Nhiều trường mạnh dạn áp dụng các hình thức mới khiến học sinh thích thú, song có trường hợp khi thực hiện đã gây “tranh cãi”.
Ý kiến trái chiều
Những ngày qua, dư luận xôn xao về cách tính điểm của Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM). Theo đó, trường dự kiến giữa tháng 11/2023 sẽ tổ chức cho học sinh khối 10 đi xem vở kịch “Yêu là thoát tội” tại nhà hát Trần Hữu Trang.
Sau khi xem kịch, học sinh làm bài thu hoạch theo nhóm, mỗi nhóm khoảng 8 - 10 em. Bài tập được chấm điểm theo thang 10 điểm. Trong đó, nội dung cảm nhận vở kịch (3 điểm); thiết kế đẹp (3 điểm); đăng trên Facebook và Zalo cá nhân được trên 100 “like” (2 điểm) và số lượt chia sẻ trên trang cá nhân đạt từ 50 lượt trở lên (2 điểm).
Trước thông tin trên, một số ý kiến cho rằng chấm điểm bài thu hoạch dựa vào lượt tương tác trên Facebook, Zalo không phù hợp. Tài khoản D. bình luận: “Qua trải nghiệm nhiều năm trên Facebook, tôi thấy việc like/share hiện nay như cái chợ, có thể mua hoặc nhờ người thân, bạn bè… Cách nhà trường áp dụng để “cộng điểm” cho học sinh là “áp đặt mềm”, nó tiêu phí thời gian vô ích của thầy và trò”. Một số ý kiến khác cũng cho rằng đây là hình thức “câu like” cho trường.
Tuy nhiên, bên cạnh đó có ý kiến đồng tình cách làm này. Em D.G.N. - học sinh lớp 11, Trường THPT Bùi Thị Xuân cho rằng, xem số like, lượt share khi tính điểm bài thu hoạch là hình thức đánh giá mới mẻ, giúp người học tiếp cận mạng xã hội một cách tích cực. Điều này tạo hứng thú cho học sinh so với kiểm tra trên giấy.
“Chúng em cũng thoải mái khi thực hiện. Chia sẻ bài làm của mình trên mạng xã hội, em có thêm tương tác và tăng mối quan hệ. Khi nhận được phản hồi tích cực từ mọi người, em cảm thấy vui. Em hy vọng trường sẽ tạo cơ hội để em và các bạn có thêm trải nghiệm”, D.G.N. cho hay.
Chị Nguyễn Thị Huỳnh Như (TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ: “Khi con gái học lớp 9, tôi cũng tham dự nhiều cuộc thi, hội thi tính điểm qua lượt like và chia sẻ để trao giải, nên việc này tôi thấy hay. Tất nhiên tương tác trên mạng sao cho an toàn, văn minh, thu hút lại cần phải học nên tôi mong trường đưa nội dung này vào chương trình dạy cho học sinh. Tôi nghĩ mọi người hãy để các nhà trường làm chuyên môn. Có thể đúng, sai, ta hãy khoan chê trách mà lắng nghe, hỗ trợ để cùng phát triển”.
Tiết dạy của thầy Võ Minh Nghĩa - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Du. Ảnh: Hồ Phúc |
Cẩn trọng khi thực hiện
Cô Nguyễn Thị Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức) cho hay, đổi mới kiểm tra đánh giá rất quan trọng, khác với câu chuyện đổi mới phương pháp dạy học. Bởi kiểm tra đánh giá là khâu quyết định kết quả việc học của học sinh. Nếu kiểm tra, đánh giá sai dễ dẫn đến nhiều vấn đề.
Không phải cứ có ý tưởng là đi vào thực hiện, cần bàn bạc, trao đổi, thảo luận, lấy ý kiến trong tổ chuyên môn, liên tịch, hội đồng chuyên môn, chuyên gia giáo dục hay giúp học sinh hiểu, tiếp cận, thích nghi với hình thức kiểm tra đánh giá này qua những hoạt động mang tính thử nghiệm mức độ nhẹ trước.
“Việc cho điểm bằng hình thức “thả tim, đếm like, share” trên trang mạng xã hội hay bất cứ hình thức nào phải đưa yếu tố pháp lý lên hàng đầu. Đó chính là các thông tư, văn bản quy định của ngành Giáo dục về kiểm tra đánh giá. Nếu nội dung nào không được ghi chi tiết trong văn bản của ngành thì phải thông qua (có văn bản thống nhất) các hội đồng, ban, tổ, nhóm trong đơn vị”, cô Hà cho hay.
Tuy nhiên, cô Hà lưu ý, “thả tim, like, share”… trên trang mạng đòi hỏi học sinh, giáo viên nắm rõ cách thức để thực hiện đúng yêu cầu. Vì khi kiểm tra đánh giá trên trang mạng xã hội, ngay lập tức kết quả có nhiều người biết đến. Ngoài ra, khi giáo viên đưa ra hình thức này phải dựa vào thực tế điều kiện cũng như năng lực từng học sinh, đồng thời chú trọng yếu tố tất cả được tham gia, tránh tình trạng em có, em không.
Chia sẻ quan điểm, thầy Võ Minh Nghĩa - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10) cho hay, đối với Chương trình GDPT 2018, đa dạng hóa hình thức kiểm tra, đánh giá đã và đang được cơ sở giáo dục quan tâm, thực hiện. Theo đó, cơ sở pháp lý để công tác này được triển khai mạnh mẽ chính là Thông tư 22 năm 2021 của Bộ GD&ĐT về đánh giá học sinh THCS và THPT với tư duy mở, đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện theo chương trình mới.
Ngoài các nội dung hướng dẫn chi tiết việc thực hiện công tác kiểm tra đánh giá thì định nghĩa lại hình thức kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận công nghệ thông tin, xu thế mới là một trong những điểm sáng của thông tư. Thông tư cho phép giáo viên khi tham gia giảng dạy ở trường phổ thông có thể đa dạng hóa hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh để nâng cao chất lượng giáo dục.
“Trong kiểm tra, đánh giá, giáo viên được quyền tổ chức đa dạng hình thức khác với phương pháp kiểm tra “giấy trắng, mực đen” như trước kia. Tôi đánh giá, đây là hoạt động giáo dục mang tính tích cực, phù hợp sự năng động hiện nay của thế hệ Gen Z và xã hội. Bởi không có phương pháp nào hữu hiệu nhất, cũng không có phương pháp nào tồi tệ nhất.
Giáo dục phải hài hòa và tổng hòa các phương pháp để có hiệu quả cao. Quá trình kiểm tra đánh giá cũng vậy, người dạy và học cần có tư duy mới, mở rộng và năng động để cùng hội nhập vào thời đại công nghệ số. Đối với tôi, điều tâm đắc nhất ở Thông tư 22 là việc biến kiểm tra đánh giá từ áp lực kết quả thành thước đo quá trình. Đây là điều đáng hoan nghênh của Chương trình GDPT mới”, thầy Nghĩa chia sẻ.
Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết: “Theo kế hoạch, sau khi xem kịch, tổ Ngữ văn sẽ cho các em viết cảm nhận và đưa lên mạng xã hội. Qua hoạt động này, học sinh được rèn kỹ năng làm việc nhóm, cộng tác, chia sẻ thông tin, cảm nhận văn học nghệ thuật, xử lý hình ảnh âm thanh, sử dụng công nghệ thông tin. Nhà trường sẽ chung tay cùng gia đình giáo dục các em biết cách sử dụng mạng xã hội. Những sản phẩm làm ra từ tâm hồn tươi đẹp của các em cần được lan tỏa”.