(GD&TĐ) - Moskva (Mat-xcơ-va), vào ngày cuối thu, chúng tôi đến thăm Nghĩa trang danh nhân Novodevichy, nằm trong Tu viện cổ Novodevitchy được xây dựng từ năm 1898. Nghĩa trang danh nhân được bao quanh bằng bức tường gạch đỏ cao hơn 4m. Đây chính là nơi yên nghỉ an nghỉ cuối cùng của nhiều nhà hoạt động chính trị, tướng lĩnh, các danh nhân trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, kinh tế… của nước Nga và Liên Xô cũ: như Gogol, Trekhov, Bulgakov, Maiakovxki, Khrutsov, Tupolev, Elxin…, nơi an nghỉ của các nhà hoạt động chính trị, các triết gia và văn nghệ sĩ nổi tiếng.
Đường vào nghĩa trang danh nhân |
Ngay tại cổng, danh sách những người yên nghỉ được xếp theo thứ tự ABC...năm sinh, cũng như năm mất. Nghĩa trang không u uất, nặng nề bởi khói hương và những nấm mộ lô nhô. Tất cả đều là những bia mộ trên mộ chí, qua các pho tượng bán thân hoặc tỷ lệ 1/1. Có cảm nhận đây là sự yên nghỉ, phút tĩnh lặng sau những tháng năm làm việc căng thẳng của kiếp làm người với bộn bề công việc, để rồi sau đó, tất cả về đây, ẩn mình trên khối đá hoa cương, dưới diện mạo vĩnh cửu, sau khi hóa thân vào sắc vàng của cây, trong tiếng gió rì rào, của hàng bạch dương, hàng phong, những cây dẻ, cây sồi... Cỏ cây được cắt tỉa nghệ thuật. Thế giới của nghệ thuật, và sự bất tử... Có thể nói rằng, đây là công viên với những tác phẩm nghệ thuật-theo đúng nghĩa của nó.
Nơi yên nghỉ của nhà thơ Vladimir Mayakovsky |
Mọi con đường đi lại, đều theo hệ thống, dẫn đến từng khu – chỉ nhìn vào biển chỉ dẫn, là người viếng thăm có thể biết người thân ở khu vực nào. Lẽ tất nhiên, các nhà chính khách, hoạt động xã hội – những người đã làm nên sự khởi sắc của nước Nga hôm nay, sẽ được đặt ở vị trí trung tâm, dễ nhìn nhận thấy nhất. Phần mộ của Elxin, là một ví dụ. Ông yên nghỉ dưới lòng đất mẹ, bên trên nấm mộ là lá cờ Nga, được cách điệu hình vòm, tựa như lá cờ đang đặt trang trọng trên mặt đất, chỉ có điều, nó được các kiến trúc sư thiết kế bằng chất liệu đá quý, với 3 sắc màu của quốc kỳ Nga: Trắng, đỏ, . xanh.
Đến nơi đây, ta sẽ được gặp các nhà văn, nhà soạn kịch tên tuổi như : Mikhail Bulgakov, (1881-1940); Nikolai Gogol, (1809-1852); Anton Chekhov, (1860-1904); Nikolai Ostrovsky; Vladimir Mayakovsky...nhà thơ Nadim Hitmet ( Thổ Nhĩ Kỳ) và các nhà soạn nhạc nổi tiếng như: Sergei Prokofiev; Aleksandr Skryabin, Dmitri Shostakovich...và các gương mặt nghệ sĩ khác, như: Isaac Levitan (1860-1900) –họa sĩ; Galina Ulanova (1910-1998), vũ công ballet ...cùng nhiều tên tuổi khác...Trong đó, có cả Nadezhda Alliluyeva-Stalin, (1902-1932), phu nhân (vợ thứ hai) của Josef Stalin, và có cả Raisa Gorbachev (1932-1999),phu nhân Gorbachev... cũng có mặt tại nghĩa trang này. |
Hầu hết các ngôi mộ chí đều là những kiệt tác về nghệ thuật, mà dưới lòng đất, kẻ yên nghỉ sẽ thỏa nguyện vì người đời biết đến mình qua dấu ấn cá nhân, qua công việc cụ thể mà các nghệ sĩ-kiến trúc sư phác thảo chân dung bằng những khối đá quý, đủ sắc màu. ...Những nghệ nhân –đã phác thảo lại chân dung người dưới mộ bằng những tác phẩm tuyệt tác, qua cảm xúc và tri ân, biết ơn với người đã ra đi...
Lá thu rắc vàng trên phần mộ của họa sĩ Isaac Levitan |
Ngay phía bên phải cổng nghĩa trang, khi đã vào con đường đầy lá và hoa, được cắt tỉa gọn gàng, tỷ mỉ như công viên, chúng ta sẽ thấy chân dung một nghệ sĩ, ngồi ưu tư bên cạnh chú chó nhỏ. Nghệ sĩ, trước khi mất đi, đã có ước nguyện mang theo chú chó yêu quý, vì vậy, nghệ nhân đã tạc tượng chú chó yêu bên cạnh ông. Bức tượng tỷ lệ:1/1 đã lột tả được công việc của người mất và đem lại cảm xúc mãnh liệt đối với người viếng thăm. Như không phải đây là cõi chết, mà nơi đây là cuộc du ngoạn cuối cùng nhưng bất tử của kiếp làm người.
Tôi đứng lặng trước bức tượng màu đá đen, nghiêng nghiêng, như hình người đang đi, bên trên có lá cờ của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhìn kỹ, thấy ghi: NaDim Hit met. Bất chợt, ngay dưới chân bức tượng đá đen, thấy một mộ chí-phiến đá, nhỏ, ghi tên một người phụ nữ Nga. Thì ra thi hào Thổ Nhĩ Kỳ đã kết duyên với một phụ nữ Nga. Thi hào đã ở bên vợ mãi mãi, và biên giới không thể xa lìa được họ, cho đến cuối đời, ra đi vào thế giới vĩnh hằng, họ vẫn mãi ở bên nhau.
Phần mộ của nhà văn cộng sản Nikolai Ostrovsky |
“Nếu tôi không cháy lên/ Nếu anh không cháy lên/ Thì làm sao/Bóng tối/Có thể trở thành/Ánh sáng”... Nadim Hitmet là thế. Quyết liệt, xả thân và cháy đến tàn tro của cảm xúc. Tôi chợt nhớ tới bài thơ nổi tiếng “Đi đầy, cái nghề gay lắm” của ông, nhớ cả những bài thơ tình với cảm xúc mãnh liệt của ông-một phong cách thơ rất ...Nadim Hitmet. Đó là bài thơ “Ngực em là thánh giá” : “Ngực em là thánh giá/ tóc cuộn thành vòng dây/ nơi đây từng treo cổ/ bao trái tim thơ ngây...”. Một lúc nào đó, những vần thơ của ông sẽ còn mãi là tiếng hát được bật ra từ trong trái tim khao khát của tình yêu và lẽ sống, chúng ta sẽ muốn thêm một lần nữa, nghiêng mình kính cẩn trước anh linh của ông đến chừng nào.
Đi thêm một đoạn nữa, tôi dừng chân trước phần mộ của nghệ sĩ ba lê Trước mắt tôi, bức tượng một người phụ nữ-trang phục trắng tinh khôi, uyển chuyển múa, đang bay với vũ khúc tình yêu. Tôi có cảm giác đang được nghệ sĩ biểu diễn cho xem vũ khúc tại nơi lá phong đỏ rực và xôn xao gió này. Một sự biểu diễn có sắc thu làm nền, chênh chao trong nắng chiều, và dòng sông Matxcơva phản chiếu ánh nắng cuối ngày, không gian đậm chất liêu trai, sương khói. Nghệ sĩ cùng vũ khúc đang bay vào không gian, xa thẳm, mênh mang...bất chấp giá lạnh, cô đơn.
Nét cao sang, quyền quý của phu nhân Raisa Gorbachev tại nơi yên nghỉ qua bức tượng đồng |
Tôi sững lại trước cái tên trên mộ chí mang tên Isaac Levitan (1860-1900). Người họa sĩ tài năng, yểu mệnh, chỉ có 40 năm tồn tại trên đời, nhưng đã cho nhân dân Nga thấy nghệ thuật luôn song hành cùng đời sống. Sự bất tử của tác phẩm chính là sự bất tử của nghệ sĩ.
Mộ chí Levitan hình tháp nhọn, được quây chung quanh bởi hàng rào sắt uốn hoa văn trang trí. Isaac Levitan-Danh họa của thiên nhiên Nga. Người họa sĩ đã mang vẻ đẹp của con người và phong cảnh Nga ra khỏi bờ cõi, ngay giữa những tháng năm gian truân nhất của cuộc đời.
Bất chợt nhớ lại, trên đường đến tỉnh Tu-la, chúng tôi đã dừng lại bên đường cao tốc, đi xuyên qua cánh đồng vàng. Nơi ấy, cỏ cây, kể cả bạch dương và hàng sồi, đã bắt đầu khoác trên mình chiếc áo vàng rực. Và con nước nhỏ, đã cạn. Chỉ để trên mình nó vệt nước, đủ để đám mây đi qua soi bóng một lần. Phải chăng, đó là nơi cội nguồn cảm xúc cho ra đời kiệt tác Mùa thu vàng?
Giờ đây, ông lặng lẽ thu mình giản đơn khiêm tốn, trong khuôn viên hàng rào sắt kết hoa, và cũng thật lạ, trên mộ chí của ông, cả chung quanh nữa, lớp lớp lá vàng thu. Rất nhiều người đi qua...mà không để ý đến bia mộ mang tên danh họa nổi tiếng thế giới này. Vâng, tất cả rồi cũng đi qua, kể cả mùa thu, về trên cánh đồng buổi chiều, về nơi yên tĩnh vĩnh hằng, về cả con nước sau cơn mưa.*..như những bức tranh của ông đã mô tả. Qua đi, nhưng ký ức về những bức tranh-tâm trạng ấy, đâu dễ nguôi quên?
Dáng đi của nhà thơ Nadim Hitmet qua bức tượng bằng đá cẩm thạch đen. |
Đi một vòng, phía giáp bức tường đỏ cao bên kia là phần mộ của tác giả “Thép đã tôi thế đấy”. Nhà văn Nikolai Ostrovsky đã một thời - qua tác phẩm này, đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong các thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam, những tháng năm chống Mỹ. Không ít người đã muốn trở thành nhân vật Paven, dám hy sinh cuộc sống cá nhân vì lý tưởng cộng sản, lý tưởng yêu nước. Cuốn “Thép đã tôi thế đấy” đã thực sự là cuốn sách đỏ, cuốn sách gối đầu giường của thanh niên Việt Nam-và ảnh hưởng của nó, cho đến tận bây giờ.
Chúng tôi đứng trầm ngâm trước phần mộ của nhà văn cộng sản, bức phù điêu tạc gương mặt và hình dáng nhà văn, đúng như chúng tôi hình dung, thời đã học tác phẩm thuở nào. Nhà văn, với ánh mắt sáng, với gương mặt kiên định, ngồi nghiêng, bên cạnh là cây bút, cuốn sách. Bên cạnh nhà văn còn là chiếc mũ của hồng quân Liên Xô-với cây súng để bên. Nhà văn cộng sản-ra trận, chiến đấu và sáng tác tác phẩm. Bao thế hệ tuổi trẻ Nga đã đến cúi đầu trước anh linh nhà văn, để biết một thời đã qua, để nghe kể về nỗi đau và sự cống hiến của nhà văn cho đất nước?
Tôi, và nhà văn Đào Thắng, nhà thơ Bùi Sim Sim, nhà văn Kim Hiền đứng rất lâu trước mộ chí nhà văn cộng sản. Thảng thốt trước những gì đã qua, khi trong không gian tĩnh lặng chỉ có tiếng gió reo đi qua những tán lá đã đổ màu vàng sẫm. Tâm trạng ấy cũng giống như chúng tôi đứng trước phần mộ của Maiakovxki, nhà thơ cộng sản, người sẵn sàng tuyên chiến với sự ngu dốt hợm hĩnh và ấu trĩ trên đời. Nhà văn ao ước khi chết đi được quàn trong chiếc quan tài bằng sắt, và chiếc vòng hoa đặt trên linh cữu cũng bằng sắt…
Giờ đây, tác giả của trường ca “Loạn họp” yên giấc ngủ sâu, chẳng còn bận tâm với những tháng năm gian khó đấu tranh với những thói hư tật xấu của con người…
Mé bên kia, ngang con đường nhỏ xuyên qua những rặng cây là mộ chí của Gogol (1809-1852) -nhà văn hiện thực lớn của nước Nga và của toàn thế giới thế kỷ XIX. Các tác phẩm : “Những buổi tối ở ấp gần làng Đikanka” (1831-1832), “Miagôrốt” (1835), tập truyện ngắn về Pêtecbua, hài kịch “Quan thanh tra”, tiểu thuyết “Những linh hồn chết”,…là những tác phẩm sống với mãi thời gian, bởi giá trị nhân văn và bút pháp viết độc đáo. Phần mộ của ông được nhận biết bằng đá đen, giản dị, bí ẩn như những câu chuyện huyền thoại thêu dệt chung quanh cái chết của nhà văn.
Có lẽ đến thăm khu nghĩa trang danh nhân, là đến thăm những giấc mơ và ký ức văn chương, mà những người yêu văn học Nga cũng như yêu đất nước Nga chưa một lần được đặt chân đến xứ sở bạch dương này. Nơi đây vắng bóng cây đại thụ văn chương của Nga-nhà văn Nikolayevich Tolstoy-tác giả của “ Chiến tranh và hòa bình”, “ Anna Karênina”, “Phục sinh”…nổi tiếng thế giới.
Theo ước nguyện của Tolstoy, gia đình đã mai táng thi thể nhà văn tại điền trang của gia đình tại tỉnh Tu la, cách Matxcơva chừng 200km. Phần mộ của ông không xây bằng đá hoa cương, không tạc chân dung và lời bai khắc ghi tên tuổi. Giữa bát ngát bạch dương và con đường ngập tràn ánh sáng, ông yên nghỉ dưới lớp cỏ và hoa.
Lớn lao, giản dị và khiêm nhường –đó là tất cả những gì ta có thể nói về Tolstoy. Nếu không, thì nơi đây là sự hội tụ và quây quần của hầu hết các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ nổi tiếng từ trước đến nay, sau bao năm tháng miệt mài vật lộn cùng con chữ, tiếng đàn, ngổn ngang cùng toan trắng sắc màu để vẽ...Và giờ đây, họ đã cùng tìm về nơi bình yên nhất , chọn cho mình giấc ngủ thật sâu.
Có thể nói rằng, nghĩa trang danh nhân này, ẩn chứa trong nó bao điều kỳ diệu, bí ẩn. Cũng như ẩn chứa trong nó những mệnh đề cuộc sống, rằng để thanh thản lúc ra đi, và yên bình trong giấc ngủ sâu, cái đẹp được tụ họp bên nhau như thế này, là cả một sự mải miết kiếm tìm chân lý và giá trị cuộc sống. Chân lý ấy ở chỗ, họ đã làm gì hữu ích, để lại cho đời những giá trị lớn lao. Đó là sự giải mã và thêm một lần sáng tạo cuộc sống, họ phải buộc trải nghiệm bằng chính cuộc đời, trong đó có hạnh phúc, nỗi buồn, sự đau đớn, mất mát và có cả tận cùng của sự cô đơn...
Chính vì lẽ đó, nơi đây không chỉ là những tên người khắc trên mộ chí, với quần thể kiến trúc tượng đài, chân dung…mà còn là nơi để mỗi người suy ngẫm. Rằng, trong cuộc đời này, mọi thứ đều vô nghĩa nếu không dám dấn thân vì cái đẹp và những giá trị nhân văn-vì cuộc sống và sự sinh tồn của loài người...
*: chữ in nghiêng, là tên các tuyệt phẩm của danh họa Nga Isaac Levitan .
Chu Thị Thơm