ĐH Y Tokyo có nữ Hiệu trưởng đầu tiên sau bê bối hạ điểm “rúng động” nước Nhật

Sau bê bối hạ điểm thi đầu vào trong nhiều năm liền để đánh trượt nữ sinh gây "rúng động" nước Nhật, ĐH Y Tokyo mới đây đã bầu nữ hiệu trưởng mới - GS Yukiko Hayashi.

ĐH Y Tokyo có nữ Hiệu trưởng đầu tiên sau bê bối hạ điểm “rúng động” nước Nhật

Theo kênh NHK đưa tin hôm 25/9, vừa đây các thành viên hội đồng quản trị của ĐH Y Tokyo đã bầu chọn nữ Giáo sư Yukiko Hayashi làm Hiệu trưởng của trường.

Bà Hayashi sẽ chính thức đảm nhiệm chức vụ vào ngày 1/10, trở thành nữ hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường hơn 100 năm tuổi.

Tờ Japan Times cho hay, bà Hayashi, 56 tuổi, là một cựu sinh viên của trường, đã dạy tại trường đại học từ tháng 8/2013 với tư cách là một giáo sư cấp cao và là phó giám đốc trung tâm chẩn đoán di truyền của bệnh viện đại học kể từ tháng 2/2016.

Trước đó, vào hồi tháng 7, chủ tịch và cựu hiệu trưởng của trường đã bị truy tố về tội tham nhũng khi chấp nhận con trai của một quan chức Bộ Giáo dục theo học tại trường một cách bất hợp pháp để đổi lấy chương trình trợ cấp của Chính phủ cùng gian lận sửa điểm trong nhiều năm liền.

GS Yukiko Hayashi, tân hiệu trưởng ĐH Y Tokyo. Ảnh: (Japan Times)
GS Yukiko Hayashi, tân hiệu trưởng ĐH Y Tokyo. Ảnh: (Japan Times)

Lãnh đạo của Đại học Y Tokyo đã cúi đầu xin lỗi trong cuộc họp báo ngày 7/8 thừa nhận sửa điểm thi đầu vào của các thí sinh nữ nhằm giảm tỷ lệ nữ sinh nhập học.

Kết quả điều tra bởi các luật sư cho thấy Đại học Y Tokyo đã sửa tất cả kết quả các bài thi đầu vào bắt đầu từ năm 2000 hoặc thậm chí có thể sớm hơn nữa.

Các báo cáo cho thấy nhà trường đã hạ kết quả vòng thi đầu tiên của tất cả các thí sinh 20%, sau đó cộng thêm tới 20 điểm cho bài thi của các thí sinh nam vào năm ngoái. Quá trình tương tự đã xảy ra trong nhiều năm nhằm đảm bảo chỉ có dưới 30% nữ sinh trên tổng số thí sinh trúng tuyển.

Đại diện nhà trường cho hay, họ phải làm như vậy do lo ngại các thí sinh nữ sau khi tốt nghiệp sẽ không lựa chọn hoặc rút ngắn thời gian làm việc trong ngành y để sinh nở và chăm sóc con cái.

Ông Tetsuo Yukioka (trái), giám đốc điều hành Đại học Y Tokyo và ông Keisuke Miyazawa, quyền chủ tịch Đại học Y Tokyo, cúi đầu tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 7/8 (Ảnh: Japan Times).
Ông Tetsuo Yukioka (trái), giám đốc điều hành Đại học Y Tokyo và ông Keisuke Miyazawa, quyền chủ tịch Đại học Y Tokyo, cúi đầu tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 7/8.

Tân Hiệu trưởng mới của ĐH Y Tokyo nhìn nhận rằng, vụ việc bê bối là sai phạm nghiêm trọng gây mất lòng tin của xã hội vào nhà trường. Bà Yukiko Hayashi cho biết sẽ nỗ lực trong cương vị mới để tạo ra một tổ chức tôn trọng cá nhân để họ có thể thể hiện phát huy tất cả năng lực, sự sáng tạo của mình trong đào tạo giảng dạy nhằm khôi phục uy tín cho ngôi trường danh tiếng.

Liên quan đến diễn biến sự việc, ngay sau khi lãnh đạo ĐH Y Tokyo cúi đầu xin lỗi, thừa nhận thay đổi kết quả đầu vào để giảm tỷ lệ ứng viên nữ trúng tuyển, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã tiến hành một cuộc thăm dò chưa từng có tiền lệ về phân biệt đối xử giới tính ở tất cả trường đại học Y trên toàn quốc.

Trong bảng câu hỏi được gửi đến 81 trường đại học, Bộ Giáo dục nước này yêu cầu các trường báo cáo tỷ lệ trúng tuyển cho kỳ thi tuyển sinh trong 6 năm qua. Câu trả lời cho bản khảo sát phải được gửi trước ngày 24/8, với kết quả cuộc thăm dò dự kiến sẽ được công bố vào tháng 10 này.

Các trường phải cung cấp giải thích nếu có sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ trúng tuyển giữa nam và nữ hoặc các nhóm tuổi khác nhau. Nếu các giải thích không hợp lý, Bộ Giáo dục có thể chất vấn thêm hoặc tiến hành kiểm tra trực tiếp.

Bộ cũng sẽ yêu cầu các trường làm rõ các tiêu chí đánh trượt và tiết lộ điểm số cho những người nộp đơn không thành công cũng như các quyết định nhập học có được thực hiện mà không có thông tin về tên và giới tính của thí sinh.

Năm 2017, Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp Nhật Bản đứng thứ 114 trong số 144 quốc gia về bình đẳng giới. Trong số các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), Nhật Bản có tỷ lệ nữ bác sĩ thấp nhất với 20,4% (thống kê năm 2015).

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...