Đến nơi sinh ra những con tàu chiến

Những ngày đầu tiên của năm 2015, không khí làm việc ở Tổng Công ty Ba Son thật náo nhiệt. Từ ban lãnh đạo Tổng Cty, đến các phòng, ban và các xí nghiệp, cường độ làm việc lúc nào cũng như chạy đua với thời gian.

Tàu tên lửa trong giai đoạn hoàn thành. Ảnh: Hùng Quyền.
Tàu tên lửa trong giai đoạn hoàn thành. Ảnh: Hùng Quyền.

Ngày 26/7/2014, Tổng công ty Ba Son (thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã tổ chức bàn giao đưa vào sử dụng 2 tàu tên lửa mang số hiệu: HQ-377 và HQ-378 cho Quân chủng Hải quân trong niềm vui, niềm tự hào lớn của những người lính thợ. 

Sau 10 năm chuẩn bị ráo riết và gần 4 năm thi công khẩn trương, đầy nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân, 2 con tàu 12418 - tàu Molniya (tàu M1 và M2) đầu tiên do Việt Nam lắp ráp đã rẽ sóng ra khơi, hòa vào đội hình bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. 

Từ ngày 15 - 21/12/2014, Tổng Công ty Ba Son tiếp tục thử nghiệm và nghiệm thu thành công cấp nhà máy cặp tàu số 2 (M3, M4) thuộc Dự án 12418 trên vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là những cố gắng vượt bậc, góp phần nâng tầm thương hiệu của Ba Son trong nền công nghiệp quốc phòng nước nhà.

Tàu “M” là loại tàu chiến đấu tên lửa hiện đại, lần đầu tiên được triển khai đóng mới tại Việt Nam. Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc đã xây dựng kế hoạch tổng thể với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong tổ chức điều hành, chuẩn bị phương án công nghệ thi công, chuẩn bị trang thiết bị đồ gá cũng như phương án tiếp nhận, quản lý cung ứng vật tư và các giải pháp bảo đảm an ninh an toàn. 

Ngoài việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, biên dịch và thực hiện bộ tài liệu công nghệ theo điều kiện thi công của tổng công ty nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc tài liệu công nghệ do nước bạn chuyển giao, Tổng công ty Ba Son còn tổ chức tập huấn kỹ cho cán bộ kỹ thuật và công nhân. Đơn vị đặc biệt chú trọng đến việc phát động phong trào thi đua sáng tạo, làm chủ khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng lao động.

Có mặt tại Xí nghiệp Vỏ tàu, tôi như được hòa vào khí thế lao động không biết mệt mỏi của đội ngũ kỹ sư, công nhân. Xí nghiệp Vỏ tàu được coi là một trong những nơi nở rộ của các sáng kiến cải tiến khoa học kỹ thuật. 

Tuy nhiên, Đại tá Thái Văn Chân - Giám đốc Xí nghiệp - vẫn khiêm tốn: “Chúng tôi chỉ là nơi cụ thể hóa những ý tưởng, những sáng kiến của bộ phận kỹ thuật trong tổng công ty”. 

Nếu ở nước ngoài, công việc đóng thân vỏ tàu được đóng và lắp ráp gồm 130 công đoạn, thì Tổng công ty Ba Son lại đóng theo tổng đoạn, để tiện vận chuyển, nhưng lại cùng một lúc bố trí được nhiều lực lượng làm ở nhiều công đoạn, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công việc. Điều ấn tượng nhất ở đây là đã thực hiện rất tốt tự động hóa công nghệ hàn ti-tan.

Theo Thiếu tá QNCN Phan Thanh Hùng - Đốc công của xí nghiệp, thì cái khó của công nghệ hàn ti-tan là phải thật chuẩn xác, chuẩn bị vật liệu kỹ càng (bảo đảm nghiêm ngặt yếu tố tốt và sạch) bởi vật liệu phải dùng hai lớp khí trơ để bảo vệ. 

Anh em nói vui với tôi là vật liệu để làm vỏ tàu tên lửa phải được “vô trùng”. Nếu nước ngoài chỉ dùng phương pháp hàn thủ công (phải hàn hai mặt mới xong), thì phương pháp hàn tự động một mặt ở Tổng công ty Ba Son đã mang lại hiệu quả cao. 

Chỉ cần một đường hàn là được cả hai mặt, lại bảo đảm ổn định về chất lượng và đạt độ thẩm mỹ cao. Anh Hùng nói: “Khi hàn ti-tan, nếu chúng tôi luôn có được những đường hàn màu vàng rơm, cũng có nghĩa là đường hàn đã đạt chất lượng tốt nhất, đẹp nhất”.

Đại tá Nguyễn Phúc Thắng - Trưởng phòng Kỹ thuật của Tổng Công ty Ba Son - tâm đắc: “Từ thiết kế và quy trình lắp ráp của nước ngoài, chúng tôi đã có nhiều sáng kiến. 

Nếu copy 100% thiết kế của bạn, thì tàu chế tạo ra sẽ có một số điểm chưa phù hợp với điều kiện hoạt động ở vùng biển nước ta và cách sử dụng của chúng ta. 

Chúng tôi cũng dùng nhiều vật liệu ta sản xuất được với chất lượng tốt để hạn chế nhập ngoại, tiết kiệm cho ngân sách. Bằng sự sáng tạo ấy, tổng công ty đã tiết kiệm được cho Nhà nước hàng tỷ đồng. 

Chúng tôi cũng đã sử dụng thiết bị hiện đại nhất như thiết bị la-de trong căn chỉnh lắp đặt chính xác, như: Lắp ráp hệ trục chân vịt, lắp đặt mặt phẳng chuẩn... Vì thế, độ dung sai kỹ thuật là rất nhỏ, đạt các tiêu chuẩn khắt khe nhất của nhà thiết kế”. 

Cũng với tinh thần sáng tạo và được chuyên gia nước bạn nhất trí cao, Tổng công ty Ba Son đã sáng tạo khi xây dựng kế hoạch thử nghiệm thu cùng một lúc cả hai tàu để thử đối hải, sử dụng máy bay phản lực, máy bay trực thăng của Bộ đội Không quân để thử đối không. 

Bằng biện pháp này, nếu như phải đưa tàu ra biển thử nghiệm thu từ 15 đến 20 lần (mỗi lần tốn kém khoảng 300 triệu đồng), thì nay chỉ cần đưa tàu ra biển 4 lần là đã thử xong.

Mùa xuân đang về với mỗi chúng ta, về với những người lính thợ Ba Son đang miệt mài để cho ra đời những con tàu tên lửa mới cho Bộ đội Hải quân. 

Trong tiết trời se lạnh của TP Hồ Chí Minh, tôi cảm thấy những giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt, hay thấm đẫm trên lưng áo các kỹ sư, công nhân của Tổng công ty Ba Son đáng yêu đến thế. 

Và cả những mái đầu ánh bạc, những cánh tay rắn chắc của chuyên gia nước bạn đang chung sức cùng các đồng nghiệp Việt Nam trong công việc đầy nặng nhọc và rất tự hào này khiến ai cũng phải trân trọng. 

Theo qdnd.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ