Bốn câu thơ ấy trong bài “Vũ Lâm thu văn” do vua Trần Nhân Tông viết năm 1294.
Vũ Lâm đây chính là hành cung, một căn cứ quân sự thời Trần. Hành cung nằm ngay trong vùng núi thành Nam của kinh đô Hoa Lư xưa. Có thể nói, đây là chốn bồng cảnh tiên thu nhỏ dưới hạ thế, không chỉ nuôi dưỡng biết bao tâm hồn thi ca, mà còn là “vườn Phật” tu thân.
Căn cứ quân sự
Các tư liệu lịch sử đều khẳng định hành cung Vũ Lâm được xây dựng sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất (1258) lúc Trần Thái Tông tròn tuổi 40.
Hành cung Vũ Lâm là nơi núi rừng hiểm trở, non xanh, nước biếc, phía trước là sông Ngô Đồng chảy qua, phía sau là núi đá và những thung lũng để tập trận, luyện rèn cả thủy lẫn bộ binh để chuẩn bị quyết chiến với quân xâm lược.
Lúc quân Nguyên Mông đánh vào Thăng Long, triều đình đã rời khỏi kinh thành để lại vườn không nhà trống, đưa quân về phủ Thiên Trường và phủ Trường Yên.
Khi cánh quân của Toa Đô đánh từ Thanh Hóa ra đến hành cung Vũ Lâm đã bị quân tướng nhà Trần đánh cho bạt vía, để rồi từ đây qua Thiên Trường đánh về giải phóng Thăng Long khiến cho tướng giặc Thoát Hoan phải chui vào ống đồng chạy trốn.
Sau cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất (1258) vua Trần Thái Tông 40 tuổi, đã nhường ngôi cho con về vùng núi lập am để tu hành, mở đầu cho việc xây dựng hành cung Vũ Lâm. Phía trước hành cung, Thượng hoàng cho dựng một nếp chùa khiêm tốn, làm nơi tu tập.
Tuổi niên thiếu, Trần Khâm (tức vua Trần Nhân Tông sau này) từng theo ông nội về Vũ Lâm và say sưa nghe những tích chuyện. Nơi đây, có dòng sông Sào Khê đi từ Trường Yên về hành cung hợp lưu với sông Vân Sàng, sông Yên.
Giao thông chiến lược làm cho hành cung trở thành điểm nối quan trọng giữa kinh thành Thăng Long, Ninh Bình, Thái Bình và Nam Định, khiến vùng núi rừng sông nước này trở thành “sơn kỳ thủy tú” mà hoàng tử Trần Khâm hằng mê đắm.
Năm 1282 – 1283, trước khi quân Nguyên Mông kéo 50 vạn đại binh sang định xâm lược nước ta lần thứ 2, vua Trần Nhân Tông đã cùng với các tướng lĩnh triều đình về lại hành cung Vũ Lâm để bàn kế giữ nước, lập các phòng tuyến chặn giặc.
Sự thật cả vùng Vũ Lâm, Hệ Dưỡng, Tam Cốc, Bích Động đã được hai vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông sử dụng làm căn cứ phía Tây Nam đất nước. Cùng với căn cứ Vạn Kiếp tại khu Đông Bắc do Trần Hưng Đạo chỉ huy là hai căn cứ kháng chiến lớn nhất trong công cuộc chống quân Nguyên Mông.
Vua Trần Nhân Tông sai Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Trần Quang Khải, Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão ra chống giặc. Lúc đầu, quân ta thua to rút lui khỏi Thăng Long. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn soạn quyển “Binh thư yếu lược” và bài “Hịch tướng sĩ” để huấn luyện, khuyến khích ba quân.
Ngày nay, những tên đất, tên làng ở vùng đất hành cung còn in đậm dấu ấn lịch sử thời ấy. Đó là cánh đồng Trường Thi nơi tập trận, Bến Thánh tập kết thủy quân, làng Thiện Trạo (chèo thuyền giỏi), làng Hạ Trạo (gác chèo) ở xã Ninh Thắng.
Hằng năm, mỗi độ xuân về, hàng triệu lượt cháu con của Rồng Tiên đất Việt và bạn bè bốn phương lại về cung Vũ Lâm vãng cảnh. Họ bồi hồi tưởng niệm vị vua sáng của Đại Việt – Trần Nhân Tông, một vị Phật hoàng với tinh thần nhập thế “đạo pháp gắn với dân tộc”.
Nhường ngôi xuất gia
Cụ Nguyễn Cao Ngạn, một họa sĩ 20 năm nay sống và sáng tác về hành cung Vũ Lâm, cho biết: Di tích này phân bố rộng khắp bốn xã: Ninh Hải, Ninh Thắng, Ninh Xuân và Ninh Vân của huyện Hoa Lư. Ở đây núi non trùng điệp, trong ruột núi có hang, bên ngoài có sông quanh co uấn khúc, thông xuyên vào núi.
“Trần Thái Tông 40 tuổi, sau khi nhường ngôi liền đi tìm nơi danh thắng để tu hành. Một hôm, vua đến vùng núi Vũ Lâm, vào hang Cả, hang Hai, hang Ba dựng một am nhỏ đặt tên là vườn Am”, cụ Ngạn cho biết.
Vườn Am nay vẫn còn, ngự giữa hai dãy núi hẹp, có sông Ngô chạy xuyên giữa. Vì địa thế vững chãi, nhưng chật hẹp lầy lội, không tiện đi lại nên Trần Thái Tông tìm ra phía ngoài động Vũ Lâm.
Cụ Ngạn bơi thuyền dẫn chúng tôi tới động Vũ Lâm. Động nằm ở phía Tây thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải. Đó là một thung lũng nằm trong dãy Trường Yên. Ba mặt Bắc, Nam và Tây đều được bao quanh bởi núi, chỉ có mặt Đông, nơi tiếp giáp với thôn Văn Lâm là không có núi che kín, nhưng lại có sông Ngô và cánh rừng rậm rạp.
Cụ Ngạn bảo rằng, ở đây từng có nhiều quạ nên gọi là Ô Lâm. Động Vũ Lâm và khu rừng rậm này như một bức tường thành bảo vệ cho am Thái Vi. Đây là vùng đất dễ vào mà khó ra, lại có sương khói bao phủ quanh năm.
Phía Tây đền Thái Vi sát chân núi còn có một mảnh đất hình chữ nhật rộng gọi là đất Triều Cũ. Đó là di tích của một kiến trúc cổ. Ở phía Bắc am Thái Vi có bến Sính hay bến Thánh là một bến được Trần Thái Tông mở để vào Thái Vi bằng đường thủy.
Người dân quanh quần thể di tích Vũ Lâm cho rằng, các vua Trần chọn nơi đây tu hành, ngoài lý do yên tĩnh thì còn là một thắng cảnh tuyệt mĩ. Người Hoa Lư vẫn tự hào vì tạo hóa vì điều đó. Này đây Tam Cốc ba hang, hang Cả, hang Hai, hang Ba, hang nào cũng thần bí kiểu “thủy xuyên động”.
Theo truyền thuyết của địa phương thì để bảo vệ cho am Thái Vi, Trần Thái Tông đã cho dựng những trạm gác kiên cố. Phía Đông là trạm cửa Quan, hay Tam Quan. Trạm thứ hai ở chỗ miếu gò Mưng. Trạm thứ ba gọi là cửa Quen. Cuối cùng là đình Các, tương truyền là trạm đón tiếp của dân Giáp Cật, cũng là nơi các quan tập trung sửa áo mũ để chuẩn bị vào am Thái Vi.
Đất thiêng thờ thần
Thái Vi có lẽ là một di tích nổi bật nhất, rộng lớn nhất và bí hiểm nhất của vùng Hoa Lư. Nhưng, xung quanh đó còn vô vàn những đình đền miếu mạo, mà nếu khơi sử có lẽ phải tốn đến cả kho tư liệu.
Nếu như Thăng Long có tứ trấn, thì Hoa Lư cũng không kém. Nào trấn Đông, trấn Tây, trấn Nam, trấn Bắc với những vị thần: Thiên Tôn, Cao Sơn, Quý Minh, Không Lộ.
Các nhà khoa học nghiên cứu về kinh đô Hoa Lư, khi nạo vét ở các hang động Tràng An gần khu vực đền Trần, đã phát hiện được nhiều di tích quan trọng khẳng định đó cũng là nơi sinh hoạt của các phân quyền ngày xưa ở thế kỷ thứ 14 như nồi gốm, bát đĩa cổ.
Cách đó không xa là chùa Linh Cốc, chùa Nhất Trụ, điện Hành Cung, chùa Khai Phúc. Thậm chí, nếu ai am tường lịch sử còn có thể tự khám phá cả nơi nuôi nhốt hổ của triều đình xưa, để trừng trị những kẻ phản quốc, những tội đồ. Đó là động Am Tiên, còn có tên gọi là “Tuyệt tình cốc”.