ĐHQG Hà Nội tuyển sinh theo đánh giá năng lực

GD&TĐ - Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, ông Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết: Bắt đầu từ năm 2014, trường sẽ thí điểm đổi mới tuyển sinh ĐH chính quy theo phương thức đánh giá năng lực.

ĐHQG Hà Nội tuyển sinh theo đánh giá năng lực

ĐHQG Hà Nội tuyển sinh theo đánh giá năng lực ảnh 1Ông Nguyễn Kim Sơn
- Ông có thể cho biết cụ thể những nội dung ĐHQG Hà Nội sẽ thí điểm đổi mới trong tuyển sinh ĐH chính quy từ năm 2014?

- Năm 2014, ĐHQG Hà Nội sẽ tiến hành đổi mới tuyển sinh theo một chiến lược riêng của ĐHQG.  Cụ thể hóa cho việc này, mới đây, ĐHQG Hà Nội đã có thông báo số 196/TB-ĐHQGHN.

Theo đó, năm 2014, ĐHQGHN vẫn tổ chức thi 3 chung theo quy định của Bộ GD&ĐT. Thí sinh trúng tuyển sau khi đã nhập học vào các ngành đào tạo của ĐHQGHN sẽ được tham dự kỳ thi đánh giá năng lực chung để chọn vào học các chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng, tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế.

Cụ thể, với các chương trình này, thí sinh sẽ tham dự bài thi đánh giá năng lực chung và xét hồ sơ. Hồ sơ xét dựa trên kết quả học tập, rèn luyện bậc trung học phổ thông, kết quả kỳ thi tuyển sinh theo 3 chung của Bộ GD&ĐT.

Riêng chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế sẽ có thêm bài thi ngoại ngữ.

Tùy thuộc vào điều kiện và yêu cầu của chương trình đào tạo, các đơn vị đào tạo có thể quy định thêm việc kiểm tra ngoại ngữ đối với thí sinh dự thi vào chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng, tiên tiến.

Chỉ tiêu ĐHQG Hà Nội vẫn giữ tương đối ổn định, vào khoảng 5.700 chỉ tiêu ĐH.

- Vấn đề đáng chú ý  nhất trong đổi mới tuyển sinh của ĐHQG như trình bày ở trên là gì?

- Tôi cho rằng, nếu vẫn theo hình thức kiểm tra kiến thức bằng 3 môn thi thì  đó chưa phải cách đánh giá toàn diện.

Vậy ĐHQH Hà Nội mới chuyển từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực toàn diện. Trong đó hướng đến đo các năng lực phẩm chất cốt lõi, bao gồm cả năng lực về tư duy, tư duy logic, tư duy phán đoán và các kỹ năng, phẩm chất khác; tổng hợp cả khoa học tự nhiên, xã hội nhân văn, tính toán cho đến các năng lực ứng xử xã hội, hiểu biết xã hội... Tất cả thể hiện trong một bài đánh giá năng lực.

Bên cạnh đó, kết hợp với những đánh giá về hồ sơ; theo đặc thù có thể kèm thêm một yêu cầu chuyên biệt nữa.

Ví dụ, khối về tự nhiên công nghệ có thêm yêu cầu tính toán; khối ngoại ngữ có thể thêm yêu cầu đánh giá năng lực ngoại ngữ, hoặc bằng thi hoặc bằng các chứng chỉ ngoại ngữ bổ sung; khối năng khiếu hay khối xã hội nhân văn có thể thêm bài luận hoặc một nội dung gì đó kết hợp với phỏng vấn...

Cách làm này, khối ĐH sẽ triển khai thí điểm từ năm 2014. Tuy nhiên, với tuyển sinh sau ĐH, ĐHQG đã áp dụng tuyển sinh đánh giá năng lực từ 3 năm nay cho một số ngành và sang năm sẽ mở rộng sang một số ngành khác.

- Có thể hình dung về bộ câu hỏi đánh giá năng lực này như thế nào, nó có phải là thi trắc nghiệm không, thưa ông?

- Không phải như vậy. Đây là bộ test chuẩn, bộ đánh giá tổng hợp. Có dựa thêm vào các khoa học về đánh giá năng lực, phân nhóm các loại năng lực và các phương pháp làm thế nào để đánh giá được các năng lực đó.

Bộ test này chúng tôi đã chuẩn bị nhiều năm nay, trong đó có tham khảo kinh nghiệm các chuyên gia trong và ngoài nước.

Hiện chúng được xây dựng để phục vụ tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội, nhưng tương lai có thể là một thang đánh giá chung. Chúng tôi sẽ lập đơn vị khảo thí rải rác các tình, thành phố. Thí sinh có nhu cầu sẽ tham gia và mang chứng chỉ đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội đến xét tuyển vào các trường khác nếu những trường này chấp nhận.

- Thưa ông, dự kiến khi nào ĐHQG Hà Nội sẽ tách hẳn khỏi “3 chung”?

- Sau kết quả của năm 2014, ĐHQG Hà Nội sẽ mở rộng dần và dần dần không tham gia “3 chung” nữa. Tuy nhiên, điều này cũng cần có thời gian, lộ trình nhất định để chuẩn bị cho chu đáo, cũng để không gây quá nhiều xáo trộn, bất ngờ cho nguời học.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ