi, nhắc: “Tam đại mỹ nhân quên trung du rồi hay sao mà lâu không thấy lên đây công tác?”. Đấy, “đánh đu” với các em nên được gọi là mỹ nhân!
Nhưng không chỉ có thế, “tam lão bà bà” là Kim Dung (Nhân dân), Hải Yến (Đài TNVN) và tôi cũng là một bộ ba ấn tượng trong những chuyến công tác địa phương. Người ta cứ bảo tam nhân bất đồng hành, nhưng với nhà báo, có lẽ không phải vậy.
Còn có chuyến độc hành cũng làm tôi nhớ mãi. Trời rét căm căm, đi gần 50 cây số về Lương Tài (Bắc Ninh) dự hội nghị “Xã hội hóa giáo dục” do huyện tổ chức.
Lãnh đạo huyện rất ngạc nhiên khi thấy một cô phóng viên già lọc cọc cái xe 81 màu su hào vào sân Ủy ban. Rồi một mình lên tàu đêm Hà Nội - Lào Cai, để sáng mai lên dự khai giảng ở Y Tý. Sau cơn lũ quét vừa càn ở Trịnh Tường (Bát Xát), nước lũ vẫn xối xả chảy ngang đường, nhiều khi lái xe phải xác định đường bằng cảm giác, bùn ngập đến ống chân, đi từ sáng sớm mà đúng ngọ mới tới nơi. Lắm lúc thót tim. Vậy mà đến nơi, biết có nhiều thầy cô đi xe đạp từ đêm để kịp đến khai giảng, mới tự thấy ngượng ngùng.
Những chuyến đi như vậy được ghi chép trong sổ, đến nay tôi vẫn còn lưu giữ vài chục cuốn.
Khôn nguôi nỗi nhớ
Chẳng phải tôi muốn trốn tránh những tiêu cực không ít trong giáo dục thị thành, nhưng có lẽ cái số tôi nó như vậy, thân làm tội đời hay sao ấy, chỉ ham đi đến những vùng khó. “Ba cùng” với thầy trò và người dân Tây Bắc, Tây Nguyên đèo cao vực thẳm; Miền Trung chang chang nắng và gió Lào thổi rát mặt; rồi cả Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Sa, Côn Đảo...
Và sau mỗi chuyến đi như vậy, những ám ảnh về đất, về người cứ trăn trở mãi trong tôi, để rồi tự nhủ: Mình có làm tốt bao nhiêu cũng chưa đủ, so với họ.
Chỉ hơn chục năm đi và viết nhưng biết bao gương mặt vẫn còn in đậm trong trí nhớ của tôi. Cùng với những cuốn sổ ghi chép, tôi còn lưu giữ những bức thư của cộng tác viên, của những người tôi đã từng gặp gỡ, trao đổi, trò chuyện trong các chuyến công tác.
Đến tận bây giờ, khi đã nghỉ hưu 4 năm rồi, thỉnh thoảng, vào dịp này dịp kia của nhà giáo, nhà báo, phụ nữ…, chiếc điện thoại cũ kỹ của tôi vẫn tít tít tín hiệu tin nhắn đến từ những miền đất xa xôi ấy. Rồi email chia sẻ buồn vui trong nghề nghiệp hay cuộc sống.
Chỉ thế thôi, xa mặt nhưng chẳng cách lòng, cảm động và hạnh phúc biết bao! Các nữ phóng viên giáo dục của nhiều báo lập nên nhóm FC, thỉnh thoảng gặp gỡ nhau cũng nhớ gọi tôi. Còn hạnh phúc nghề nào hơn thế.
Bây giờ, tài mòn sức mỏi, chẳng còn đi và viết được nữa, nhưng lướt web hàng ngày. Và đã thành nếp, tờ báo điện tử đầu tiên mở ra đương nhiên là “Giáo dục và Thời đại”, trang đầu tiên nhấp chuột, ở báo nào cũng vậy, là trang Giáo dục. Chỉ để tiếp tục buồn vui cùng giáo dục mà thôi.