Thầy giáo trẻ tích cực đổi mới trong giảng dạy Vật lý

GD&TĐ - “Mục tiêu dạy học theo xu thế hiện đại không chỉ dừng lại ở việc truyền thụ đầy đủ những kiến thức, kĩ năng đã có của nhân loại cho người học mà quan trọng hơn là bồi dưỡng cho họ có năng lực nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo giải quyết các vấn đề, đáp ứng được những đòi hỏi đa dạng của hoạt động thực tiễn.”

Thầy giáo trẻ tích cực đổi mới trong giảng dạy Vật lý

Đó là chia sẻ của thầy Nguyễn Quốc Huy, khoa Vật lý, Trường ĐHSP Hà Nội trong buổi lễ sơ kết phong trào thi đua lao động sáng tạo giai đoạn 2012 - 2017 do Công đoàn GD Việt Nam tổ chức.

Đến với Vật lý bằng trải nghiệm thực tế

Sinh năm 1984 trong gia đình bố mẹ đều làm ruộng nhưng ngày từ nhỏ, cậu bé Huy đã nuôi mơ ước làm nghề giáo. Tốt nghiệp phổ thông, Huy chọn nghề sư phạm. Năm 2009, Huy trở thành giảng viên công tác tại khoa vật lý ĐHSP Hà Nội.

Chia sẻ lý do chọn môn Vật lý, thầy Huy tâm sự, từ khi còn là học sinh lớp 9, bố đi làm thuê còn anh trai đi học xa, thầy đã phải tự mình đấu dây điện, sửa các dụng cụ điện và một số dụng cụ khác trong gia đình. Vì thế, thầy đã có dịp tiếp xúc nhiều với thực tế, mà ẩn sâu trong những thực tế đó là kiến thức Vật lý. Lâu dần, niềm đam mê mong muốn khám phá thực tế đã thôi thúc thầy tìm hiểu và thầy đã lựa chọn môn Vật lý để được thỏa đam mê nghiên cứu của mình.

Theo thầy Huy, “Vật lý là môn khoa học thực nghiệm, là cơ sở của nhiều ngành kĩ thuật và công nghệ cao. Những hiểu biết và nhận thức về tri thức Vật lý có giá trị to lớn trong sản xuất và đời sống, mà đặc biệt là trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước hiện nay”.

Chính vì thế, khi dạy cho sinh viên, thầy thường chú trọng đến tính ứng dụng, tính thực tế của các kiến thức vật lý. Thầy luôn trăn trở, tìm cách thiết kế chế tạo các thiết bị thí nghiệm để mô phỏng, nghiên cứu các kiến thức đó.

Với sự say mê nghiên cứu, sáng tạo, hiện thầy Huy đã có 2 công trình được ứng dụng trong dạy học Vật lý ở một số trường đại học và các trường phổ thông. Đó là công trình “Thiết kế chế tạo một số thiết bị thí nghiệm mới để sử dụng trong dạy học Vật lý ở trường phổ thông” và công trình “Thiết kế chế tạo một số thiết bị thí nghiệm mới phần cảm ứng điện từ để sử dụng trong dạy học Vật lý ở trường phổ thông”.

Ứng dụng trong giảng dạy và nghiên cứu

Vật lý, với tư cách là một môn khoa học thực nghiệm, có khả năng to lớn trong việc rèn luyện cho HS tư duy logic, tư duy biện chứng, hình thành ở họ niềm tin về bản chất khoa học của các hiện tượng tự nhiên cũng như khả năng nhận thức của con người, khả năng áp dụng khoa học để đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống; thông qua đó bồi dưỡng cho HS các năng lực, đặc biệt là năng lực thực nghiệm.

Thầy Huy cho biết, các thiết bị thí nghiệm (TBTN) không chỉ được sử dụng trong dạy học Vật lý ở trường phổ thông mà còn là tài liệu bổ ích cho nghiên cứu sinh, học viên cao học trong công tác nghiên cứu đồng thời khắc phục được các nhược điểm của TBTN trong và ngoài nước hiện có.

Chúng cũng có thể được sử dụng trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên ở các trường đại học sư phạm và cao đẳng sư phạm. Đặc biệt, một số TBTN và các thí nghiệm tiến hành với chúng tạo điều kiện cho việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo hoặc tổ chức các dự án dạy học cho HS.

Hiện nay, các TBTN của công trình đang được Ban tổ chức chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2016” tiến hành nhân rộng trong cả nước. Đồng thời, các TBTN đã và đang được sử dụng để đào tạo sinh viên năm thứ 3, thứ 4 và học viên cao học ở Tổ bộ môn phương pháp dạy học khoa Vật lý trường ĐHSP Hà Nội. Mặt khác, các TBTN cũng đã được gửi cho hội đồng xét duyệt mẫu của Bộ Giáo dục và đào tạo để lựa chọn một số TBTN đưa vào chương trình sách giáo khoa mới.

Các TBTN đơn giản nhưng hiệu quả, chính xác, dễ dàng tháo lắp, giá thành rẻ. Thông qua các mô tả trong công trình, giáo viên có thể tự chế tạo TBTN. Hiện nay, công trình đã được đăng rộng rãi trên mạng và bản thân tác giả đã gửi công trình cho rất nhiều các tập thể và cá nhân. Không những ở Hà Nội mà tác giả đã về một số tỉnh để hướng dẫn trực tiếp và chuyển giao công nghệ.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình làm việc và nghiên cứu để có kết quả như vậy, thầy cho biết: Khó khăn nhất đó là vấn đề cơ khí chính xác. Các thí nghiệm về điện yêu cầu độ chính xác cao. Do vậy đòi hỏi sự tỉ mỉ, bình tĩnh để thử nghiệm nhiều lần, có lúc phải bỏ tiền túi ra mà chưa biết kết quả sẽ đến đâu. Nhiều chi tiết phải đi thuê ở các cửa hàng máy tiện, có khi phải chờ cả buổi họ mới làm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyền thông Singapore e ngại Xuân Son

Truyền thông Singapore e ngại Xuân Son

GD&TĐ - Truyền thông Singapore nhận định tiền đạo nhập tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Son là ‘hiểm hoạ’ đối với ‘Bầy sư tử’ tại bán kết ASEAN Cup 2024.