ĐH Đà Nẵng sẽ đảm bảo quyền lợi những thí sinh bị thất lạc hồ sơ

GD&TĐ - Ngay sau khi ĐH Đà Nẵng công bố danh sách thí sinh trúng tuyển vào các trường thành viên, nhiều thí sinh đã “tá hỏa” khi biết mình không có tên trong danh sách dù đã nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển và đủ điểm trúng tuyển.

ĐH Đà Nẵng sẽ đảm bảo quyền lợi những thí sinh bị thất lạc hồ sơ

Từ Quảng Trị, thí sinh Nguyễn Đ.L vào làm thủ tục nhập học mới biết mình không có trong danh sách trúng tuyển của trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng). Nguyễn Đ.L cho biết, với tổng điểm số 3 môn thi là 20,85 điểm, làm tròn được 21 điểm.

Hồ sơ đăng ký xét tuyển được gửi qua đường bưu điện vào ngày 6/8, một trong các nguyện vọng của Nguyễn Đ.L là vào ngành Kỹ thuật xây dựng giao thông, điểm trúng tuyển vào ngành là 20,5 điểm.

Tuy nhiên, tại ĐH Đà Nẵng không tìm thấy hồ sơ của Nguyễn Đ.L. Trong khi đó, phía bưu điện xác nhận đã chuyển hồ sơ đến ĐH Đà Nẵng vào ngày 8/8.

Ngoài trường hợp của thí sinh Nguyễn Đ.L, có một số thí sinh tốt nghiệp THPT nhưng lại đăng ký vào các ngành liên thông, vốn chỉ dành cho thí sinh đã tốt nghiệp trung cấp (liên thông lên cao đẳng) hoặc tốt nghiệp cao đẳng (liên thông lên đại học) từ các trường CĐ Công nghệ, CĐ Công nghệ thông tin thuộc ĐH Đà Nẵng và trường CĐ Kinh tế - kế hoạch Đà Nẵng.

Những trường hợp này, nếu thí sinh gửi hồ sơ qua đường bưu điện, ĐH Đà Nẵng sẽ liên lạc để thí sinh điều chỉnh. Nhưng với những thí sinh đăng ký trực tuyến thì ĐH Đà Nẵng không thể can thiệp được và xem như thí sinh không trúng tuyển trong đợt xét tuyển đợt 1.

Một trường hợp nữa mà một số thí sinh từ đỗ thành trượt là do trong hồ sơ không trùng khớp giữa tên ngành đào tạo và mã ngành. Trong những trường hợp này, theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, ĐH Đà Nẵng sẽ lấy theo tên ngành đào tạo; điều này cũng đã được ĐH Đà Nẵng thông báo trên website.

Chính vì vậy, có trường hợp thí sinh đăng ký vào ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông chất lượng cao của trường ĐH Bách khoa, mã ngành ghi đúng, nhưng tên đào tạo không có cụm từ “chất lượng cao” do nên bộ phận xử lý hồ sơ đã theo đúng nguyên tắc trên để xử lý.

Người nhà thí sinh cho biết, trước khi điền hồ sơ đăng ký xét tuyển đã dựa vào tờ rơi trong Ngày hội tuyển sinh của ĐH Đà Nẵng để lấy mã ngành và tên ngành đào tạo.

Nếu đúng cả mã ngành và ngành đào tạo thì thí sinh này đủ điểm để đỗ, nhưng vì “bị” chuyển qua ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông truyền thống nên thí sinh này bị trượt NV1.

Trong tờ rơi của trường ĐH Bách khoa, các ngành đào tạo chất lượng cao đã được gom vào một nhóm. Tuy nhiên, theo như nhận xét của PGS.TS Đoàn Quang Vinh là cách làm như vậy có sự không rõ ràng, dễ gây hiểu nhầm cho phụ huynh.

Đối với những trường hợp như trên, PGS.TS Đoàn Quang Vinh cho biết, ĐH Đà Nẵng đang lập danh sách, gửi công văn xin Bộ GD&ĐT để xử lý theo hướng đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ