Đề xuất tăng mức xử phạt với vi phạm nồng độ cồn: Lo ngại gia tăng tiêu cực

GD&TĐ - Sau hàng loạt vụ tai nạn giao thông đường bộ thảm khốc, gây bức xúc trong dư luận xã hội, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có đề xuất tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn, có nguy cơ mất an toàn giao thông. 

Nhiều tai nạn thảm khốc do tài xế vi phạm nồng độ cồn
Nhiều tai nạn thảm khốc do tài xế vi phạm nồng độ cồn

Các ý kiến cho rằng, việc tăng nặng chế tài là rất cần thiết, tuy nhiên cần có giải pháp chống gia tăng tiêu cực, tham nhũng trong xử lý người vi phạm.

Theo đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đối với người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3 - vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở), sẽ bị phạt tiền từ 34 - 40 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng. Hiện Nghị định 46/2016 quy định mức xử phạt đối với hành vi trên chỉ 16 - 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng.

Ở mức vi phạm thấp hơn (mức 2 - nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 mg/lít khí thở), sẽ phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 14 - 18 tháng. Đối với mức vi phạm này, Nghị định 46/2016 đang quy định phạt tiền 7 - 8 triệu đồng và tước bằng lái xe 3 - 5 tháng. Với mức thấp nhất (mức 1 - nồng độ cồn dưới 50 mg hoặc dưới 0,25 mg/lít khí thở), mức phạt đề xuất phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng. Đây là mức được giữ nguyên như đã quy định trong Nghị định 46/2016.

Đối với người điều khiển mô tô, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất tăng nặng ở mức cao nhất là xử phạt từ 7 - 8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng đối với tài xế có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở. Hiện hành vi này Nghị định 46/2016 quy định xử phạt 3 - 4 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 3 - 5 tháng. Ở mức thấp nhất, mức phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 mg/lít khí thở, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 - 3 tháng vẫn được giữ nguyên.

Về vấn đề này, anh Nguyễn Đức Toàn, lái xe tuyến Hà Nội - Lào Cai cho rằng, việc tăng mức xử phạt gấp đôi như đề xuất của Bộ GTVT sẽ tăng thêm tính răn đe và chắc chắn có ảnh hưởng tích cực tới bảo đảm ATGT. Tuy nhiên, anh Toàn cho rằng, cần phải có giải pháp để bảo đảm sự minh bạch trong xử lý người vi phạm. “Là lái xe đường dài tôi biết nhiều nơi vẫn còn tình trạng lực lượng chức năng “làm luật” để bỏ qua vi phạm. Với mức tiền xử phạt lớn đến 40 triệu đồng, lái xe sẵn sàng đề nghị “cưa đôi” giá trị vi phạm để được bỏ qua. Chưa kể đến việc quen biết hoặc quan hệ cấp trên, cấp dưới có người nhà vi phạm”, anh Toàn trăn trở.

Anh Nguyễn Minh Hải, một viên chức tại Hà Nội, cho biết: “Sau vụ TNGT đau lòng ở hầm đường bộ Kim Liên vừa qua, anh chị em trong cơ quan chúng tôi bảo nhau khi có tiệc tùng, liên hoan thì bắt taxi đến nhà hàng để bảo đảm an toàn cho bản thân và không vi phạm pháp luật. Tôi cho rằng, đề xuất tăng mức xử phạt sẽ từng bước giảm thiểu những tai nạn do sử dụng bia rượu mang lại, bảo đảm tính răn đe của pháp luật. Tôi được biết, ở một số nước trong khu vực họ còn xử lý hình sự với các trường hợp lạm dụng bia rượu khi tham gia giao thông”.

Anh Hải cũng nêu quan điểm, cùng với việc tăng mức tiền xử phạt, các ngành chức năng cũng cần có biện pháp để minh bạch việc xử lý người vi phạm như lắp camera tại các chốt xử lý vi phạm. Bởi, với mức tiền xử phạt lớn như đề xuất sẽ có thể làm gia tăng tham nhũng trong những người thực thi nhiệm vụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ