Đi cắt lá sả, 2 người bị rắn cắn suýt mất mạng

GD&TĐ - Ngày 18/3, BS.CK2 Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, vừa tiếp nhận và điều trị cứu sống 2 bệnh nhân đi hái sả bất ngờ bị rắn chàm quạp cắn trong tình trạng nguy kịch.

Đi cắt lá sả, 2 người bị rắn cắn suýt mất mạng

Theo đó, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh nhân thứ nhất là N.V.T. (nam, 24 tuổi, ngụ huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) được chuyển đến bệnh viện với vết thương sưng tấy và hoại tử bàn tay phải, do rắn chàm quạp cắn. Biến chứng rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu nặng khiến vết thương chảy máu liên tục.

Theo lịch sử bệnh nhân, vào ngày 13/3, khi đi cắt lá sả, anh T. bị rắn cắn vào ngón 3 bàn tay phải. Sau khi bị rắn cắn vào ngón thứ 3 bàn tay phải, bệnh nhân có đi hút nọc rắn, điều trị, nhưng tình trạng vẫn không giảm, đau nhức dữ dội nên nhập viện địa phương cấp cứu. 

Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, anh T. nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ để tiếp tục điều trị.

Thời điểm nhập viện, anh T. trong tình trạng vết thương sưng tấy và hoại tử bàn tay phải do rắn chàm quạp cắn, biến chứng rối loạn đông máu và giảm tiểu cầu nặng khiến vết thương chảy máu liên tục.

Trường hợp bệnh nhân thứ hai Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng vừa tiếp nhận bị rắn chàm quạp cắn là bệnh nhân nữ L.T.B.B. (52 tuổi, cùng ngụ huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang).

Khai thác bệnh sử, được biết bệnh nhân khi đi cắt lá sả thì bị rắn chàm quạp cắn. Sau khi bị rắn cắn thì bệnh nhân B. tự đi bó thuốc, nhưng càng nặng thêm.

Thời điểm nhập viện, chị B. bị hoại tử vùng cẳng bàn tay trái và sưng nề tấy đỏ lan rộng, nổi nhiều bóng nước kèm rối loạn đông máu, xuất huyết dưới da toàn thân.

Ngay sau khi tiếp nhận, cả 2 bệnh nhân được chuyển đến điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và được điều trị tích cực theo phác đồ của bệnh viện.

Các bác sĩ nhanh chóng truyền các chế phẩm máu như khối hồng cầu, khối tiểu cầu và huyết tương tươi đông lạnh điều trị rối loạn đông máu của nọc rắn chàm quạp cho cả hai bệnh nhân.

Cùng với đó, bệnh viện được sự hỗ trợ từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) trong việc cung cấp sinh phẩm huyết thanh kháng nọc rắn chàm quạp để trung hòa nọc rắn cho bệnh nhân.

Quá trình điều trị, bệnh nhân nữ L.T.B.B. bệnh tiến triển nặng, sốc nhiễm trùng, viêm mô tế bào cẳng tay trái do vết thương rắn chàm quạp cắn biến chứng rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu nặng, xuất huyết tiêu hóa.

Nữ bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê, nôn ra máu tươi, huyết áp thấp, suy hô hấp nặng cần phải đặt ống thở và gắn máy trợ thở. Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã ngưng được máy thở, rút được ống thở, tỉnh táo, tiếp xúc tốt.

Thời điểm hiện tại, cả 2 bệnh nhân đều được xử lý cắt lọc, rạch giải áp khoang cẳng bàn tay bên bị rắn cắn; bệnh nhân B. đã ổn định; bệnh nhân T. đang được điều trị rối loạn đông máu và giảm tiểu cầu…

Rắn chàm quạp hay còn gọi rắn lục nưa, là một trong những loài rắn cực độc, độc tố loại rắn này chỉ sau rắn biển.

Loài rắn này là rắn độc rất nguy hiểm thường gây tai nạn ở các nước vùng nhiệt đới Đông Nam Á (như Thái Lan, Myanma, Lào, Campuchia, Việt Nam, Malaysia, Indonesia).

Rắn chàm quạp thường gặp ở vùng trồng nhiều cây cao su, cây điều thuộc Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, khu vực Bảy núi (An Giang)...

Bác sĩ lưu ý, khi bị rắn cắn, người dân cần sơ cứu tại nơi xảy ra tai nạn, mục đích làm chậm hấp thu nọc rắn vào cơ thể, rửa sạch vết thương, băng chặt chi bị cắn với băng vải, băng bắt đầu từ phía trên vết cắn để hạn chế hấp thu độc chất theo đường bạch huyết; đồng thời nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.