Ẩn đằng sau đó là tình trạng nhân viên tại một số nhà máy lọc dầu đình công đòi tăng lương. Theo Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher, gần 30% trạm xăng ở Pháp đã đóng cửa tuần qua vì hết nhiên liệu.
Tình trạng khủng hoảng năng lượng cũng lan rộng tại Đức, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới. Sự phát triển của Đức dựa vào hai trụ cột chính là xuất khẩu công nghiệp và nhập khẩu năng lượng giá rẻ của Nga.
Tuy nhiên, việc phụ thuộc khá lớn vào nhiên liệu Nga đang khiến Đức phải trả giá. Nền kinh tế Đức sẽ đối mặt với suy thoái vào năm tới, từ đó, kéo theo sự suy thoái tại các quốc gia Đông Âu, nơi liên kết chặt chẽ với Đức, theo sau là phương Tây và thế giới.
Đơn cử, nhà máy hóa chất BASF, biểu tượng sức mạnh công nghiệp Đức, đang cắt giảm chi phí bằng cách ngừng các dây chuyền sản xuất tiêu tốn như năng lượng, phân bón. Điều này làm gia tăng tình trạng thiếu phân bón ở châu Âu và đe dọa an ninh lương thực toàn cầu.
Chiến tranh và khủng hoảng năng lượng không chỉ tác động lên nền kinh tế thế giới, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng lên các khu rừng.
Tại châu Âu, trời đang trở lạnh sớm và mùa đông năm nay có thể lạnh sâu hơn rất nhiều. Trong khi đó, hóa đơn năng lượng tăng vượt khả năng chi trả của các hộ gia đình còn chính phủ các nước chưa có nhiều giải pháp hỗ trợ khả thi. Trước bối cảnh trên, người dân khó có thể xoay xở với mùa đông này và buộc phải tìm về với các nhiên liệu truyền thống như gỗ.
Các tổ chức phi chính phủ cảnh báo khi nguồn cung năng lượng cạn kiệt, người dân châu Âu sẽ tăng cường khai thác gỗ để sưởi ấm trong nhà. Củi, nhiên liệu được khoảng 40 triệu người dân châu Âu sử dụng, đang trở thành mặt hàng được săn lùng. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ làm rừng bị suy giảm và tăng khai thác gỗ bất hợp pháp.
Đáng chú ý, các quốc gia châu Âu bị chia rẽ sâu sắc về vai trò của rừng trong việc đạt được mục tiêu xanh của khối.
Nhiều quốc gia cho phép khai thác gỗ và đốt củi để tiết kiệm các nguồn tài nguyên khan hiếm hơn như khí đốt. Đơn cử, Hungary, quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, đã dỡ bỏ các điều khoản che chắn các khu rừng được bảo vệ khỏi bị khai thác gỗ từ tháng 8.
Số khác tái vận hành các nhà máy điện cũ sử dụng than đá, nhiên liệu gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất trong số các nhiên liệu hóa thạch, bất chấp các cam kết bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu từng được nêu ra ở Hội nghị COP26.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đang nhắc cả thế giới nhớ lại cảnh hoang tàn tại Đức sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Khi đó, để sưởi ấm, người dân Đức đã chặt gần như tất cả cây trong công viên Tiergarten. Dù tình huống này sẽ không lặp lại, người dân châu Âu phải thừa nhận rằng, khai thác gỗ là biện pháp “khó tránh khỏi” trong bối cảnh hiện nay.
Vì vậy, việc bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu trở nên mong manh hơn rất nhiều so với việc tiết kiệm các nguồn năng lượng khan hiếm và giữ ấm cho mùa đông khắc nghiệt. Rừng đang “kêu cứu” trong vô vọng.