Để đảm bảo tính răn đe, giảm TNGT thảm khốc có nguyên nhân từ vi phạm nồng độ cồn, ma túy, góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Tổng cục Đường bộ cho rằng, hiện một số hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy… có tính chất, mức độ vô cùng nguy hiểm, khả năng gây TNGT với hậu quả rất nghiêm trọng.
Việc quy định hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng (giấy phép lái xe) GPLX từ 4-6 tháng hoặc 22-24 tháng trong dự thảo sửa đổi Nghị định 46 là chưa đủ sức răn đe.
Theo Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ), sở dĩ dự thảo sửa đổi Nghị định 46 chỉ quy định thời hạn tước giấy phép lái xe tối đa 24 tháng là vì tại Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định thời hạn tước giấy phép lái xe, chứng chỉ hành nghề, thời hạn đình chỉ hoạt động là 1-24 tháng.
Do vậy, trong lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính lần này, Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT đề xuất tăng thời hạn tước quyền sử dụng GPLX, có thể tước quyền sử dụng GPLX vĩnh viễn đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có mức độ, tính chất đặc biệt nguy hiểm để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước.
Trong dự thảo tờ trình trình Chính phủ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Bộ Tư pháp đánh giá, sau 6 năm thi hành, vướng mắc chủ yếu tập trung vào những vấn đề như: Mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực còn quá thấp, thiếu tính răn đe; thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền dẫn đến tình trạng dồn quá nhiều vụ việc lên cơ quan cấp trên; thủ tục xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính còn nhiều bất cập…
Bộ Tư pháp cho rằng, việc sửa đổi luật là cần thiết nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên tất cả các lĩnh vực.