Câu chuyện về người “gieo chữ” thầm lặng nơi bãi giữa sông Hồng

Chứng kiến số phận éo le của những đứa trẻ nơi bãi giữa sông Hồng, càng không muốn chúng lớn lên mà không biết được con chữ, ông bỏ tiền, bỏ đất ra xây lớp, dựng thư viện sách…bắt đầu hành trình “gieo chữ” ở nơi đây.

Câu chuyện về người “gieo chữ” thầm lặng nơi bãi giữa sông Hồng

Người khai khẩn bãi giữa sông Hồng

Men theo cây cầu Long Biên có một con dốc nhỏ dẫn xuống nơi được nhiều người dân ví như một “ốc đảo” giữa lòng Hà Nội. Đi theo con đường đất sâu vào bên trong, ẩn nấp dưới những cánh đồng cây cối tươi tốt là nơi cư ngụ của gần 30 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu. Xóm nhỏ ấy có cái tên mong manh, trôi nổi như phận đời của những con người đang sinh sống ở đây - xóm Phao.

Từ xóm Phao di chuyển dọc theo con đường bê tông sẽ thấy một căn nhà rộng rãi nhưng tạm bợ trước cổng vào có treo một chiếc đèn lồng nằm lẩn khuất giữa vườn ổi tươi tốt. Cơ ngơi này là nơi cư ngụ của vợ chồng ông Nguyễn Đăng Được. Người vẫn được xem như “linh hồn sống” của bãi giữa sông Hồng này.

Ông Được đã qua cái tuổi 70, dáng người lùn, gương mặt khắc khổ, đôi mắt luôn nheo lại. Những năm tháng bươn trải của cuộc đời khiến nước da ông sạm đi và có màu đen nổi bật. Xuống bãi giữa sông Hồng, hỏi ông Nguyễn Đăng Được thì khó chứ hỏi lão Được “đen” thì ai cũng nhớ rõ đường đi, lối lại vào nhà ông.

Một góc bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Lao Động
Một góc bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Lao Động

Cái chữ “lão” mà người dân nơi đây hay gọi chẳng mang một ý nghĩa mỉa mai nào cả. Đó là một từ thân mật, trân trọng, thành kính mà người dân nơi đây dành cho ông Được với những đóng góp của ông cho cuộc sống những người dân nơi bãi giữa.

Lão Được “đen” là một người rất lạ và cái xuất thân của lão cũng lạ chẳng kém. Lão quê gốc ở huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) nhưng lại sinh ra ở Thái Lan. Gia cảnh khó khăn, lưu lạc nên từ nhỏ lão đã phải mưu sinh bằng nhiều nghề từ khuân vác, làm thuê, cuốc mướn để mưu sinh.

Tuổi quá 30, lão xa gia đình và trời xui, đất khiến thế nào lão lại lưu lạc ra Hà Nội. Số tiền ít ỏi tích góp được từ công việc làm thuê trước đó, lão thuê được một miếng đất nơi bãi giữa sông Hồng, cư ngụ luôn tại đây và trở thành người khai hoang, lập cõi nơi mảnh đất hoang sơ này.

Lão bảo, thời ấy, khu vực bãi giữa sông Hồng còn mênh mông và hoang hóa lắm chứ chưa có đất nhiều để ở và trồng trọt như bây giờ, lão phải sống trên con thuyền, cuộc sống lênh đênh theo dòng nước.

Ông Nguyễn Đăng Được - người đầu tiên khai khẩn khu vực bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Tuấn Khang
Ông Nguyễn Đăng Được - người đầu tiên khai khẩn khu vực bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Tuấn Khang

Diện tích đất thuê được, lão trồng trọt, chăn nuôi khai khẩn để vùng đất này thêm trù phú. Thấy có thể mưu sinh được, nhiều người đến đấy sinh sống, làm ăn, cái bãi giữa sông Hồng hiu quạnh ngày nào dần dần trở thành xóm Phao. Lão Được “đen” cũng được tín nhiệm, quý mến, bầu làm “trưởng xóm”.

Lão Được bảo, trước đây, khi dân cư còn thưa thớt, xóm Phao thường xuyên bị những đối tượng bất hảo, những thành phần nghiện ngập tới lui, quấy phá dẫn đến tình hình an ninh trật tự ở đây rất tệ. Chính quyền địa phương coi đây là một nơi bất ổn về an ninh nên nhiều lần xóm Phao đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Dưới sự dìu dắt của vị “trưởng xóm”, cuộc sống của người dân dần đi vào nề nếp, tình hình an ninh trật tự ổn định, những phận người ở đây được cơ quan chức năng cho phép tạm trú nhưng không thuộc sự quản lý của bất cứ xã, phường nào.

Những người dân sinh sống tại xóm Phao đa phần đều sống dưới thuyền, dựa vào con nước. Ngày họ lên bờ đi làm thuê, làm mướn tối lại trở về trên những “căn nhà” tạm chòng chành trên sông. Không ai có đất nên có muốn cũng không thể lên bờ dựng nhà cư trú được. Với những người dân ở xóm Phao này, lão Được “đen” là người “giàu có” nhất. Cả giàu về vật chất lẫn giàu về tình người.

"Thư viện sách" được ông lập lên với hy vọng xóa mù chữ cho những đứa trẻ nơi xóm Phao. Ảnh: Tuấn Khang
"Thư viện sách" được ông lập lên với hy vọng xóa mù chữ cho những đứa trẻ nơi xóm Phao. Ảnh: Tuấn Khang

“Muốn trẻ có con chữ để bớt khổ”

Xóm Phao có gần 30 hộ gia đình đang sinh sống với hơn 100 người. Mỗi hộ gia đình ở đây lão Được đều nắm trong lòng bàn tay. Gia đình này có mấy người, làm nghề gì rồi gia đình kia từ khu vực nào về lão đều nắm được.

“Tất cả các hộ gia đình ở đây đều mỗi người một quê, một hoàn cảnh nhưng tất cả vì cuộc sống mưu sinh nên bám víu vào với nhau ở đây. Có những trường hợp đi làm ăn lâu quá không về quê và bị chính quyền cắt khẩu, coi như đã chết nên không còn gì nữa phải gắn bó cuộc đời ở đây. Cũng có những người đã sống ở đây 2-3 thế hệ rồi”, lão Được tâm sự.

Như cái lẽ tự nhiên, cũng vì chẳng còn quê quán nên vài năm trước những đứa trẻ sinh ra ở xóm Phao này đều không được đăng ký giấy khai sinh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ không có ngôi trường nào dám nhận chúng vào học.

Lão Được bảo, ở cái thời đại này, không nhận được mặt con chữ, con số khó sống lắm nên lão muốn dựng một cái lớp, gom góp sách vở để dựng cho chúng một cái “thư viện”, tìm người dạy để cho chúng ít nhất cũng có thể biết đọc, biết viết.

Số sách trong "thư viện" được ông Được thu gom từ nhiều nguồn. Ảnh: Tuấn Khang
Số sách trong "thư viện" được ông Được thu gom từ nhiều nguồn. Ảnh: Tuấn Khang

Nghĩ là làm, lão dùng mảnh đất thuê được, dựng lên một lớp học nhỏ. Không có người dạy, lão lại nhờ người quen hoặc bỏ cả việc tự mình đi liên hệ với nhóm tình nguyện của một vài trường đại học gần đó. Lão mong muốn, mỗi tuần sẽ có người xuống dạy các em nhỏ học.

Khi tụi nhỏ đã biết đọc, biết viết, mỗi lần đi thu gom đồng nát, lão lại tâm sự về hoàn cảnh khốn khổ của những đứa trẻ ở xóm Phao để xin người ta ủng hộ chúng một ít sách làm tư liệu để đọc. Cái giấc mơ lập một “thư viện” nhỏ nơi bãi giữa sông Hồng của lão bấy lâu nay đã dần hình thành. Lão Được bảo: “Gọi là “thư viện” cho sang chứ đây thực chất chỉ là một tủ sách nhỏ với vài chục đầu sách đủ các thể loại để các cháu những lúc rảnh rỗi có thể ghé đến hoặc mượn về nhà để đọc”.

Khi số lượng đầu sách đã được đọc hết, Lão lại nhờ những người dân hay qua lại, bơi lội, thể dục ở đây quyên góp sách mới để thay đổi. Số sách cũ được lão gom, tặng lại cho những nơi cần. Chẳng thế mà cái “thư viện” nhỏ bé của gia đình lão luôn có những đầu sách mới cho bọn trẻ trong xóm đến đọc.

Không chỉ xây dựng "thư viện" sách, ông Được còn giúp những đứa trẻ có giấy khai sinh để đến trường. Ảnh: Tuấn Khang
Không chỉ xây dựng "thư viện" sách, ông Được còn giúp những đứa trẻ có giấy khai sinh để đến trường. Ảnh: Tuấn Khang

Nhờ công của lão Được “đen” mà giờ đây, những đứa trẻ ở xóm Phao đều có thể đọc, tính toán được những thứ đơn giản. Khi chúng đã có được cái chữ, cái thiện tâm của vị trưởng xóm lại muốn đi xa hơn. Ông muốn những đứa trẻ sinh ra ở đây phải có được tờ giấy khai sinh, xác định gốc gác để có thể đến trường, bước đệm để có cơ hội một ngày nào đó được “lên bờ”.

“Tôi còn nhớ ngày trước, cứ mỗi đứa trẻ được sinh ra, ông Được đều đến tận nơi, truy hỏi, tìm hiểu gốc gác, quê quán của bố mẹ chúng để về tận nơi xác minh lý lịch, làm giấy khai sinh cho các cháu. Giờ đây, các cháu sinh ra đều đã được khai sinh tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội) và đều được có cơ hội đến trường”, một người dân tại xóm Phao chia sẻ.

Trong suốt cuộc trò chuyện, ánh mắt vị “trưởng xóm” thỉnh thoảng lại sáng bừng lên khi nói về những dự định sắp tới của mình. Ông chỉ tay ra khoảng đất rộng trước cửa nhà hồ hởi: “Tôi tính mở cho bọn trẻ một sân chơi để chúng hạn chế chơi ở khu vực sông nước. Sân chơi này cũng hoàn thành tạm tạm rồi, một mình làm nên cứ túc tắc chú à. Kiểu gì cũng sẽ xong”.

Điều ông Được mong muốn là sẽ có một ngày, những đứa trẻ ở xóm Phao sẽ có cơ hội được lên bờ. Ảnh: Tuấn Khang
Điều ông Được mong muốn là sẽ có một ngày, những đứa trẻ ở xóm Phao sẽ có cơ hội được lên bờ. Ảnh: Tuấn Khang

Cái sân chơi của lão Được có bập bênh, có xích đu, có thang leo phục vụ cho hoạt động ngoài trời. Tất cả những thứ đồ đó đều được ông khéo léo chế tạo lên từ những lốp xe ô tô cũ thu lượm được. Bên trên được ông làm giàn, trồng cây leo phủ kín khoảng sân để lấy bóng mát.

Đôi mắt lão bỗng nhiên chùng xuống, lão rít mạnh hơi thuốc lào, thả làn khói nồng đặc vào không trung rồi chầm chậm trải lòng. “Con gái tôi trước cũng vì không có chỗ vui đùa ra chơi ở sông nước nên không may bị đuối nước nên tôi muốn các cháu nhỏ ở đây có được chỗ để vui đùa mỗi dịp cuối tuần”.

Người “trưởng xóm” với nước da đen sạm thỉnh thoảng lại đưa ánh mắt hướng về con sông Hồng đang vỗ từng đợt sóng đỏ ngầu vào sườn những ngôi nhà đang lênh đênh trên mặt nước như mong ước một cơ hội “lên bờ” cho tương lai những đứa trẻ ở cái xóm Phao này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ