Đến nhà máy, vườn cây… để học

GD&TĐ - Đó là cách học được Trường THCS-THPT Nhân Văn (quận Tân Phú, TPHCM) tổ chức qua hình thức đưa HS khối lớp 11 đi trải nghiệm thực tế tại các tỉnh thành duyên hải Nam Trung bộ trong suốt một tuần. 

Học sinh giới thiệu mô hình về hệ thống điện gió ngay chính tại trường mình
Học sinh giới thiệu mô hình về hệ thống điện gió ngay chính tại trường mình

Biến lớp học thành nhà máy điện

Trong các sản phẩm của các em thì những sản phẩm đề tài thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên tạo được sự chú ý nhất vì sự công phu và tái hiện một cách chân thực. Những mô hình các em tự làm ra cũng chính là những địa danh mà các em đã đến tham quan trong chuyến đi.

Cụ thể như mô hình vườn Thanh Long Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), Nhà máy điện gió Phú Lạc (Bình Thuận), cáp treo Bà Nà Hill (Đà Nẵng), ruộng muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), hải đăng Mũi Đại Lãnh (Nha Trang)…

Các mô hình này đều được làm từ những vật liệu đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày như xốp, thùng carton, giấy, nilon, miếng gỗ... Tuy vậy, chúng có thể vận hành được như trong thực tiễn nhờ việc lắp ráp hệ thống điện theo kiến thức các em đã học. Như nhà máy điện có thể phát ra điện để chiếu sáng và tạo ra điện năng cho hồ cá, ngọn hải đăng có thể vận hành quay trên trục, cáp treo hoạt động theo chu kỳ mỗi khi khởi động...

Nói về việc chọn đề tài về năng lượng tái tạo, em Nguyễn Văn Phú (HS lớp 11/2) cho biết, mô hình của nhóm chính là ngôi trường THCS-THPT Nhân Văn được lắp hệ thống sử dụng năng lượng điện gió. Nhóm chọn đề tài này vì khi đi tham quan tại Nhà máy điện gió Phú Lạc, thấy có nhiều nguồn năng lượng tự nhiên có thể tận dụng được mà không làm ảnh hưởng môi trường, như gió, mặt trời, thủy triều...để tạo ra điện năng. Từ đó, nhóm muốn làm mô hình về chính trường mình đang sử dụng điện gió để tạo nguồn điện năng hoạt động cho trường.

Theo Phú, mục đích của nhóm khi chọn đề tài này là muốn mọi người biết tiết kiệm điện hơn và cũng hi vọng nguồn năng lượng tái tạo được sử dụng, phát triển rộng hơn vì một tương lai xanh, sạch.

“Tụi em đã tận dụng các thùng giấy carton lấy ở căn tin, miếng gỗ...để làm mô hình trường. Vì cũng lần đầu làm đề tài này nên tốn nhiều thời gian, nhất là việc lắp ráp sao để vừa giống vừa để hệ thống điện hoạt động được là rất khó. Tụi em phải làm tới làm lui, tìm tòi trên mạng và vận dụng nhiều kiến thức vật lý, thậm chí có những kiến thức ở lớp 12 tụi em chưa được học” – một thành viên trong nhóm nói.

Ở một góc nhìn nhân văn hơn, nhóm của Thùy Dung (HS lớp 11/3) chọn đề tài về làm muối và tái hiện mô hình ruộng muối Sa Huỳnh để thấu hiểu hơn nỗi vất vả của người diêm dân khi làm ra hạt muối. Công việc quá vất vả nhưng muối lại rẻ nên thu nhập của họ thấp.

Do đó nhóm mong muốn mọi người thấy được quá trình làm muối như thế nào và kêu gọi mọi người sử dụng các sản phẩm từ muối trong việc chăm sóc sức khỏe, tạo đầu ra nhiều hơn cho người nông dân.

Mô hình vận hành cáp treo Bà Nà Hills

Mô hình vận hành cáp treo Bà Nà Hills

Trải nghiệm để học hiệu quả hơn và trưởng thành hơn

Khi nói về đề tài và quá trình đi trải nghiệm, em Phạm Viết Thắng (HS lớp 11/3) cho biết, em thấy cách học trải nghiệm này tuy hơi tốn kém kinh phí và thời gian nhưng tiếp thu được rất nhiều thứ. Các bạn làm việc nhóm với nhau cũng thêm hiểu nhau, trao đổi nâng cao kiến thức hơn so với cách học ở lớp lâu nay.

Thắng nói thêm, như nhóm em làm về đề tài sản xuất mía đường vì tụi em đã được học qua kiến thức này rồi nhưng nội dung trong sách ít, tụi em phải tưởng tượng là chính nên rất mơ hồ. Đến khi đi thực tế tại Nhà máy sản xuất mía đường Mỹ Nhật (Quảng Ngãi) rồi mới hiểu hết quá trình làm đường như thế nào, ứng dụng thế nào...

“Sau khi đi về làm đề tài rồi, em thấy việc học ở lớp rất dễ hiểu, từ đó em chủ động tìm tòi mở rộng kiến thức hơn chứ không chỉ phụ thuộc vào thầy cô hay trong sách nữa” – Thắng nói.

Nói về kế hoạch hoạt động học trải nghiệm này, thầy Nguyễn Anh Tài, Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay, đây là hoạt động chủ đạo của nhà trường từ ba năm nay và đòi hỏi sản phẩm mỗi năm một khác và ngày một nâng cao hơn. Mỗi năm, từng khối lớp được chia ra nhiều nhóm sẽ được nhà trường tổ chức các chuyến đi trải nghiệm thực tế ở các vùng miền khác nhau.

Thầy Tài còn cho biết, đến mỗi địa danh, các nhóm còn tự thuyết minh về đề tài của mình, tự tác nghiệp để lấy thông tin cho nhóm. Không những vậy, mỗi em còn phải làm bài thu hoạch tại chỗ dưới dạng viết sổ tay do nhà trường phát cho từng ngày đi. Các em có thể viết cảm nhận, trả lời câu hỏi hoặc ghi chép dạng nhật ký..., sau đó nộp về trường để chấm điểm.

Đánh giá chung về các đề tài của HS, cô Hoàng Thị Minh Liên, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng các em rất sáng tạo và đầu tư nghiêm túc. Kỹ năng của các em cũng được nâng cao hơn, từ cách tư duy đề tài, làm việc nhóm, thuyết trình...

Theo cô Minh Liên, mục đích của nhà trường là thông qua hoạt động trải nghiệm từ thực tế này sẽ giúp việc học của các em trở nên nhẹ nhàng và sinh động hơn, thoát khỏi lối học khô cứng từ sách vở lâu nay.

Ngay cả thầy cô cũng được cập nhật thêm chất liệu từ thực tế, từ đó làm mới mình hơn để việc dạy hiệu quả hơn. Để tổ chức tốt hoạt động này, nhà trường cũng vất vả và đòi hỏi trách nhiệm cao hơn trong tất cả mọi khâu, như lên kế hoạch chi tiết, liên hệ các nơi sẽ đến, liên hệ phụ huynh, đảm bảo sự an toàn mọi mặt cho các em...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.