Đi buôn vịt trời

GD&TĐ - Mấy ngày qua các trang báo “nóng” lên chuyện dự án của một công ty địa ốc có tên Alibaba tiếp tục bị cưỡng chế, sau khi chính quyền thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu san ủi, trả nguyên hiện trạng 13 hecta đất mà họ đã rao bán cho khách hàng thời gian qua. 

Ảnh internet
Ảnh internet

Lí do rất đơn giản là thủ tục giấy tờ liên quan đến dự án có tên rất kêu là Alibaba Tân Thành Center City1 đã không đúng như quảng cáo! Hàng trăm khách hàng dở khóc, dở mếu khi biết sự thật này. Đi mua đất kiểu đó được người xưa gọi là đi buôn vịt trời.

Nhưng cả nước đâu chỉ có mỗi dự án của Công ty Alibaba ấy là “con vịt trời” mà hầu như địa phương nào cũng có, tuy ở mức độ “nghiêm trọng” khác nhau tùy vào diễn biến của thị trường đất đai tại những nơi đó. Dự án tại sân bay Nha Trang (cũ) là một ví dụ. Đất sân bay thuộc quân đội quản lý, nhưng vì sân bay nằm giữa lòng thành phố, ảnh hưởng đến khách du lịch nên tỉnh Khánh Hòa đề nghị chuyển sân bay quân sự đi nơi khác, dành gần 200 hecta đất ấy cho khu đô thị mới.

Đô thị đâu chả thấy, chỉ thấy một công ty địa ốc tổ chức “hội nghị khách hàng” rầm rộ, rao bán tùm lum trên mạng, cho xe ủi vào san nền, làm đường, phân lô… Dân buôn đất khắp nơi đổ về Nha Trang để mua đất ở “khu đô thị mới, hiện đại không thua gì châu Âu” - như quảng cáo. Ở một vị trí đắc địa là gần biển, sở hữu một lô trong khu “đô thị mới” như thế, ai chả thích. Thế là xúm vào mua, giá đất được đẩy lên từng ngày. Càng sốt bao nhiêu, dân tình lao vào mua bấy nhiêu.

Cho đến khi Thủ tướng chỉ đạo Khánh Hòa cần phải rà soát lại các dự án BT, phải đấu giá đất chứ không thể “chỉ định” như đã làm, đặc biệt là khu sân bay cũ, khách mua đất mới tá hỏa là mình đi buôn vịt trời! Nhiều khách hàng mua đi bán lại, lòng vòng qua nhiều người trên cùng một thửa đất, giờ cũng khó xác định “gốc” của nó nằm ở đâu. Thậm chí có người mua theo sơ đồ, giờ kiểm tra thực địa thì đất chỉ còn nguyên trên… sơ đồ chứ ngoài thực địa thì không thấy.

Thực ra, dân mình cả tin vào những con “vịt trời” như thế là có lí do. Khi đổ bể, chính quyền “vào cuộc”, xử phạt doanh nghiệp đủ kiểu, song nếu không có sự tiếp tay của chính quyền thì không một mét vuông đất nào có thể “lọt lưới” đừng nói gì hàng chục, thậm chí cả trăm hecta đất “vàng” mà doanh nghiệp phân lô bán nền (dù trên giấy).

Những “con vịt trời” ấy có sống được lâu nay chính là nguồn thức ăn do chính quyền nuôi dưỡng. Giờ thì nhiều con vịt đã bay về trời hoặc bay đến một địa chỉ nào đó tiếp tục “bán” cho những người cả tin. Cuối cùng, người thiệt hại trong các phi vụ buôn vịt trời ấy là dân mua đất chứ chủ đầu tư thì họ cũng đã lấy được một số tiền rồi.

Kẻ được lợi nhất trong vụ buôn vịt trời này không ai khác là những người quản lý ở các địa phương tiếp tay cho doanh nghiệp làm bậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.