Đánh giá hiệu quả của Bộ luật Hình sự 1999, ông Trần Văn Độ - Phó chánh án TAND Tối cao kiêm Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương) cho biết:
Cơ bản Bộ luật đã phát huy hiệu quả, tạo hành lang pháp lý an toàn để người dân yên tâm sống và làm việc. Tuy nhiên, qua 14 năm áp dụng, Bộ luật được cho là bộc lộ nhiều hạn chế dẫn đến việc xử lý tội phạm trong một số trường hợp thiếu chính xác, xảy ra oan sai.
“Cần có chính sách phù hợp, kết hợp giữa trừng trị và giáo dục, không xem trừng trị là mục đích chính của hình phạt, mà chỉ là công cụ cần và đủ để giáo dục” - Ông Độ cho hay.
Về tội Hiếp dâm quy định tại điều 111 Bộ Luật Hình sự, ông Độ cho biết cần bổ sung chủ thể phạm tội là nữ giới do thực trạng về tội danh này trong những năm gần đây biến đổi cả về đối tượng, hình thức và phương pháp. Người thực hiện tội này vẫn có thể là nữ, trong khi thông thường chủ thể thực hiện hành vi giao cấu vẫn được cho là nam giới.
Đồng quan điểm, thạc sĩ, luật sư Phạm Thanh Bình bổ sung: “Nếu không xác định nữ giới tham gia với vai trò chủ thể thực hiện tội phạm thì không thể xử lý họ về tội này”.
Tuy nhiên, luật sư Bình cho rằng việc bổ sung chủ thể không nhất thiết phải đưa vào luật vì nội dung của điều luật hiện hành cũng không quy định rõ giới tính. Vì vậy chỉ cần nêu rõ trong các văn bản hướng dẫn để việc áp dụng được thống nhất.
Về đề xuất thu hẹp án tử hình khi sửa đổi Bộ luật Hình sự, ông Độ cho rằng việc này thể hiện tính nhân văn của hệ thống pháp luật, không đẩy người phạm tội lìa khỏi xã hội, hạn chế hậu quả cho gia đình họ… Mức án tử hình chỉ nên áp dụng với tội ma túy và hành vi giết người có tính chất tăng nặng.
Theo luật sư Bình, trong xã hội phức tạp như hiện nay chưa nên thu hẹp vì tội phạm đang có xu hướng tăng cao cả về phạm vi và mức độ nguy hại nếu không có biện pháp xử lý nghiêm sẽ dẫn tới hiện tượng "nhờn luật".
Trước việc đại diện Bộ Công an đề xuất tăng hình phạt với người chưa thành niên phạm nhiều tội, phạm tội nhiều lần và phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, luật sư Bình tán thành và đề xuất có thể áp dụng tới mức án chung thân.
Theo phân tích của ông, mức án tối đa 18 năm tù với người chưa thành niên hiện nay không đem lại hiệu quả vì tình trạng teen sử dụng bạo lực với mức độ đặc biệt nghiêm trọng đang gia tăng. Một số kẻ đã lợi dụng người chưa thành niên phạm tội gây nguy hại cho xã hội.
Việc xét xử người chưa thành niên phạm tội, ông Độ cho biết nên mở phiên tòa riêng, khép kín nhằm tránh để lại dấu ấn nặng nề cho người phạm tội đồng thời sẽ đạt được hiệu quả giáo dục cao hơn so với xét xử công khai.
Với những người phạm tội ít nghiêm trọng nhưng có thái độ ăn năn, có hành vi hối cải, ông Độ cho rằng cần được miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự song vẫn phải đảm bảo được khả năng giáo dục, hướng họ thành người tốt.
Người nhất thời phạm tội hoặc phạm tội do vô ý không nhất thiết phải đưa họ vào tù bằng bất cứ giá nào mà điều quan trọng là giúp họ nhận ra lỗi lầm để sửa chữa.
“Hình phạt nặng không phải là yếu tố quyết định mà nằm ở cách giáo dục con người. Muốn con người tốt lên chỉ có cách yêu thương chứ không phải hắt hủi”, ông Độ nhấn mạnh.
Việc phân hóa các giai đoạn phạm tội, theo Phó chánh án TAND Tối cao là rất cần thiết bởi ở nước ta hiện nay người chuẩn bị phạm tội và phạm tội hoàn thành đều bị xử lý chung một chế tài, trong khi mức độ phạm tội không như nhau. Vì thế, cần có mức phạt tương xứng ở từng giai đoạn phạm tội.