Đến Đà Nẵng “Phiêu sắc” cùng 5 nghệ sĩ Huế

GD&TĐ - Triển lãm Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2020 vừa khép lại đã mở ra một cuộc chơi sắc màu mới.

Các nghệ sĩ Huế hi vọng triển lãm “Phiêu sắc” sẽ đem đến cái nhìn mới về mỹ thuật trừu tượng.
Các nghệ sĩ Huế hi vọng triển lãm “Phiêu sắc” sẽ đem đến cái nhìn mới về mỹ thuật trừu tượng.

Các nghệ sĩ đến từ Huế sẽ “phiêu” hết mình để tạm quên đi một năm ảm đạm bởi dịch Covid-19 và những mất mát vì thiên tai vừa qua.

Triển lãm “Phiêu sắc” sẽ diễn ra đến ngày 4/1/2021 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Đà Nẵng với sự góp mặt của nhóm 5 họa sĩ trẻ: Trần Vĩnh Thịnh, Hoàng Đăng Nghiễm, Hoàng Đăng Khanh, Trần Hữu Nhật và Nam Thành Trung.

Suốt một năm các hoạt động văn hóa – nghệ thuật trầm lắng đã khiến cho nghệ sĩ và công chúng Huế - Đà Nẵng không khỏi bức bối. Sự kiện “Phiêu sắc” hứa hẹn mang đến một luồng gió mới để chào đón năm 2021 với những hi vọng tốt đẹp. 

Sắc màu sau dịch Covid-19

Theo Ban tổ chức triển lãm “Phiêu sắc”, đây là một cuộc triển lãm ngẫu hứng lần đầu tiên của 5 tác giả có cùng quan điểm và đam mê hội họa trừu tượng. Họ cùng khởi hứng và lấy tên “Phiêu sắc” làm chủ đề với ý nghĩa phiêu lưu và trải nghiệm trong thế giới sắc màu. 

Từ đầu năm 2020 đến nay, công chúng và nghệ sĩ Huế - Đà Nẵng gần như ít được tiếp cận các hoạt động nghệ thuật bởi dịch Covid-19 gây ra. Từ sân khấu, điện ảnh, hội họa, âm nhạc đến các cuộc triển lãm trưng bày đều phải trì hoãn không thời hạn.

Vì vậy, bất cứ một cuộc chơi nghệ thuật nào đến với công chúng vào lúc này đều được quan tâm một cách đặc biệt. Xứ Huế - với trầm tích văn hóa cố đô xưa đóng vị trí quan trọng trong hành trình kiếm tìm xúc cảm, đề tài để nghệ sĩ có thể tự do “phiêu” sáng tạo trên tấm toan, lụa hay bất cứ chất liệu nào khác. 

Người yêu tranh trừu tượng đã quá quen thuộc với Trần Vĩnh Thịnh. Anh có mặt trong triển lãm “Phiêu sắc” không chỉ bởi xuất thân là người cố đô. Cũng như mọi người, anh hi vọng một năm 2021 sẽ sáng sủa hơn giống như những bức họa rực rỡ vàng son – như cách anh chọn.

Người xem tranh từng được biết đến qua nhiều triển lãm của Trần Vĩnh Thịnh cùng những gam màu vàng đặc trưng. Anh phủ màu lên tất cả các chủ đề, từ tâm linh tôn giáo đến văn hóa Á Đông, từ sông núi đến biển cả. Tất cả được anh diễn tả bằng ngôn ngữ hội họa riêng biệt và nhất quán.

“Một sớm mai xuân” là tên triển lãm mà Thịnh cùng một số nghệ sĩ đã thể hiện vào năm 2019 dưới sự giám tuyển của nhà nghiên cứu nghệ thuật Lý Đợi. Gam vàng chủ đạo trong “Ngõ thu xưa” hay “Sen cuối mùa” hoặc “Lời cầu nguyện” là những tự tình cũng như phong cách sáng tạo của Thịnh.

Thế nhưng, trong triển lãm “Phiêu sắc”, những mảng màu xanh đã nhấn nhá xuất hiện trong màu vàng, tạo nên một nhãn quan khác, làm nên những tương tác thú vị và sang trọng hơn trong các tác phẩm mà anh tham gia.

Tác phẩm “Tình yêu EL SALVADOR” nhuộm trên bố gai của họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm.
Tác phẩm “Tình yêu EL SALVADOR” nhuộm trên bố gai của họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm.

Vườn hoa sắc hi vọng

“Suy cho cùng nghệ thuật trừu tượng cũng nhằm thể hiện nhiều góc nhìn khác nhau về thế giới này. Khi vẽ trừu tượng, có khi như bước vào trạng thái “không làm gì và làm mọi thứ”, như để tích hợp tri giác cùng với tinh thần tư duy, hoặc hiểu biết về trí tuệ, kinh nghiệm sống... Tôi thích sử dụng các nét cọ không bị gò bó để trình bày sự hiểu biết trực quan mà theo tôi cảm nhận, đó chính là tâm linh”. Họa sĩ Trần Hữu Nhật

Họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm có thể được coi là nhân vật đặc biệt tại thị trường mỹ thuật miền Trung, khi xuất thân của anh là một kiến trúc sư.

Nhìn tranh của Đăng Nghiễm, công chúng cảm nhận được sự dữ dội, đấu tranh nội tại, những dằn vặt về quá khứ, những trăn trở về tương lai. Họa sĩ cắt dán mảng miếng tổng hợp với gam màu trầm sâu thẳm, từ những chất liệu rất đặc biệt như bao tải, áo quần, kim loại…

Họa sĩ trẻ Trần Hữu Nhật cũng là một tên tuổi khá quen thuộc trong giới mỹ thuật cả nước. Anh không những sáng tác trong lĩnh vực hội họa giá vẽ, mà còn tham gia sáng tạo trong nhiều lĩnh vực mỹ thuật đương đại khác như trình diễn, sắp đặt, video art…

Tham gia với “Phiêu sắc”, Hữu Nhật trình làng 7 tác phẩm trừu tượng đen trắng mà anh vừa hoàn thành. Nhìn những bức họa của Nhật, công chúng dễ liên tưởng đến chữ “phiêu” nhất, vì tính chất xuất thần đầy ngẫu hứng trong các tác phẩm.

Hoàng Đăng Khanh là một họa sĩ trẻ trước đây đã từng tham gia nhiều triển lãm với những bức tĩnh vật nhẹ nhàng nhưng riêng biệt. Đăng Khanh cũng là một trong những họa sĩ được giới sưu tập cả trong và ngoài nước chú ý. Nhưng hai năm trở lại đây, anh đã chuyển sang sáng tác theo phong cách trừu tượng.

Sẵn những nhẹ nhàng của tranh tĩnh vật, Hoàng Đăng Khanh ngẫu hứng rẩy màu như lên đồng, làm cho các bức họa có cảm giác hiền lành nhưng bí ẩn. Giá trị tác phẩm của Khanh là những suy tư về các giá trị chân - thiện - mỹ, cùng những nhấn nhá nổi bật làm nên sự khác biệt, mạch lạc.

Trẻ nhất trong 5 người tham gia triển lãm - Nam Thành Trung là họa sĩ duy nhất trong nhóm thực hành sơn mài. Trung đem đến cho người thưởng tranh một vườn xuân hoa sắc, nhiều sức sống và mạnh mẽ như tuổi trẻ của mình. 

Nội lực, tươi mới, hào sảng đầy ắp năng lượng chất chứa trong 5 bức sơn mài anh tham gia lần này là một điểm nhấn nổi bật giữa những sơn dầu, acrylic, chất tổng hợp. Lối đi riêng “rất Huế” của Trung đem đến sự kỳ ảo trong những nét khắc họa, nhưng cũng thu hút sự chú ý của công chúng Huế vốn rất tinh tường nghệ thuật sơn mài truyền thống. 

Nhà nghiên cứu nghệ thuật Lý Đợi cho rằng, có thể do tình cờ “Phiêu sắc” đã tụ được 5 gương mặt vẽ trừu tượng ở Huế. Họ đều từng kinh qua nhiều ngôn ngữ, rồi tạt qua trừu tượng, thấy hứng thú, nên tạm dừng lại ít lâu để vẽ, để chiêm nghiệm.

Tình cờ - nhưng đó cũng là cái duyên tụ lại ở Đà Nẵng mà các nghệ sĩ Huế đã dày công sắp đặt. Như mong đợi của 5 nghệ sĩ trẻ người Huế - một năm mới đầy hi vọng, không chỉ trong đời sống, mà còn trên hành trình phát triển văn hóa, kiến tạo văn minh, đem cái đẹp đến với công chúng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ