Trao đổi với GD&ĐT, ông Trần Đình Khôi Quốc – Trưởng ban Đào tạo, ĐH Đà Nẵng cho biết: “ĐH Đà Nẵng đã họp với lãnh đạo các trường ĐH thành viên. Tinh thần chung là ĐH Đà Nẵng rất chia sẻ khó khăn chung của ngành GD&ĐT. Để thích ứng với tình hình mới và để tránh cho thí sinh nhiều xáo trộn lớn, ĐH Đà Nẵng không tổ chức kỳ thi riêng mà sẽ giữ ổn định 4 phương thức xét tuyển như đã công bố trước đây. Tuy nhiên, sẽ có một số điều chỉnh cho phù hợp”.
Cụ thể:
Đối với phương thức tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và theo Đề án tuyển sinh của các trường ĐH thành viên, các trường ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng sẽ nghiên cứu để mở rộng số lượng chỉ tiêu xét tuyển thẳng.
Với phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Đà Nẵng phối hợp với ĐHQG TPHCM sẽ vẫn duy trì như đã công bố.
Với phương thức xét tuyển theo kết quả học bạ THTP, sẽ có sự điều chỉnh so với Đề án tuyển sinh mà các trường đã công bố trước đó. Cụ thể, ĐH Đà Nẵng sẽ sử dụng kết quả của 5 học kỳ gồm lớp 10, lớp 11 và HKI lớp 12. Trường nào đã công bố phương án tuyển sinh xét tuyển tổ hợp môn dựa theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia thì sẽ chuyển sang xét tuyển theo học bạ các môn có trong tổ hợp. Ví dụ, trong đề án tuyển sinh trước đây, nếu xét tuyển theo tổ hợp môn Toán - Lý - Anh thì giờ sẽ xét điểm tổng kết học bạ của ba môn này ở 5 học kỳ.
Với phương thức xét tuyển kết quả theo kỳ thi THTP quốc gia sẽ có 2 hướng: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc kết hợp kết quả giữa kỳ thi THPT với học bạ, vì có một số môn thi tốt nghiệp THPT không có, ví dụ như môn Lý không tách điểm bài thi riêng. Các trường căn cứ tùy theo đặc điểm từng ngành để có thể quyết định lấy điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc kết hợp cả 2.
ĐH Đà Nẵng sẽ điều chỉnh tỉ lệ chỉ tiêu tuyển sinh. Trước đây, các chỉ tiêu tuyển sinh ĐH Đà Nẵng công bố thì phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia chiếm tỉ lệ lớn, từ 60 - 80% - 90% tùy theo từng trường, từng ngành. Giờ sẽ điều chỉnh trọng số tỉ lệ giữa các phương thức này lại. Cùng với việc phân bổ lại tỉ lệ chỉ tiêu tuyển sinh cho các phương thức, các trường, tùy theo đặc điểm của từng ngành, cũng sẽ quyết định sẽ chọn sử dụng bao nhiêu phương thức thức xét tuyển, có thể là 2, có thể 3 hoặc chọn cả 4 phương thức.
Về chi tiết cụ thể đối với phương thức xét tuyển học bạ và phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THTP, do không còn kỳ thi THPT quốc gia nữa nên các trường phải đợi Bộ có điều chỉnh quy chế tuyển sinh thì các trường mới có được. Ví dụ, trước đây, tuyển sinh ngành Sư phạm Toán thì điểm môn Toán sẽ nhân đôi, giờ có nhân đôi hay không thì phải đợi Bộ điều chỉnh quy chế tuyển sinh.
TS Trần Đình Khôi Quốc khẳng định, ĐH Đà Nẵng sẽ sớm công bố phương án tuyển sinh chi tiết của các trường ĐH thành viên để thí sinh chủ động trong lựa chọn.
Về số lượng thí sinh dự tuyển, theo TS Trần Đình Khôi Quốc, ĐH Đà Nẵng dự đoán sẽ không có ảnh hưởng lớn bởi thí sinh đã có quá trình chuẩn bị lâu dài. “Chất lượng đầu vào thì chắc chắn ít nhiều sẽ có ảnh hưởng, nhất là ở phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển học bạ. Kỳ thi THPT quốc gia trước đây là kỳ thi chung, có sự phối hợp, giám sát chặt chẽ giữa phổ thông và đại học, đề thi có sự phân hóa cao; điểm học bạ của các trường khu vực đô thị, nông thôn, miền núi có như nhau hay không cũng khó đánh giá.
Song, chúng ta có quyền kỳ vọng vì đề thi THPT năm nay vẫn sẽ là căn cứ để xét tuyển. Tuy nhiên, chúng tôi đã các định năm nay là một năm “bất thường”, không thể kỳ vọng giống như các năm trước. Ngoài ra, các trường cũng sẽ tăng tỉ lệ chỉ tiêu tuyển sinh sang xét tuyển học bạ, với 5 học kỳ là một quá trình nỗ lực lâu dài của học sinh, có thể tin tưởng được” – ông Trần Đình Khôi Quốc bày tỏ.
TS Trần Đình Khôi Quốc: “Dù ĐH Đà Nẵng có số lượng thí sinh đăng ký dự thi đông và có đủ năng lực để tổ chức một kỳ thi riêng, nhưng ĐH Đà Nẵng quyết định không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển. Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid – 19 tại Việt Nam đã có dấu hiệu khả quan nhưng tình hình thế giới còn khá phức tạp, chưa biết đến khi nào mới chấm dứt. Nếu một lượng lớn thí sinh, như năm 2019 là hơn 100.000 nguyện vọng, tập trung về Đà Nẵng để dự thi thì sẽ gây áp lực lên xã hội. Thí sinh năm nay có kỳ nghỉ khá dài, phải học trực tuyến, học qua truyền hình nên nếu tổ chức thêm một kỳ thi nữa thì sẽ gâp áp lực lớn cho thí sinh.