Đẹp là… đẹp, mà xấu cũng… đẹp!

Đẹp là… đẹp, mà xấu cũng… đẹp!

(GD&TĐ) - Trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân ta, có một trường hợp thật thú vị: Đó là từ “đẹp đôi”. Hai người đều đẹp lấy nhau thì dĩ nhiên là đẹp đôi rồi. Nhưng hai người “sắc đẹp” làng nhàng cũng được gọi là đẹp đôi, thậm chí hai người xấu – thật xấu lấy nhau, thì cũng được gọi là… đẹp đôi!

Ở đây “đẹp đôi” đã được mang ý nghĩa mới, có tính chất triết lý và mỹ học, có nghĩa là sự tương đồng, hài hòa, phù hợp… Ca dao có câu:

Chồng còng mà lấy vợ còng

Nằm phản thì chật, nằm nong thì vừa

Ngoài ý nghĩa trào lộng một cách nhẹ nhàng, còn mang một thông điệp: hai vợ chồng này đẹp đôi, tương xứng với nhau. Một trường hợp khác:

Mẹ em tham thúng xôi rền

Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng

Em đã bảo mẹ rằng đừng

Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào

Bây giờ chồng thấp vợ cao

Như đôi đũa lệch, so sao cho bằng

Hai người này có thể không xấu, nhưng kết hợp với nhau mà một người thấp (mà lại là đàn ông) và một người cao thì rõ ràng là không tương xứng, không đẹp đôi rồi. 

Những trường hợp như trên dù sao cũng còn nghiêng về phía hình thức, ông cha ta còn có một quan niệm khá toàn diện khi dựng vợ gả chồng cho con, đó là tam đồng: Đồng tâm, đồng lực, đồng tài. Có nghĩa là hai người lấy nhau phải có sự tương xứng, tương đồng về tâm hồn, tư tưởng, tình cảm; tương đồng về sức khỏe và tương đồng về tài năng.

Có thể nói đây là những tiêu chuẩn quá hoàn hảo và thậm chí hiện đại nữa. Khi ông cha ta đưa tiêu chuẩn đồng lực (sức khỏe ngang nhau) lên hàng thứ hai trong ba tiêu chuẩn. Thực tế cuộc sống cho thấy khi chồng khỏe mà vợ yếu (hoặc ngược lại) thì hạnh phúc khó mà trọn vẹn. Từ lâu ca dao cũng đã có câu đánh giá giá trị của một người đàn ông:

Chẳng tham ruộng cả ao liền

Tham vì một nỗi tốt râu mà hiền

Tốt râu là hình mẫu của một người đàn ông khỏe mạnh, còn hiền là đánh giá về mặt đạo đức.

Trần Bảo Hưng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ