Nhức nhối vi phạm nồng độ cồn, ma túy
Ngày 15/7, Công an TP.Pleiku (Gia Lai) tiến hànhkiểm tra nồng độ cồn tại đường Phạm Văn Đồng (phường Thống Nhất, TP Pleiku). Tổ CSGT đề nghị tài xế ô tô BKS 81A-131.15 đo nồng độ cồn.
Tuy vậy, lái xe là Thượng úy Nguyễn Văn Hòa - quân nhân Tổng Công ty 15 (Bộ Quốc phòng) không hợp tác, liên tục lấy lý do gọi điện thoại để bỏ đi. Với lỗi vi phạm không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ, ông Hòa chỉ bị tạm giữ giấy phép lái xe (GPLX) 5 tháng, phạt hành chính 17 triệu đồng.
Trước đó, ngày 22/5, Đội CSGT số 6 (Công an TP Hà Nội) tiến hành kiểm tra nồng độ cồn trên đường Phạm Hùng đã phát hiện xe ô tô BKS 30A-672.56 có nhiều biểu hiện nghi vấn nên đã ra tín hiệu dừng xe.
Tuy nhiên, sau khi xuống xe, tài xế có biểu hiện say xỉn, không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn. Với hành vi chống đối, tổ công tác đã lập biên bản và xử phạt 17 triệu đồng và tước GPLX 5 tháng.
Trên đây chỉ là hai trong số hàng nghìn vụ vi phạm nồng độ cồn bị lực lượng chức năng xử lý thời gian qua. Nhiều ý kiến cho rằng, pháp luật hiện hành quy định chế tài đối với người sử dụng rượu bia, ma túy khi lái xe vẫn được xem là chưa đủ mạnh.
Theo Nghị định 46/2016 thì người đi xe ô tô có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép bị phạt cao nhất là từ 16 - 18 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tước bằng lái 4 - 6 tháng. Người đi xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép thì bị phạt cao nhất là 4 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 3 - 5 tháng.
Điều này có nghĩa là tài xế vi phạm vẫn có cơ hội lái xe, dễ dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc. Dư luận vẫn chưa quên vụ việc lái xe sử dụng rượu, bia cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội ở đường Láng, hầm chui Kim Liên (Hà Nội); vụ tài xế dương tính ma túy, đâm thẳng vào đoàn người đi viếng nghĩa trang làm chết 8 người ở Hải Dương; Hay vụ nữ đại gia đã uống rượu, bia vẫn lái xe, đâm 7 xe máy đứng chờ đèn đỏ ở hầm chui Hàng Xanh (TP HCM).Việc những người này vẫn có thể tiếp tục lái xe sau khi ra tù khiến dư luận không khỏi nghi ngại: Liệu họ có tiếp tục gây tai nạn?
Đề xuất tước GPLX vĩnh viễn
Để đảm bảo tính răn đe, giảm TNGT thảm khốc có nguyên nhân từ vi phạm nồng độ cồn, ma túy, góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, hiện một số hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy… có tính chất, mức độ vô cùng nguy hiểm, khả năng gây TNGT với hậu quả rất nghiêm trọng.
Việc quy định hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng GPLX từ 4 - 6 tháng hoặc 22 - 24 tháng trong dự thảo sửa đổi Nghị định 46 là chưa đủ sức răn đe.
“Lý do dự thảo sửa đổi Nghị định 46 chỉ quy định thời hạn tước GPLX tối đa 24 tháng vì tại Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định thời hạn tước GPLX, chứng chỉ hành nghề, thời hạn đình chỉ hoạt động là 1 - 24 tháng”, Tổng cục Đường bộ VN nêu.
Do vậy, trong lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính lần này, Tổng cục Đường bộ VN đề xuất tăng thời hạn tước quyền sử dụng GPLX, có thể tước quyền sử dụng GPLX vĩnh viễn đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có mức độ, tính chất đặc biệt nguy hiểm để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước.
Đồng tình với đề xuất này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, khi có quy định này, buộc tài xế phải nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ pháp luật hơn để đảm bảo hành nghề an toàn phục vụ cuộc sống của mình và mọi người.
Tuy nhiên, ông Quyền cho rằng, đối với hành vi uống rượu, bia cần nghiên cứu kỹ vì mức độ ảnh hưởng của nồng độ cồn đến hành vi lái xe là khác nhau.
Phân tích cụ thể hơn ông Quyền cho rằng, một vụ tai nạn cộng hưởng từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nên cần phân định rõ tỷ lệ nguyên nhân, sau đó mới có hình thức xử lý phù hợp.“Việc tước vĩnh viễn ảnh hưởng lâu dài, nếu tước vĩnh viễn tài xế sẽ không biết làm gì khác, ảnh hưởng đến đời sống việc làm không chỉ lái xe mà cả thế hệ sau, gia đình, vợ con họ.
Vì vậy cần nghiên cứu kỹ cơ sở lý luận và thực tiễn. Nhưng không nên quy định phải đặc biệt nghiêm trọng mới thu bằng vĩnh viễn mà phải căn cứ vào nguyên nhân gây tai nạn.
Nếu nguyên nhân chủ quan của tài xế hoặc xe kinh doanh vận tải hoặc sử dụng ma túy, rượu, bia gây TNGT thì mới thu vĩnh viễn. Còn tai nạn do nguyên nhân khách quan hay hỗn hợp thì phải xem xét”, ông Quyền nói.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cũng cho rằng, việc tước vĩnh viễn GPLX của tài xế cần xem xét kỹ lưỡng bối cảnh lái xe vi phạm quy định của pháp luật về ATGT, nhất là trường hợp lái xe gây TNGT.
Phải xác định đúng nguyên nhân gây tai nạn là do tài xế, hạ tầng hay phương tiện. “Riêng trường hợp lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy gây TNGT thì cần tước GPLX vĩnh viễn, kể cả lái xe thương mại, phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vận tải hay phi thương mại để xã hội không phải chứng kiến sự việc đau lòng như vụ TNGT thảm khốc tại Long An hồi tháng 1/2019 do lái xe vừa nghiện ma túy, vừa có nồng độ cồn trong người gây ra”, ông Thạch nói.
GS. TS. Từ Sỹ Sùa, Giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, các cơ quan chức năng hãy thực hiện ngay theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là xử lý nghiêm, sửa luật để phạt nặng, tước bằng lái vĩnh viễn với người vi phạm.
Tuy nhiên, ông Sùa cho rằng, việc xem xét tước vĩnh viễn quyền sử dụng GPLX đối với lái xe thực hiện các hành vi vi phạm quy định về sử dụng rượu, bia, ma túy khi điều khiển phương tiện trong lĩnh vực ATGT cũng chưa phải là giải pháp căn cơ, triệt để, vì “phần gốc” của vấn đề là công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX, cấp phép cho các doanh nghiệp vận tải, kiểm định phương tiện vận tải, công tác hậu kiểm.
Có lo tài xế sử dụng GPLX giả?
Trước những ý kiến cho rằng nếu quản lý không tốt, tài xế bị tước bằng lái vĩnh viễn có thể dùng bằng giả để tiếp tục hành nghề, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan cấp, quản lý bằng lái xe với CSGT để ngăn chặn. Theo ông Quyền, các nước tiên tiến đều có cơ sở dữ liệu quốc gia cập nhật các lỗi vi phạm, người từng bị tòa án kết tội để các cơ quan liên quan tra cứu. Cần áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý một cách có hệ thống lực lượng lái xe; Đồng thời phát hiện, ngăn chặn những người bị tước bằng vĩnh viễn đi học lái xe. Việc kiểm tra bằng lái thật hay giả không khó khăn, doanh nghiệp tuyển dụng lái xe và lực lượng chức năng có muốn kiểm tra hay không thôi”, ông Quyền cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thạch, trong những vụ TNGT, trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải cũng phải được xem xét, truy cứu cụ thể. Trong kinh doanh vận tải thương mại đã quy định, doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải có bộ phận quản lý an toàn theo dõi giờ làm việc, chạy xe của tài xế hàng ngày? Kiểm soát việc khám sức khỏe định kỳ của lái xe ra sao? “Việc điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia là lỗi của tài xế. Nhưng việc để tài xế nghiện ma túy cầm lái trên đường là lỗi của doanh nghiệp. Điều đó chứng tỏ sự lỏng lẻo trong công tác kiểm tra an toàn của doanh nghiệp vận tải”, ông Thạch chia sẻ.
Đại diện Vụ ATGT cũng cho rằng, việc “luật hóa” tước GPLX vĩnh viễn chắc chắn sẽ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía các lái xe. “Tuy nhiên, trong tham gia giao thông, tính mạng con người luôn là trên hết.
Tài xế nếu bị tước GPLX, không đủ điều kiện hành nghề lái xe có thể chuyển sang nghề khác, nhưng một người thiệt mạng do sự chủ quan, tắc trách của lái xe thì không gì đền bù lại được, tổn thất cả về mặt tinh thần và kinh tế đối với các gia đình nạn nhân là rất lớn”, ông Thạch nói.