Đến Hà Giang mùa Xuân không thể bỏ qua 4 lễ hội độc đáo

GD&TĐ - Mỗi độ Xuân về là các dân tộc thiểu số ở Hà Giang lại nô nức tổ chức các lễ hội đậm đà hương vị cổ truyền của dân tộc như lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Gầu Tào, lễ hội cầu Trăng,... với mong muốn một năm mới gặp nhiều điều may mắn, mùa màng bội thu.

Điệu múa Khèn trong Lễ hội Gầu Tào của người Mông tại huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang).
Điệu múa Khèn trong Lễ hội Gầu Tào của người Mông tại huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang).

Lễ hội Gầu Tào của người Mông

Để tạ trời đất, thần linh, thổ địa đã phù hộ độ trì cho gia chủ và con cháu khỏe mạnh, con trai nối dõi tông đường, chăm sóc tổ tiên, dòng họ; cầu phúc, cầu lộc, tạ ơn trời đất đã phù hộ cho dân bản cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu, ngô lúa đầy sàn... từ ngày mồng Một đến ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, bà con dân tộc Mông ở Hà Giang tổ chức lễ hội Gầu Tào.

Nếu hội tổ chức ba năm liền thì mỗi năm tổ chức 3 ngày, còn hội làm gộp một năm sẽ tổ chức trong 9 ngày. Gầu Tào là lễ hội lớn nhất, đông người tham gia nhất và cũng nhiều nghi thức đặc sắc nhất của người Mông.

Nguồn gốc của Lễ hội Gầu Tào của người Mông lúc đầu nó chỉ đơn thuần là gắn liền với việc cầu tự “cầu con”, do một gia đình nào đó trong làng đứng lên tổ chức nên chỉ những gia đình giàu có  mới tổ chức được lễ hội này.

Sau dần lễ hội được nhân rộng, tổ chức thường xuyên và trở thành lễ hội của cộng đồng làng. Bởi vậy, ý nghĩa ban đầu của lễ đã có sự biến đổi. Ngoài việc cầu con, còn cầu sức khỏe, cầu may mắn, cầu cho mùa màng bội thu, dân bản có cuộc sống ấm no, thịnh vượng... Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ nhau, vui chơi, hát các điệu hát giao duyên và cùng nhau múa khèn, say bên những chén rượu đầu xuân...

Lễ hội Gầu Tào sẽ gồm hai phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm những nghi thức thể hiện bản sắc văn hoá của người Mông. Phần lễ bắt đầu bằng việc chuẩn bị lễ vật cúng thần như: thủ lợn, giấy tiền, ngô, thóc, xôi, rượu…

Ngoài ra, nghi lễ đặc sắc và được chú ý nhất trong lễ hội Gầu Tào chính là lễ dựng cây Nêu, bởi chính nghi lễ này báo hiệu cho mọi người biết gia chủ đang tổ chức lễ hội Gầu Tào.

Sau phần lễ chính đến phần hội, với nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa độc đáo như: múa khèn, múa sinh tiền, múa gậy, đánh yến, thi bắn nỏ, thi đấu võ, hát giao duyên...

Những người tham gia lễ hội phải tuân thủ mọi quy định của ban tổ chức đưa ra. Trong các hoạt động thì múa khèn, biểu diễn võ thuật, múa xinh tiền là các hoạt động sôi nổi và hào hứng nhất, các chàng trai thỏa sức biểu diễn khoe tài của mình.

 

Trò chơi "Đánh Yến" trong lễ hội Gầu Tào ở Hà Giang.

Lễ hội Gầu Tào không chỉ là nơi để thỏa mãn nhu cầu tâm linh mà còn là nơi để người Mông thỏa mãn nhu cầu tinh thần, thông qua các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh. Lễ hội Gầu Tào là một nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Mông ở Hà Giang.

Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày

Ngoài lễ hội Gầu Tào, đến với Hà Giang vào dịp đầu Xuân quý khách có cơ hội tham gia Lễ hội Lồng Tồng của đồng bào dân tộc Tày.

Đây là lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức vào những ngày đầu tháng giêng hàng năm của người dân địa phương để cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ.

Với khoảng trên 160.000 người, chiếm 25% dân số trong tỉnh Hà Giang, người Tày sinh sống rải rác ở các huyện, thành phố trong tỉnh nhưng tập trung đông nhất là ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê.

Lễ hội Lồng Tồng là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, cầu mùa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, thể hiện tín ngưỡng phồn thực cổ xưa và kết hợp với thờ Thành Hoàng làng, Địa thần, những người có công với đất nước, khai lập làng...

Tại Lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động như: Lễ cúng thần Hoàng bản thổ, thần Núi, thần Nước và thủ tục dẫn lễ Lồng Tồng; Lễ cày tịch điền, trồng lúa…Ngoài việc khám phá những nét văn hóa độc đáo được tái hiện ở không gian văn hóa của dân tộc Tày, các tiết mục dân ca, dân vũ như hát Then, Cọi, Sli;

Các hoạt động như thi cày ruộng, thi cấy lúa, nhân dân và du khách sẽ được tham gia các hoạt động trải nghiệm các trò chơi dân gian như: Tung còn; bịt mắt bắt lợn, bắt vịt; đu quay; đẩy gậy; chống chày; kéo co; đánh quay, đánh yến...

 

Nghi lễ cúng tế trời đất cầu thần linh ban cho mưa thuận gió hòa trong lễ Lồng Tồng của đồng bào Tày huyện Vị Xuyên (Hà Giang).

Lồng Tồng là lễ hội truyền thống có từ lâu đời phản ánh nhu cầu, văn hóa, tinh thần của nhân dân, đồng thời còn là dịp để cỗ vũ, động viên đồng bào các dân tộc trên địa bàn ra sức thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng địa phương.

Lễ Cấp sắc của người Dao

Cũng không thể không kể đến Lễ Cấp sắc của người Dao. Lễ Cấp sắc là một trong những di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Người Dao có dân số đứng thứ 3 ở Hà Giang.

Người Dao không chỉ nổi tiếng bởi đức tính cần cù, chịu khó làm ăn nên đời sống khá ổn định mà họ còn giữ gìn hầu như nguyên vẹn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Lễ Cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm. Lễ Cấp sắc có mục đích là chuyển từ giai đoạn trẻ con lên người đàn ông trưởng thành.

Người đàn ông cao tuổi mà chưa trải qua lễ cấp sắc thì cũng bị coi như chưa trưởng thành. Ngược lại, dù còn ít tuổi nhưng đã trải qua lễ cấp sắc thì người đó được phép tham dự bàn bạc những công việc của làng bản, dòng họ... Vì vậy, Lễ Cấp sắc ngoài việc là một trong những giá trị văn hóa độc đáo, nó còn là một nghi lễ không thể thiếu trong đời người đàn ông Dao.

Lễ hội chợ tình Khâu vai

Về Hà Giang dịp đầu xuân du khách sẽ được hòa mình vào Lễ hội chợ tình Khâu vai mỗi năm một lần duy nhất vào dịp 27/3 (âm lịch). Du khách được chìm đắm trong không khí tưng bừng náo nhiệt của lễ hội, ngây ngất trước khung cảnh núi non hùng vĩ, rạo rực trong tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn du dương, trầm bổng với tiếng khèn Mông, lời hát đối đáp tỏ tình của các chàng trai, cô gái Mông, Nùng, Giấy...

 

Nhiều hoạt động hấp dẫn sẽ diễn ra tại Lễ hội Chợ tình Khâu Vai tại Hà Giang.

Từ thị trấn Mèo Vạc huyện Mèo Vạc du khách có thể đi bằng xe gắn máy hoặc ô tô ngược qua Cán Chu Phìn, Lũng Pù đến với Khâu Vai: Từ lâu đời cái xóm nhỏ heo hút ở vùng cao núi đá huyện Mèo Vạc mang tên Khâu Vai đã trở thành nơi hội tụ của những đôi trai gái tìm bạn tình, của đôi lứa yêu nhau, của cả những người đã từng yêu nhau mà không lấy được nhau.

Nơi đây còn được gọi bằng cái tên thật đẹp “Chợ Phong lưu” một hiện tượng văn hoá đặc sắc hiếm có ở Việt Nam và có lẽ cả trên thế giới…

Những lễ hội mùa Xuân tại Hà Giang không chỉ đơn thuần mang yếu tố tín ngưỡng thuần tý mà còn là hình thức sinh hoạt văn hoá tinh thần mang đậm truyền thống, đạo lý tôn kính tổ tiên, tưởng nhớ công lao các vị anh hùng dân tộc có công xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Các lễ hội còn nhằm động viên, khích lệ các nghệ nhân và nhân dân nâng cao ý thức gìn giữ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.