Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi với nhiều quy định mới. Trong đó, quy định xe máy phải bật đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế suốt quá trình lưu thông trên đường. Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất này không phù hợp với điều kiện thời tiết tại Việt Nam.
Không phù hợp...
Theo các chuyên gia về giao thông, quy định về bật đèn chiếu sáng cả ngày đối với phương tiện tham gia giao thông chỉ phù hợp với các nước Châu Âu, khi ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều, cần bật đèn để nhận diện.
Thời tiết của Việt Nam không như các nước ôn đới mùa hè cao nhất chỉ 290C và mùa đông trời mù và nhiều tuyết rơi thì mới cần thiết phải bật đèn 24/24 là đúng. Còn Việt Nam khí hậu nhiệt đới với thời tiết vào mùa hè nhiệt độ luôn ở mức cao. Nếu bật đèn gây chói mắt với người điều khiển phương tiện giao thông đi ngược chiều.
Cạnh đó sẽ tiêu tốn một lượng điện ở bình ắc quy, từ đó tăng tiêu thụ nhiên liệu, tăng chi phí, tăng lượng phát thải khí gây ô nhiễm môi trường. Tiếp đến, tỉ lệ ôtô của Việt Nam khoảng 60 triệu xe máy và trung bình mỗi ngày có khoảng 20 triệu xe hoạt động sẽ tiêu hao lượng nhiên liệu rất lớn vậy không nên áp dụng đề xuất yêu cầu bật đèn xe 24/24.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - ông Nguyễn Văn Quyền, việc bật đèn xe máy vào ban ngày là không cần thiết. Đặc biệt việc bật đèn cũng không giảm thiểu được tai nạn giao thông, mà còn tác dụng ngược, như ô nhiễm môi trường, gây chói mắt…
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải) cho rằng, Việt Nam khí hậu nhiệt đới trên 80% là ngày nắng, do đó điểm tối mù rất ít. Việc bật đèn sẽ phản cảm và không hợp lý. Lúc mưa gió, hay sương mù vào mùa đông khi thấy không đảm bảo ATGT thì người điều khiển phương tiện sẽ tự bật đèn cảnh báo với các phương tiện lưu thông đối chiều diện. Chứ không nên quy định bắt buộc.
Cũng theo TS Nguyễn Xuân Thuỷ, khi xây dựng chủ trương đề xuất có cái đúng vì trên thế giới nhiều nước đã áp dụng việc bật đèn xe 24/24. Tuy nhiên, việc áp dụng một biện pháp, chính sách nào cũng phải tuỳ thuộc vào điều kiện của từng quốc gia.
“Đối với Việt Nam, tôi không nhất trí với đề xuất này trong thời điểm này vì việc hàng triệu ôtô, xe máy cùng bật đèn trong khi thời tiết 39 đến 400c, hàng triệu phương tiện lưu thông trên đường dẫn đến kẹt xe, khói bụi, nóng bức… nhiệt độ từ các phương tiện phát thải ra không khí cùng đèn xe chiếu thẳng giữa mặt người đi ngược chiều sẽ làm tăng nhiệt độ, ảnh hưởng đến môi trường và lãng phí không cần thiết, phản cảm cùng với ánh sáng mặt trời sẽ chói mắt gây bất hợp lý về tâm lý và xử lý dẫn đến mất an toàn giao thông” TS Thuỷ nhấn mạnh.
Bật đèn giúp giảm tai nạn giao thông
Theo khoản 3 Điều 27 của dự luật giao thông quy định: Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau. Như vậy, người lái xe máy khi tham gia giao thông phải bật đèn được trang bị theo thiết kế của xe.
Lý giải về vấn đề này, đại diện Bộ GTVT cho rằng, các quy định trên được tham khảo từ Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ (Công ước 1968). Trong đó, quy định bật đèn xe máy cả ngày nhằm tăng nhận diện, giúp người điều khiển ôtô dễ dàng nhận diện các phương tiện đang lưu thông. Đặc biệt xe tải thường có những điểm mù mà người ngồi trong ôtô không phát hiện được, từ đó giảm tai nạn giao thông.
Theo BS Ngô Chí Thanh, Trưởng khoa Mắt Bệnh viện GTVT, việc ánh sáng chiếu vào mặt sẽ bị loá mắt người đối diện khi trời tối, còn về ban ngày thì không ảnh hưởng. Ưu điểm khi bật đèn thì sẽ cảnh báo được phương tiện phía trước và phía sau và những lúc trời mưa hoặc sương mù, nhưng khi trời nắng thì không cần thiết. Hiện rất nhiều phương tiện gắn đèn ánh sáng cao gây loá mắt người đối diện gây mất an toàn giao thông, do đó cũng cần có quy định về ánh sáng đèn pha của các phương tiện.
Anh Nguyễn Ngọc Tùng (Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, quy định này rất đúng, vì phản xạ của người điều khiển phương tiện đối với ánh sáng trước mặt sẽ giảm được TNGT. Vì ánh sáng màu vàng đối diện rất nhạy cảm với mắt của người đối diện vào ban ngày, nhất là vào các đoạn đường cua.
Do đó, việc bật đèn sẽ tạo phản xạ cho người tham gia giao thông nhận biết có tín hiệu đèn phía trước, lâu dài sẽ thành phản xạ có điều kiện, khi thấy có ánh đèn người tham gia giao thông sẽ chủ động giảm tốc độ, cho xe tránh… điều này sẽ giúp giảm tai nạn giao thông đáng kể.
Hiện nay rất nhiều các dòng xe mới (nhất là xe nhập khẩu) đều để chế độ đèn 24/24 ngoài chiếu sáng vào ban đêm còn cảnh báo các phương tiện đối diện vào ban ngày. Bộ GTVT khi lấy ý kiến dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi với đề xuất mới này nên cân nhắc.
Tiếp thu, điều chỉnh đề xuất xe máy phải bật đèn cả ban ngày
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang gây tranh cãi khi quy định xe máy phải bật đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế suốt quá trình lưu thông trên đường; vượt đèn xanh tại nút giao ùn tắc cũng bị phạt.
Ông Hoàng Thế Tùng, Vụ phó Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), ban soạn thảo sẽ điều chỉnh lại cho phù hợp với Việt Nam. Tùng Quang