Đổi thành chỉ tiêu giáo dục và đào tạo
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, Thảo luận qua trực tuyến, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đề nghị sửa tên "nhóm giáo dục" thành "giáo dục, đào tạo".
Vì trong nhóm này có quy định chỉ tiêu số sinh viên đại học trên 10.000 dân, để phản ánh đầy đủ theo cấp học từ phổ thông đến đại học. Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo giải thích thêm tại sao chỉ có 4 chỉ tiêu về giáo dục và chủ yếu là chỉ tiêu về giáo dục phổ thông.
Riêng về chỉ tiêu về giáo dục phổ thông; đại biểu đoàn Tuyên Quang đề nghị, Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm một số chỉ tiêu như: Tỷ lệ học sinh tham gia giáo dục nghề nghiệp; số học sinh học học nghề bình quân trên một giáo viên; số lượng sinh viên bình quân trên một giảng viên; số lượng và cơ cấu giáo viên mầm non; số lượng và cơ cấu giáo viên tiểu học; số lượng và cơ cấu giáo viên THCS, số lượng và cơ cấu giáo viên THPT; số lượng và cơ cấu giáo viên giáo dục nghề nghiệp; số lượng và cơ cấu giảng viên đại học.
Thống nhất với một số với đề xuất là: nên đổi thành chỉ tiêu giáo dục và đào tạo; đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn TP Cần Thơ) cho rằng, các chỉ tiêu liên quan đến giáo dục (mục 15) còn quá ít – có 3 chỉ tiêu.
Theo đó cần bổ sung thêm chỉ tiêu về số sinh viên học các hệ giáo dục nghề nghiệp như: Trung cấp, cao đẳng và chỉ tiêu sinh viên đại học trên 10.000 dân để thấy được “thang” đào tạo nhân lực theo trình độ lao động trong nền kinh tế.
“Bên cạnh đó, cần bổ sung chỉ tiêu về sinh viên tốt nghiệp có việc làm, ví dụ như: tỷ lệ có việc làm sau một năm tốt nghiệp. Chỉ số này có ý nghĩa trong định hướng đào tạo, đồng thời cho thấy việc làm của người lao động trong nền kinh tế” - Đại biểu Nguyễn Thanh Phương nói.
Cũng góp ý về chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị bổ sung tỷ lệ học phổ thông (từ tiểu học đến THPT).
Hiện, chỉ có chỉ tiêu tỷ lệ học đại học mà không có chỉ tiêu này, nên số học sinh phổ thông thiếu chính xác trong các báo cáo. Vì không có chỉ tiêu cụ thể nên tính số dân học phổ thông, tiểu học hiện nay chúng ta còn chưa rõ nét.
Đề nghị bổ sung chỉ tiêu số học sinh mầm non bình quân trên một giáo viên
Đến từ đoàn Hải Dương, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu ý kiến về chỉ tiêu số học sinh phổ thông bình quân trên một giáo viên trong hệ thống giáo dục nước ta. Hiện, giáo dục phổ thông bao gồm: giáo dục tiểu học, THCS và THPT.
Tức là, chỉ tiêu này không bao hàm số học sinh bình quân trên một giáo viên đối với giáo dục mầm non. Việc xây dựng chỉ tiêu này có thể xuất phát từ tư duy từ cấp tiểu học đến THPT là giai đoạn phổ cập giáo dục, nên cần thống kê số học sinh bình quân trên số giáo viên trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, thực tế hiện nay cho thấy: nhu cầu gửi trẻ em ở độ tuổi nhà trẻ, mầm non, mẫu giáo là rất lớn; đặc biệt ở khu vực đô thị. Trong khi đó, việc tuyển sinh ngành giáo dục mầm non lại rất khó khăn.
Các mô hình nhóm trẻ đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nhiều địa phương, cử tri cũng phản ánh về việc thiếu giáo viên mầm non và xảy ra tình trạng giáo viên mầm non bỏ nghề. Cũng có tình trạng nguồn nhân lực đăng ký tuyển dụng lại thấp hơn chỉ tiêu tuyển dụng.
“Vì vậy, xuất phát từ thực trạng và nhu cầu xã hội cũng như phản ánh của cử tri, tôi đề nghị bổ sung chỉ tiêu số học sinh mầm non bình quân trên một giáo viên, để từ các số liệu thống kê, có thể đưa ra các nhận định, đánh giá và phương án để định hướng giáo dục nghề nghiệp, cũng như xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục mầm non và điều chỉnh biên chế cho phù hợp” - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề xuất.