Đề xuất 2 phương án
Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ xem xét 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2020. Dự thảo đưa ra 2 phương án, đều có tổng số thời gian nghỉ là 7 ngày, gồm: 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán theo Bộ luật Lao động và 2 ngày nghỉ bù. Trong đó, phương án 1 nghỉ trước Tết 2 ngày và phương án 2 nghỉ trước Tết 1 ngày.
Cụ thể, phương án 1: Nghỉ 2 ngày cuối năm Kỷ Hợi (2019) và 3 ngày đầu năm Canh Tý (2020). Công chức, viên chức nghỉ Tết Nguyên đán từ thứ Năm (23/1/2020) đến hết thứ Tư (29/1/2020), tức từ 29 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến hết mùng 5 tháng Giêng năm Canh Tý. Với phương án này, công chức, viên chức, người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Nguyên đán và 2 ngày nghỉ bù. Do ngày mùng 1 và mùng 2 Tết trùng vào thứ Bảy và Chủ nhật, nên người lao động được nghỉ bù vào mùng 4 và mùng 5 Tết.
Phương án 2: Nghỉ 1 ngày cuối năm Kỷ Hợi và 4 ngày đầu năm Canh Tý. Công chức, viên chức, người lao động nghỉ Tết Nguyên đán từ thứ Sáu (24/1/2020) đến hết thứ Năm (30/1/2020), tức là từ 30 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến hết mùng 6 tháng Giêng năm Canh Tý. Theo phương án này, công chức, viên chức sẽ nghỉ 5 ngày và 2 ngày nghỉ bù là ngày mùng 1 và mùng 2 Tết trùng vào thứ Bảy và Chủ nhật sẽ được được nghỉ bù vào mùng 5 và mùng 6 Tết.
Trong 2 phương án trên, Bộ LĐ-TB&XH nghiêng về phương án 1, vì công chức, viên chức được nghỉ trước Tết 2 ngày sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và mua sắm. Đối với các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghỉ cố định thứ Bảy và Chủ nhật, căn cứ vào chương trình kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ phù hợp.
Tết đến sớm và có nghỉ bù
So với dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, lịch nghỉ Tết bắt đầu từ thứ Hai (4/2/2019 - 30 tháng Chạp năm Mậu Tuất) đến hết thứ Sáu (8/2/2019 - mùng 4 tháng Giêng năm Kỷ Hợi). Cùng có số ngày nghỉ là 5 ngày, nhưng lịch nghỉ Tết nằm trọn vẹn trong tuần làm việc nên tính cả thứ Bảy, Chủ nhật, dịp Tết Kỷ Hợi năm 2019 có tổng cộng 9 ngày nghỉ mà không có nghỉ bù.
Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 nằm giữa hai tuần làm việc, vì vậy số ngày nghỉ liên tục là 7 ngày, trong đó nghỉ bù 2 ngày mùng 1 và mùng 2 Tết như đã nêu trên.
Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 cũng đến sớm hơn so với Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Tết Dương lịch năm 2019. Cụ thể, ngày mùng 1 Tết Kỷ Hợi năm 2019 tương ứng với ngày 5/2/2019, như vậy, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cách sau Tết Dương lịch tới 35 ngày. Trong năm nay, lịch nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, theo phương án 1 tương ứng với ngày 23/1/2020, tức là cách sau Tết Dương lịch chỉ 23 ngày.
Tiết khởi đầu chu kỳ mới
Theo lịch vạn niên, Tết Nguyên đán của Việt Nam luôn muộn hơn Tết Dương lịch. Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán không bao giờ trước ngày 21/1 dương lịch và sau ngày 19/2 dương lịch mà rơi vào giữa những ngày này. Toàn bộ dịp Tết Nguyên đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).
Văn hóa Đông Á, trong đó có Việt Nam là nền văn minh nông nghiệp lúa nước, do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã phân chia thời gian trong một năm thành 24 tiết khí khác nhau và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc “giao thừa” trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên đán, ngày mùng 1/1 nông lịch, còn gọi là Tết Nguyên đán.
Tết Nguyên đán thường kéo dài từ ngày 20/12 tới mùng 10/1 âm lịch. Đầu xuân trên khắp mọi miền Tổ quốc, người dân Việt Nam có phong tục dâng hương cúng lễ tổ tiên ông bà, thăm hỏi người thân, bà con hàng xóm, chúc nhau một năm mới gặp nhiều may mắn, an khang thịnh vượng.