Đẹp thêm từ những việc làm thầm lặng

GD&TĐ - Đại dịch kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần lẫn vật chất của nhà giáo, nhất là giáo viên khối ngoài công lập.

Cán bộ, giáo viên Trường THPT Đức Trọng (Lâm Đồng) tham gia thu gom rau, củ quả ủng hộ Chuyến xe yêu thương.
Cán bộ, giáo viên Trường THPT Đức Trọng (Lâm Đồng) tham gia thu gom rau, củ quả ủng hộ Chuyến xe yêu thương.

Công đoàn, với những hỗ trợ thiết thực và kịp thời, đã trở thành một chỗ dựa tin cậy và vững chắc, giúp thầy cô vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

San sẻ những nhọc nhằn

Cô Hồ Thị Mỹ Phương (quản sinh tại Trường Tiểu học Lê Lai, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) mừng mừng tủi tủi, nghẹn ngào không nói nên lời khi tiếp nhận số tiền ủng hộ từ tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, cha mẹ học sinh và các nhà hảo tâm. Con gái của cô Phương là em Nguyễn Thanh Trúc, học sinh lớp 11 vừa nằm viện 2 tháng do bị ung thư phổi giai đoạn 2.

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Đà Nẵng vào đầu tháng 5/2021, học sinh tạm ngừng đến trường, công việc quản sinh của cô Phương vì vậy bị ảnh hưởng. Chồng của cô Phương mất sức lao động sau vụ tai nạn giao thông cách đây 2 năm nên mọi chi dùng trong nhà đều nhờ cả vào cô cùng công việc phụ bán cà phê của con gái đầu.

Theo phác đồ điều trị, Thanh Trúc trải qua 6 đợt hóa trị. Mỗi đợt người bệnh phải đóng thêm từ 15 - 20 triệu đồng tiền thuốc ngoài danh mục bảo hiểm chi trả. Thấu hiểu được những khó khăn của gia đình cô Hồ Thị Mỹ Phương, Công đoàn và Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Lê Lai đã gửi thư kêu gọi trong tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường và hội cha mẹ học sinh các lớp. Từ các nguồn vận động, nhà trường đã trao tận tay cô Phương hơn 82 triệu đồng, động viên, san sẻ cùng gia đình vơi bớt khó khăn.

Bằng nhiều nguồn vận động, trích từ quỹ công đoàn... các trường học ở Đà Nẵng đã có hỗ trợ thiết thực cho giáo viên sống trong khu vực phong tỏa, diện F; GV, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn vượt qua dịch bệnh. Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho hay: Khó khăn nhất ở các trường mầm non công lập khi tạm dừng đến trường là bộ phận nhân viên, đặc biệt là tổ cấp dưỡng vì lương quá thấp, có những trường hợp cả hai vợ chồng đều mất việc nên hoàn cảnh rất khó khăn. Nhà trường và công đoàn luôn động viên các cô, quan tâm chia sẻ cả vật chất lẫn tinh thần để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tương tự, Trường Mầm non tư thục Nốt Nhạc Xanh (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), ngoài chi trả lương cơ bản cho giáo viên, còn duy trì Phiên chợ 0 đồng được tổ chức 2 lần/tháng để cung cấp nhu yếu phẩm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Đà Nẵng.

Đoàn viên Công đoàn Trường THPT Đức Trọng tập kết nông sản hỗ trợ ngành Giáo dục một số tỉnh thành phía Nam bị ảnh hưởng của dịch Covid-19
Đoàn viên Công đoàn Trường THPT Đức Trọng tập kết nông sản hỗ trợ ngành Giáo dục một số tỉnh thành phía Nam bị ảnh hưởng của dịch Covid-19

Gửi yêu thương đến đồng nghiệp

Những ngày cuối tháng 7, vượt qua trở ngại về thời tiết, các thầy cô giáo ở Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc... vẫn ngày ngày dầm mưa đi thu hoạch rau, củ quả, chung tay cùng “Chuyến xe yêu thương, hướng về Bình Dương” của ngành Giáo dục Lâm Đồng.

Sau khi Công đoàn ngành phát động, giáo viên của Trường THPT Phan Bội Châu (huyện Di Linh) đã góp hàng trăm ký củ, quả trong vườn của gia đình, người thân. Sau khi thu hoạch, thầy cô nhặt bỏ những phần hư rồi phân loại, đóng thùng sẵn sàng chuyển lên “Chuyến xe yêu thương, hướng về Bình Dương”. 23 tấn nông sản đặc trưng của từng địa phương được gom góp trong chưa đầy 2 ngày ra quân, theo ông Ngô Văn Sơn - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Lâm Đồng, là những yêu thương, san sẻ của các thầy cô giáo gửi đến đồng nghiệp và người dân vùng tâm dịch.

“Chuyến xe yêu thương” trong tháng 8 của Công đoàn Giáo dục Hà Nội đã tặng quà tới cán bộ, giáo viên, nhân viên bị ảnh hưởng dịch Covid-19 tại một số trường học và Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục Hà Nội, Hà Tây. Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã tăng cường rà soát, nắm bắt tình hình các nhà giáo và người lao động trong diện F0, F1, diện cách ly, phong tỏa, nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là nhà giáo ở khối ngoài công lập và công lập tự chủ.

Trước khi vào năm học mới, 300 suất quà với tổng trị giá 300 triệu đồng được gửi tới các nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn. Trước đó, Công đoàn ngành đã phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội động viên, tặng quà tới 320 đoàn viên khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh với mức hỗ trợ từ 1 - 2 triệu đồng/người; hỗ trợ 38 GV khó khăn khối trực thuộc với mức 1,5 triệu đồng/người. Công đoàn ngành cũng đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố và Công đoàn Giáo dục Việt Nam hỗ trợ các đoàn viên F0 mỗi người từ 2 - 4 triệu đồng…

Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An cũng có văn bản về việc chi hỗ trợ cho cán bộ, nhà giáo, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, cán bộ nhà giáo, người lao động là F0 đang điều trị bệnh, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Cán bộ, nhà giáo, người lao động là F1 có hoàn cảnh khó khăn phải cách ly y tế tại nơi cách ly tập trung theo quy định được hỗ trợ mức 1 triệu đồng/người.

Ngoài ra, Công đoàn ngành hỗ trợ 500.000 đồng đối với những trường hợp buộc phải nghỉ việc, không có lương và thu nhập do đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa y tế; người đang làm việc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập nhưng phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 15 ngày trở lên; trường hợp áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà theo yêu cầu nhưng có hoàn cảnh khó khăn, đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi. Vì dịch bệnh diễn biến phức tạp nên Công đoàn ngành yêu cầu định kỳ thứ 6 hàng tuần, các đơn vị, công đoàn cơ sở báo cáo danh sách trường hợp cán bộ nhà giáo, người lao động thuộc diện F1, F0… để nhanh chóng thực hiện chi hỗ trợ.

Cô Nguyễn Thị An – Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết: “Chúng tôi luôn nhắn với các giáo viên, nếu có khó khăn gì, cả về chuyên môn lẫn điều kiện kinh tế có thể trao đổi riêng để Công đoàn và nhà trường tìm cách hỗ trợ. Có 6 giáo viên nhận được sự hỗ trợ từ nhà trường, với mức 4 triệu/người để giải quyết một số vấn đề khó khăn trước mắt. Trường cũng thành lập một tổ hỗ trợ công nghệ thông tin cho GV trong quá trình dạy học trực tuyến”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ