Đến Tây Đô đi chợ nổi Cái Răng

Đến Tây Đô đi chợ nổi Cái Răng

(GD&TĐ) - Chiếc xuồng máy lao vun vút trên sông, bình minh đang lên. Từ xa, chúng tôi đã nghe thấy những âm thành đặc trưng của vùng sông nước. Thật thú vị, chợ trên sông! Ai muốn đi chợ nổi thì phải đi từ sớm, bởi chỉ đến khoảng 9 giờ sáng là chợ đã vãn. Lúc đó các ghe nhỏ đã lấy đủ hàng và tản về các chợ địa phương, hay đưa đi đến các vùng miền, chợ đầu mối khác.

Chợ nổi Cái Răng
Chợ nổi Cái Răng

Ngay từ sáng sớm, trên một khúc sông rộng mênh mang đã nhộn nhịp ghe to, ghe nhỏ, làm xao đông cả ánh bình minh vừa ló rạng. Đó là chợ nổi Cái Răng trên sông Cái Răng, cách trung tâm thành phố Cần Thơ (thủ phủ của Tây Đô cũ) khoảng 5km đường bộ và mất 30 phút đi bằng thuyền từ bến Ninh Kiều. Cũng giống như chợ nổi Cái Bè của Tiền Giang, chợ nổi Cái Răng chuyên trao đổi, mua bán hàng nông sản, các loại trái cây, hàng hoá, thực phẩm và là điểm tham quan đặc sắc của miền sông nước Cửu Long. Đây cũng là nét độc đáo và đặc điểm chính của cái chợ muôn đời lênh đênh, bồng bềnh trên sông nước này. Ở vùng sông nước, xưa kia phương tiện giao thông chính của người dân là xuồng, ghe... vì thế cũng xuất hiện cái chợ nổi này. Giờ đây cho dù giao thông đường bộ đã phát triển. Mặc dù bây giờ cầu Cần Thơ duyên dáng và hiện đại đã rút ngắn những vùng xa xôi của Đồng bằng sông Cửu Long lại gần với TP HCM, nhưng không vì thế mà chợ nổi Cái Răng bị mất đi, thậm chí ngày nay chợ nổi này càng phát triển và trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn nhất nhì của khi du khách đến với Cần Thơ.

Nhìn vào những cây bẹo, chúng ta có thể biết chủ thuyền muốn bán mặt hàng gì
Nhìn vào những cây bẹo, chúng ta có thể biết chủ thuyền muốn bán mặt hàng gì

Chợ nổi Cái Răng cũng là chợ đầu mối, hàng hoá tập trung ở đây với số lượng lớn. Mỗi mặt hàng đã được phân loại đồng đều và chất lượng... Nếu như dân địa phương và các vùng lân cận thường sử dụng các ghe, xuồng trung bình chở hàng nông sản đến đây tiêu thụ thì những ghe, thuyền lớn là của các thương lại thu mua trái cây toả đi khắp nơi, sang tận Campuchia và một số nước trong khu vực và châu lục. Một nét độc đáo của các “cửa hàng” di động này chính là các cây bẹo, nó chính là một chiếc sào tre dài, trên đó được treo những loại trái cây, mặt hàng mà chiếc ghe đó mốn bán. Người đi mua hàng chỉ cần nhìn lên cây bẹo là biết chiếc ghe đó muốn bán mặt hàng gì.

Các ghe nhỏ mua hàng từ những ghe lớn về bán tại chợ nhỏ
Các ghe nhỏ mua hàng từ những ghe lớn về bán tại chợ nhỏ

Hoà mình vào không khí của buổi chợ, chúng ta có thể quan sát, tìm hiểu sinh hoạt của nhiều gia đình thương hồ với nhiều thế hệ chung sống trên một chiếc ghe. Có những chiếc ghe như “căn nhà di động” trên sông nước với những chậu hoa cảnh, một số vật nuôi, các tiện nghi sinh hoạt, thậm chí có ghe còn dựng cả... xe gắn máy...

Trên chợ nổi còn có đẩy đủ các dịch vụ xăng dầu nhằm phục vụ cho khách hàng.
Trên chợ nổi còn có đẩy đủ các dịch vụ xăng dầu nhằm phục vụ cho khách hàng.
Ngày nay, dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và phát triển ngày một sầm uất hơn
Ngày nay, dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và phát triển ngày một sầm uất hơn

Trở về sau những phút giây ngắn ngủi lênh đênh, bồng bềnh sông nước ngắm hoa trái của vùng sông nước Cửu Long cảm giác thích thú xen lẫn chút lưu luyến thể hiện trên mỗi gương mặt. Bởi họ biết rằng mình sắp phải xa cuộc sống giản dị và bình yên trên những chiếc ghe chở hàng trên sông, đón chào họ là cuộc sống phố thị tấp nập, chen chúc đến...  khó thở. Ca dao xưa có câu “Cần Thơ gạo trắng nước trong. Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Quả thực, một lần đến với Cần Thơ, đến với vùng đồng bằng sông nước Cửu Long, được nhìn những nụ cười tươi tắn của những cô gái miệt vườn, tình cảm nồng hậu luôn khiến bạn không muốn rời xa.

Trung Toàn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ